Tín dụng sẽ tăng trong quý II

Theo Báo Đầu tư

Hạ lãi suất, thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC), triển khai các gói tín dụng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, giảm thuế… sẽ là những yếu tố mới hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý II/2013.

Tín dụng sẽ tăng trong quý II
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nguyên nhân tín dụng tê liệt

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối quý I/2013, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 0,1%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mà NHNN đặt ra trong năm 2013. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tín dụng tê liệt, nhưng chủ yếu là do nợ xấu cao và tồn kho lớn.

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (NHNN) khẳng định: “Quả bóng tín dụng đang nằm trong tay doanh nghiệp (DN), chứ không phải ngân hàng. Thực tế, trước khi trần lãi suất cho vay được hạ xuống 7,5%/năm, nhiều ngân hàng thương mại đã cho vay với lãi suất 9-10%/năm, nhưng không tìm được khách vay. Nguyên nhân là do sức cầu yếu, hàng không tiêu thụ được, tồn kho lớn…, thì DN vay để làm gì?”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính khiến tín dụng chảy chậm là do sức khỏe DN quá yếu, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, nên không dám vay. “Sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tốt, thì DN mới có nhu cầu vay vốn để tiếp tục sản xuất, quay vòng kinh doanh. Tuy nhiên, hiện số lượng DN phá sản đang ngày càng tăng. Dù lãi suất cho vay trong quý I có giảm xuống dưới 10%/năm, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp”, ông Hiếu nhận định.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, dù đã giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống mức 8-9%/năm, nhưng vẫn rất khó tìm khách vay. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế quá yếu là nguyên nhân chính khiến tín dụng chảy chậm. Cơ quan này cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt mục tiêu đề ra là 12%.

Bên cạnh đó, theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một nguyên nhân nữa khiến tín dụng đóng băng là nợ xấu chưa được xử lý. Nợ xấu cao khiến các ngân hàng thương mại phải sử dụng một nguồn lực lớn để trích lập dự phòng rủi ro, không thể giảm lãi suất và mở rộng cho vay. Nợ xấu cũng khiến DN không thể tiếp cận nguồn vốn mới. Đáng lưu ý, theo công bố của NHNN, nợ xấu của toàn hệ thống hiện khoảng 6%. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu thực tế có thể lên tới 20%. Trong khi đó, VAMC, vốn được coi là công cụ chủ yếu để giải quyết nợ xấu, lại chưa thể thành lập trong quý I. Điều này lý giải tại sao tín dụng không thể tăng, dù ngân hàng thừa vốn.

Nhưng theo các DN, một nguyên nhân nữa khiến tín dụng bị tắc là lãi suất vẫn cao và khó tiếp cận vốn.

Nhiều dấu hiệu khả quan

Nếu so với chỉ tiêu tín dụng cả năm 2013, tăng trưởng tín dụng đạt được của quý I là rất đáng báo động. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng trưởng tín dụng quý I/2012 (âm 1,96%), rõ ràng, tăng trưởng tín dụng năm nay đã khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, biểu đồ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay cũng cho thấy, xu hướng tăng trưởng tín dụng đang hình thành khá vững vàng, nhất là từ cuối tháng 2 tới nay. Nếu cuối tháng 2/2013, tín dụng vẫn âm 0,28%, thì đến ngày 21/3 đã tăng 0,03%. Và chỉ trong hơn 1 tuần sau đó (đến cuối tháng 3/2013), tăng trưởng tín dụng đã tăng lên 0,1%.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xu hướng tăng tín dụng sẽ tiếp diễn trong quý II, bắt đầu mạnh lên vào quý III và IV, bởi nhiều yếu tố hỗ trợ tín dụng sẽ xuất hiện trong quý II.

Thứ nhất là lãi suất. PGS., TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc lãi suất cho vay giảm thêm thời gian tới sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng. Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, ngành ngân hàng sẽ nỗ lực đưa lãi suất cho vay xuống 9-10%/năm, lãi suất các khoản vay cũ cũng sẽ hạ xuống còn 13%/năm.

Thứ hai, trong quý II, các bộ, ngành sẽ đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở nhiều khả năng sẽ được ban hành trong tháng 4 này. Theo đó, NHNN dự kiến sẽ dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 5 ngân hàng để cho đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... vay mua, thuê nhà ở với lãi suất 6%/năm trong 3 năm đầu. Chính sách này được dự báo sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng và thị trường bất động sản.

Thứ ba, chính sách giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế VAT cũng đang được các bộ, ngành xem xét để trình Quốc hội cho ý kiến. Đây cũng là động lực để DN vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, VAMC nhiều khả năng sẽ được Chính phủ thành lập vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2013. VAMC dự kiến sẽ mua lại nợ xấu ngân hàng bằng 100% giá trị sổ sách và đưa nợ xấu ngân hàng ra khỏi bảng cân đối tài sản. Điều này giúp ngân hàng mạnh tay tăng trưởng tín dụng vì cục máu đông được tạm gỡ.

Thứ năm, theo phản ánh của nhiều DN, hiện một số ngân hàng ngại cho vay vì sợ NHNN áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) từ ngày 1/6 tới. Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP. Hà Nội mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong bối cảnh ngân hàng và DN khó khăn như hiện nay, NHNN sẽ xem xét giãn thời hạn thực hiện Thông tư 02.