Tín dụng tăng không chỉ "nhờ" lãi suất

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Quyết định vay vốn của doanh nghiệp (DN) phụ thuộc chủ yếu tổng cầu. Sức mua kém, hàng tồn kho tăng thì cho dù hạ lãi suất nữa DN cũng không dám mạnh dạn hoặc bằng mọi giá vay vốn.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, điều chỉnh lãi suất tùy thuộc vào lạm phát. Mà lạm phát nước ta đang giảm và khả năng kiểm soát tốt. Mặt khác, tín dụng đang ra rất chậm nên khả năng giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay là hoàn toàn có cơ sở.

Phóng viên: Theo ông, việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay tác động bao nhiêu % trong quyết định vay vốn của khách hàng?

Tín dụng tăng không chỉ "nhờ" lãi suất - Ảnh 1
TS. Cao Sỹ Kiêm,
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
TS. Cao Sỹ Kiêm: Chắc chắn hạ lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất cho vay. Trong lúc khó khăn như hiện nay thì lãi biên ngân hàng bắt buộc phải giảm. Nhưng, thực tế có những khoản vay chưa thể giảm ngay được vì nợ cũ vẫn theo mức lãi suất huy động áp dụng trước đó. Còn với những khách hàng vay mới, tôi nghĩ chắc chắn được vay với lãi suất thấp hơn. Và việc lãi suất cho vay giảm bao nhiêu % còn phụ thuộc vào uy tín, sức khỏe tài chính của khách hàng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, lãi suất không phải vấn đề quyết định nữa. Quyết định vay vốn của DN phụ thuộc chủ yếu tổng cầu. Sức mua kém, hàng tồn kho tăng thì cho dù hạ lãi suất nữa DN cũng không dám mạnh dạn hoặc bằng mọi giá vay vốn.

Thay vào đó, họ phải cân nhắc, tính toán rất kỹ trước quyết định vay vốn của mình. Ở góc độ ngân hàng có cho vay hay không còn phụ thuộc DN có đủ điều kiện không. Vì chỉ khi DN vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất, bán được hàng mới có dòng tiền và ngân hàng mới nhìn thấy được khả năng thu nợ. Nếu DN không bán được hàng, làm ăn thua lỗ, ngân hàng vẫn cố cho vay sẽ làm tăng thêm nợ quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Nên thời điểm này, việc hạ lãi suất cho vay chỉ góp phần tăng khả năng cho vay ra của ngân hàng thôi, chứ nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tôi nói ở trên là tổng cầu, khả năng hấp thụ vốn của DN.

Các ngân hàng đang có xu hướng mở rộng cho vay tín chấp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Ông nghĩ sao về động thái này?

Đây là một trong những nghiệp vụ tín dụng của bất cứ ngân hàng nào cũng đều đã thực hiện. Nhưng đối với cho vay tín chấp, khách hàng thường là DN có năng lực tài chính tốt, khả năng sinh lời cao và phải phát triển hiệu quả một cách vững chắc. Nhưng có một thực tế, mấy năm nay các ngân hàng sàng lọc đi sàng lọc lại có thể nói là đã gạn ra gần hết các khách hàng tốt thừa tiêu chuẩn vay hoặc tín nhiệm rồi. Giờ nếu chọn tiếp khách hàng để cho vay tín chấp, ngân hàng phải lựa rất kỹ và DN phải tạo lòng tin cho ngân hàng thì khả năng vốn cho vay tín chấp mới tăng.

Vậy, cần có giải pháp đột phá nào mới kích được tín dụng tăng, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, chủ yếu giải pháp nâng cao sức mua. Sức mua được cải thiện, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên thì tổng cầu của nền kinh tế chắc chắn được kích lên. Để cải thiện sức mua, các đơn vị bán hàng chấp nhận hạ giá thành, song Nhà nước cần hỗ trợ DN tiết giảm chi phí giá bán qua việc giảm thủ tục hành chính phiền hà. Ví dụ, thời gian kê khai thuế là 100 ngày giảm xuống chỉ còn 50 ngày, thủ tục chuyển nhượng bất động sản…

Mặt khác, ngân hàng và DN phải tăng cường làm việc phối hợp với nhau. Nếu ngân hàng chỉ ngồi chờ, không hỗ trợ mà để DN tự xoay xở thì họ khó có thể làm được. Như vậy, ngân hàng – DN sẽ không thể nào gặp nhau được. Và, câu chuyện ngân hàng thừa vốn và DN vẫn khát vốn tiếp tục diễn ra. Song, về phía DN cũng cần phải vươn lên với sự hỗ trợ của ngân hàng để đáp ứng được quy định, tiêu chuẩn về cấp tín dụng. Vì ngân hàng cũng là DN, họ kinh doanh và ít nhất phải đảm bảo an toàn vốn. Chính vì vậy, hai bên cần phải xích lại gần nhau, tìm hiểu chia sẻ với nhau nhiều hơn mới đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả được.

Xin cảm ơn ông!