Tín dụng chuyển dịch sang người mua nhà, xu thế phát triển bền vững

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản của 5 tháng đầu năm đã tăng trưởng chậm lại so với năm 2016. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng chuyển dịch sang vay sửa chữa mua nhà.

Các ngân hàng hiện ưu tiên cấp vốn cho cá nhân vay mua nhà. Nguồn: Internet
Các ngân hàng hiện ưu tiên cấp vốn cho cá nhân vay mua nhà. Nguồn: Internet

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, ước tính đến hết tháng 5/2017, tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 5,7%).

Trong đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo chiều hướng giảm tỷ trọng tín dụng dài hạn. Ước tính, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,4% (cuối năm 2016 là 44,9%), tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,6% (cuối năm 2016 là 55,1%).

Về lĩnh vực, cho vay tiêu dùng có xu hướng tăng chậm lại với mức 29,7% so với cuối năm 2016, trong đó cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng.

Năm 2016, tín dụng tiêu dùng ước tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, 49,5% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay, cũng theo Ủy ban Giám sán tài chính Quốc gia.

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo một ngân hàng tại khu vực phía Nam cho hay, việc tín dụng vay sửa chữa, mua nhà tăng mạnh vào thời điểm này là điều không quá khó hiểu khi lãi suất hiện nay ở mức hợp lý, đồng thời giá bất động sản vẫn đang duy trì ổn định, nên nhiều người có nhu cầu mua nhà.

Thêm vào đó, hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi thời gian vừa qua được áp dụng trong các chương trình mua nhà, như lãi suất 0% hay hỗ trợ lãi suất, cũng thúc đẩy người dân tăng tích lũy tài sản nhà đất, đặc biệt là với những người có nhu cầu ở thật.

Trên thực tế, trước yêu cầu cần thận trọng với việc kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà.

Một lãnh đạo Ngân hàng HDBank cho biết, Ngân hàng có sự chọn lọc khá kỹ và luôn đảm bảo theo quy định về tỷ lệ cho vay của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, phân khúc khách hàng tập trung nhiều hơn vẫn là cho cá nhân vay mua nhà, nhất là với những dự án mà Ngân hàng có liên kết. Dư nợ cho vay mua nhà tại HDBank hiện chiếm 10 - 15% tổng dư nợ khối cá nhân.

Tương tự, Vietcombank cũng cho hay, mặc dù room tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng hiện còn già nửa, song chủ trương của Vietcombank là chỉ tập trung đẩy mạnh cho khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở, không cho vay kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, Ngân hàng không có chủ trương cung ứng vốn tín dụng cho các chủ đầu tư dự án. Việc cho cá nhân vay mua nhà cũng chỉ triển khai ở các dự án mà Ngân hàng có liên kết, những dự án có đầu ra tốt, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu.

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thu Hằng, Phó giám đốc Phụ trách Bộ phân nghiên cứu Savills Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản được dự đoán sẽ tập trung mạnh vào phân khúc nhà ở, căn hộ dành cho tầng lớp trung.

Trong khi đó, các công ty bất động sản cũng đang tập trung chủ yếu vào phân khúc căn hộ vừa và nhỏ, với mục tiêu thực hiện chính sách ưu tiên cho khách hàng mua nhà để ở.

Đây là phân khúc bền vững, trụ cột cho thị trường bất động sản, nên các ngân hàng cũng đang từng bước phát triển theo định hướng này, với nhiều chính sách ưu đãi tín dụng nhằm thu hút khách hàng vay vốn.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2017, vay mua nhà là một nhu cầu có thực và đang gia tăng do sự thay đổi về nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhu cầu về nhà ở cũng được kích thích bởi sự chuyển biến mang tính xã hội, có thể nhận thấy qua sự phổ biến của mô hình gia đình hạt nhân và lối sống tự lập ngày càng tăng trong giới trẻ. Với số lượng cứ 10 người đi mua nhà có tới 6 người cần vay vốn ngân hàng, thì không khó hiểu khi tín dụng tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý rằng, mức lãi suất hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn, nếu không nói là cao. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm kết thúc, nhiều người mua nhà gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn theo lãi suất thị trường 8 - 12%/năm như hiện nay.