Tìm cổ phiếu nào để đầu tư mùa Đại hội đồng cổ đông?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Mặc dù mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đang vào thời điểm “nóng” nhưng khác với những mùa ĐHĐCĐ trước phần thảo luận năm nay cổ đông tập trung nhiều hơn vào câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mùa ĐHĐCĐ thường niên năm nay đến muộn hơn các năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thông thường, những kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, tỷ lệ cổ tức tiền mặt ở mức cao...luôn là những thông tin khiến cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn trở nên “nóng bỏng tay” trước và sau kỳ đại hội diễn ra.

Tuy nhiên, với mùa ĐHĐCĐ năm nay sức ảnh hưởng của những thông tin này đã không còn nặng đối với giá cổ phiếu mà thay vào đó là những vấn đề liên quan đến tác động và giải pháp ứng phó với dịch bệnh, “của để dành” có thể đem lại nguồn thu tốt trong bối cảnh năm 2020 hoặc những câu chuyện riêng, tái cấu trúc...mới là điểm được giới đầu tư quan tâm.

Chuyện sở hữu, sáp nhập

Ngày 12/6 vừa qua, CTCP Dầu thực vật Tường An (mã: TAC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 với thông tin đáng chú ý là kế hoạch sáp nhập với Tập đoàn mẹ Kido Group (mã: KDC) và cổ tức đặc biệt tỷ lệ 75% (mỗi cổ phiếu nhận được 7.500 đồng).

Song hành cùng câu chuyện sáp nhập này là diễn biến giá cổ phiếu TAC đã có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng hơn 100% từ đầu tháng 4 đến khoảng cuối tháng 5.

Tìm cổ phiếu nào để đầu tư mùa Đại hội đồng cổ đông? - Ảnh 1

Lựa chọn cổ phiếu có câu chuyện riêng để đầu tư đang là một gợi ý trong mùa ĐHĐCĐ năm nay (Ảnh: Internet)

Trước diễn biến này, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 vấn đề mà các cổ đông quan tâm đến nhất là khi nào sẽ chốt danh sách cổ đông để được nhận cổ tức đặc biệt và cụ thể tỷ lệ hoán đổi, thời gian sáp nhập với Tập đoàn mẹ là khi nào?

Bởi theo lãnh đạo của Kido Group khẳng định cổ đông sẽ thấy được sức mạnh của sự kết hợp giữa Tập đoàn và các thành viên. Kido không chỉ sáp nhập với Dầu tường An mà còn cả Kido Foods, Vocarimex và quay lại lĩnh vực cốt lõi trước đây (kem, sữa, dầu ăn).

Hay như câu chuyện được các cổ đông đặc biệt quan tâm tại ĐHĐCĐ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) hồi đầu tháng 6 là những liên quan đến kế hoạch thanh toán cho Cao su Phước Hòa (mã: PHR) và giảm sở hữu chéo của công ty trong mối quan hệ “tay ba” Cao su Phước Hòa – CTCP Đầu tư Sài Gòn (mã: SIP) – Nam Tân Uyên.

Việc đưa ra các câu trả lời thỏa đáng cho cổ đông cùng với kế hoạch muốn thanh toán sớm khoản hỗ trợ thiệt hại cho Cao su Phước Hòa có giá trị 865 tỷ đồng đã giúp cổ phiếu PHR bật tăng mạnh mẽ.

Trong một diễn biến liên quan, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG, mã: GVR) vừa tổ chức ĐHĐCĐ với mối quan tâm lớn nhất của cổ đông là việc thoái vốn tại Đầu tư Sài Gòn. Tại đại hội, lãnh đạo VRG cho biết Tập đoàn sẽ thoái vốn tại Đầu tư Sài Gòn trong năm 2020.

Những thông tin này cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho cổ phiếu SIP chinh phục ngưỡng 100.000 đồng/cp, tương đương tăng hơn 56% kể từ đầu tháng 4.

Ngoài ra, lãnh đạo VRG còn cho biết, giá trị cần phải thoái vốn của Tập đoàn theo phương án đã được phê duyệt là 2.061 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.079 tỷ đồng là ở 5 công ty thủy điện. Theo đó, tập đoàn sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp khác kể cả các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để tập trung đầu tư các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao là phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư.

Chuyện chuyển sàn

Câu chuyện chuyển sàn niêm yết bắt đầu nóng trở lại trong mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay khi một loạt ngân hàng công bố kế hoạch "chuyển nhà" lên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE).

Mới nhất, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn, ACB sẽ cố gắng thực hiện trong 2020, chia làm hai bước trong đó bước 1 là chốt cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 9 sau đó tháng 11, tháng 12 sẽ chuyển niêm yết.

Thông báo đến cổ đông, ông Đỗ Minh Toàn cho biết việc chuyển sàn niêm yết có thể đem lại cho ACB nhiều lợi thế như có thể lọt rổ VN30 hay VNDiamond, VNFinselect, VNFinlead...

Tương tự ACB, một "ông lớn" khác trên sàn HNX là SHB cũng đã được cổ đông thông qua phương án chuyển sàn niêm yết trong năm nay. Cũng trong năm 2020, LienVietPostBank cho biết sẽ hoàn thành thủ tục “chuyển nhà” cho cổ phiếu LPB từ UPCoM sang HoSE; niêm yết trên HoSE cũng là câu chuyện được VIB trình các cổ đông trong đại hội chuẩn bị được tổ chức tới đây.

Thực tế, việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE sẽ giúp các cổ phiếu ngân hàng có tính thanh khoản cao hơn, nâng cao vị thế tạo uy tín với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Không rõ lợi ích của việc niêm yết trên HoSE sẽ mang lại lợi ích trong tương lai ra sao nhưng rõ ràng trước mắt những thông tin này đã góp phần tạo thêm trung bình khoảng 5% cho mỗi cổ phiếu ngân hàng kể trên.

Đối với các nhà đầu tư để có mức sinh lời tốt, việc lựa chọn cổ phiếu là cực kỳ quan trọng, hiện đang có nhiều phương pháp lựa chọn khác nhau và mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán với nhóm nhà đầu tư có xu thế muốn chốt lời danh mục ngắn hạn khi cổ phiếu về tài khoản thì việc lựa chọn những cổ phiếu có câu chuyện riêng là phù hợp, có thể xem xét mua vào với tỷ trọng hợp lý nếu xuất hiện các nhịp điều chỉnh tại các vùng hỗ trợ. Còn đối với các nhà đầu tư giá trị, cần xem xét thêm những yếu tố cơ bản khác của doanh nghiệp như dòng tiền, sự tăng trưởng mảng kinh doanh cốt lõi...để có quyết định đầu tư đúng đắn nhất.