Tín dụng tiêu dùng: Hướng tới hài hòa lợi ích các bên

PV.

Hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh có độ rủi ro thấp hơn bởi đồng vốn vay được quay vòng từ thu mua, sản xuất đến tiêu thụ rồi thu tiền về. Ngược lại, đối với tín dụng tiêu dùng, vốn vay được tài trợ cho nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng nên độ rủi ro cao. Để dòng vốn này chảy vào nền kinh tế hiệu quả, cần sớm có giải pháp hài hòa lợi ích tất cả các bên tham gia.

Hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng

Với góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Đà Nẵng đã nêu nhận định như vậy về dịch vụ cho vay tiêu dùng đang khá phổ biến ở Việt Nam. Theo ông Võ Minh, chính những lý do trên là nguyên nhân lý giải tại sao lãi suất cho vay tiêu dùng luôn cao hơn so với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, điều mà hiện nay đang trở thành chủ đề tranh cãi sôi nổi trên các diễn đàn.

Một lý do khác, cũng theo ông Võ Minh, do đối tượng của tín dụng tiêu dùng là các cá nhân, hộ gia đình nên bên cạnh các yếu tố rủi ro khách quan như thiên tai, mất mùa, thất nghiệp, chu kỳ kinh tế, còn có các yếu tố rủi ro chủ quan đến từ chính người tiêu dùng. Đó chính là tâm lý tiêu dùng nhưng thiếu ý chí trả nợ. Trong những trường hợp như vậy, ông Minh cho rằng, cho dù có nắm giữ tài sản đảm bảo, bên cho vay vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, để tách biệt và hạn chế rủi ro khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng dưới chuẩn, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính và hiện đang xin ý kiến góp ý của doanh nghiệp và cơ quan chức năng liên quan.

Theo dự thảo, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tập trung vào 3 lĩnh vực: Cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng. Hoạt động này phải đáp ứng các điều kiện: Bên cho vay thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng do khách hàng mua, sử dụng; Bên vay hoàn trả tiền vay (bao gồm cả gốc và lãi) theo định kỳ được quy định tại hợp đồng cho vay tiêu dùng; Cho vay tiêu dùng được thực hiện tại các điểm bán hàng, giới thiệu dịch vụ của bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; Thời hạn cho vay không quá 5 năm; Việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở hệ thống thẻ chấm điểm; Cho vay tín chấp hoặc cho vay có tài sản bảo đảm là hàng hóa tiêu dùng được mua từ nguồn vốn tín dụng được cấp...

Thực tế, để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hạn chế rủi ro trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng, thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã và đang triển khai thành lập công ty tài chính hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu dùng. Không chỉ vậy, một số tổ chức, tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng đang đẩy mạnh việc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, với thủ tục vay đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp, các sản phẩm cho vay tiêu dùng mà các công ty tài chính tung ra trong thời gian gần đây, đã dần thu hút được lượng lớn khách hàng, đặc biệt là những đối tượng không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng. Sự phát triển của dịch vụ tài chính tiêu dùng đã thực sự mang lại những lợi ích nhất định: cơ chế cho vay thông thoáng, thủ tục nhanh gọn, thuận tiện… nhờ vậy mà người tiêu dùng có thể dễ dàng sở hữu các sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng đời sống, và cũng từ đây thị trường hàng hóa được thúc đẩy phát triển.

Mặc dù vậy, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ khiếu nại liên quan tới mức lãi suất của các khoản vay tiêu dùng, ít nhiều làm mất đi hình ảnh và uy tín của các công ty tài chính.

Để tránh rủi ro và làm nảy sinh những vướng mắc có thể gây tranh chấp, khiếu kiện, ông Nguyễn Tiến Đông lưu ý trước khi ký vay vốn, người vay nên cẩn trọng nghiên cứu kỹ càng hồ sơ hợp đồng, đặc biệt với những thông tin về thời hạn khoản vay, khoản trả góp hàng tháng, các quy định về mức phí nộp chậm… nhằm bảo đảm khoản tiền phải chi trả hàng tháng nằm trong khả năng tài chính của mình.

Liên quan tới vấn đề này, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cần phải có thêm thời gian để nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Đây là vấn đề không chỉ khó khăn đối với Việt Nam mà ngay ở các nền kinh tế tiên tiến khác trên thế giới. “Để nâng cao nhận thức thì các công ty tài chính phải làm sao tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, tránh dẫn tới mâu thuẫn hai bên”, TS. Nguyễn Minh Phong góp ý.