Tìm hướng “xanh hóa” dòng vốn đầu tư

PV.

Để có thể “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, rất cần đến sự hỗ trợ tích cực của ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường. Chính sách tín dụng xanh sẽ là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải độc hại, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Viện Chiến lược Ngân hàng vừa phối hợp với Vụ Truyền thông, Văn phòng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Định hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”. Đây là một hợp phần của Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam vừa được Thống đốc NHNN phê duyệt tại Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/08/2018.

Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm giải đáp thắc mắc cũng như gợi mở về định hướng chính sách cả ở góc độ quản lý cho NHNN và góc độ thực tiễn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam. Qua đó, nhận diện rõ việc tăng cường truyền thông nhận thức và trách nhiệm xã hội của ngành Ngân hàng đối với vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong vòng hai thập kỷ tới không chỉ là tăng trưởng nhanh như các giai đoạn trước đây mà phải là tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu rõ chủ trương: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; đặc biệt gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.

Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững tiêu biểu như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.

Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững cần huy động nguồn lực của toàn xã hội, nhất là ngành Ngân hàng. Theo các chuyên gia, ngành Ngân hàng có trách nhiệm hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường. Trách nhiệm này thể hiện ở hai khía cạnh sau:

Thứ nhất, là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, giữa bên thừa vốn và thiếu vốn; Tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, trong đó gồm cả những rủi ro môi trường.

Thứ hai, bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng tác động trực tiếp tới môi trường, thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến...

Tóm lại, ngành Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; Định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh; Hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường, góp phần thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường.