Tín dụng tăng thấp: Đâu phải lo!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Tuy mục tiêu tăng trưởng năm nay không đạt được, nhưng nhiều khả năng cao hơn mức tăng của năm 2012 và chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế cũng được cải thiện rõ rệt.

 Tín dụng tăng thấp: Đâu phải lo!
Chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế được cải thiện rõ rệt. Nguồn: internet

Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2013 tuy thấp hơn chỉ tiêu định hướng 12%, nhưng nhiều khả năng cao hơn mức tăng của năm 2012 và chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế cũng được cải thiện rõ rệt.

Tính đến ngày 12/12/2013, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm dần cả về số tuyệt đối và tỷ trọng.

Đến cuối tháng 11/2013, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%, đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,51%, đối với doanh nghiệp xuất khẩu tăng 3,32%, với công nghiệp hỗ trợ tăng 10,84% so với cuối năm 2012.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2013 dự kiến không đạt được mục tiêu đầu năm đặt ra phần nào sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nêu quan điểm: “Tôi tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt mốc cao hơn năm 2012, bởi chúng ta theo dõi thấy tình hình có tính quy luật là cuối năm tín dụng tăng cao.

Do đó, chắc chắn, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trên 9%.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, cầu thấp, sự lắng đọng của một loạt các thị trường, đặc biệt là bất động sản, thì đây cũng là tín hiệu khả quan”.

Bà Hồng cho biết thêm, năm 2014, tổng phương tiện thanh toán sẽ tăng khoảng 16 - 18%, tín dụng tăng khoảng 12 - 14% và được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Để đạt được mục tiêu đề ra, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tín dụng cả năm 2014, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng mở rộng cho vay trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống...

“Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ kịp thời cho Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai có hiệu quả cơ chế cho vay hỗ trợ nhà ở...”, bà Hồng nhấn mạnh.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, tăng trưởng tín dụng một cách đơn thuần không phải là điều quan trọng mà quan trọng là việc phân bổ nguồn tín dụng. Tăng trưởng tín dụng 5%, 10% hay 15% không có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế.

Điều có tác động tích cực đến nền kinh là tăng trưởng tín dụng tại những ngành và những lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

“Theo tôi, thách thức của Việt Nam là làm sao để các lĩnh vực cần tín dụng tiếp cận được với nguồn vốn. Ví dụ như, Việt Nam có khu vực tư nhân và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, xương sống của nền kinh tế, rất mạnh mẽ và những lĩnh vực đó cần phải tiếp cận được với nguồn tín dụng”, ông Nirukt Sapru nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, cần có một tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam và thị trường ngân hàng cần đặt trọng tâm vào khách hàng, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao nhất. Đồng thời, phải đảm bảo đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng thông qua những việc làm có ý nghĩa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, để một nền kinh tế phát triển, chúng ta có một công thức: tăng tăng trưởng GDP 1 đồng cần 2 đến 3 đồng của tăng trưởng tín dụng. Tất nhiên, con số của tăng trưởng tín dụng có thể thay đổi theo từng giai đoạn, cụ thể như năm 2013 là một năm rất khó khăn, nên tăng trưởng tín dụng không cao.

Tuy nhiên, không thể có tăng trưởng kinh tế nếu không có tăng trưởng tín dụng. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong năm 2014 mà NHNN đề ra là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% mà Quốc hội đã biểu quyết thông qua.

“Định hướng thì vậy, nhưng trong quá trình triển khai, hy vọng NHNN sẽ có những điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp với tình hình kinh tế. Song song với đó, chất lượng tín dụng cần được các ngân hàng đặt lên hàng đầu, nếu không, hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của rủi ro”, TS. Hiếu nói.