Tín dụng vào mùa tăng trưởng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Vào thời điểm này, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng bắt đầu tăng tốc. Tính từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng tương đối đều đặn, bình quân 1,1 – 1,2%/tháng. Sau 9 tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã gần 11%, không phải chờ giải ngân ồ ạt vào cuối năm để đạt chỉ tiêu như trước đây.

Sau 9 tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã gần 11%. Nguồn: internet
Sau 9 tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã gần 11%. Nguồn: internet

Trong những năm trước, khi tín dụng tăng trưởng èo uột, thậm chí là âm, cuối năm luôn được đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho đạt chỉ tiêu. Khi tín dụng tăng quá nhanh, hệ lụy là nợ xấu tăng, căng thẳng thanh khoản, chạy đua lãi suất… Hậu quả là ngành ngân hàng phải ra tay bằng nhiều biện pháp hành chính khác nhau để điều tiết thị trường. Năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đều đặn, ổn định, nhưng chắc chắn vẫn có sự tăng trưởng đột biến vào cuối năm.

Tín dụng tăng trưởng mạnh

Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng như trên cho thấy nền kinh tế bắt đầu hồi phục ổn định. Đây là tín hiệu tích cực, dòng vốn lưu thông đưa vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải cho xã hội. Mặc dù thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến động, tỷ giá điều chỉnh mạnh, nhưng dòng tiền huy động, cho vay vẫn tốt.

Trước đây, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD khá cao, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ khi có nhu cầu vay vốn thường chọn vay USD thay vì vay tiền đồng để giảm chi phí lãi vay. Nay chênh lệch đó gần tương đương với độ giảm giá của tiền đồng trong quãng thời gian tương ứng, nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay bằng tiền đồng. Do đó, doanh nghiệp kiểm soát được chi phí đầu vào, ít chịu ảnh hưởng tỷ giá và hoạt động kinh doanh không bị xáo trộn.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng nước ta nắm giữ tới 80% nguồn vốn đầu tư cho cả nền kinh tế. Vì lẽ đó, khi cần vay vốn sản xuất kinh doanh, đa phần các doanh nghiệp phải tìm đến ngân hàng. Việc nền kinh tế trên đà phục hồi và tăng trưởng trong thời gian qua đã kéo theo nhu cầu tăng lên của tín dụng. Các ngân hàng sẽ tăng mạnh cung tiền được lấy từ các quỹ, thị trường chứng khoán, nguồn trái phiếu doanh nghiệp…

Theo các chuyên gia, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn của các ngân hàng hiện chiếm tới 40% trong cơ cấu kỳ hạn rất dễ khiến hệ thống trì trệ, kém linh hoạt. Tuy nhiên, một khi thị trường vốn chưa phát triển mạnh, ngân hàng đành phải chấp nhận thực tế trên.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh sẽ có tác động đến lãi suất huy động tăng. Tuy nhiên, lạm phát kỳ vọng đang ở mức thấp nên tín dụng vẫn ổn định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các lĩnh vực ưu tiên về nông nghiệp, nông thôn đều tăng trưởng rất mạnh. Các lĩnh vực xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ đều tăng trưởng khá tốt. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng của ngành ngân hàng đã điều chỉnh lên 15 – 17% có thể sớm đạt được khi ngân hàng liên tục đưa ra các gói tín dụng để kích cầu.

Tăng tốc cho vay

Các chuyên gia dự báo với đà tăng trưởng hiện nay thì tín dụng cả năm chắc chắn sẽ vượt cả con số 17% khi các ngân hàng thường đua nhau giải ngân vào mua cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải thận trọng trước khi tăng tốc cho vay khi nợ xấu vẫn còn cao, NHNN vẫn đang siết chặt, tỷ giá điều chỉnh, gây áp lực lên lạm phát và làm cho lãi suất có xu hướng tăng.

Việc hệ thống tín dụng ngân hàng thường tăng mạnh giải ngân vào cuối năm là điều không phải bàn cãi. Giới ngân hàng thường gọi vui là "mùa tín dụng". Năm nay, tín dụng của toàn hệ thống đã tăng nhanh và không còn tình trạng "âm" như trước đây, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều rất phấn khởi.

NHNN đã chấp thuận cho nới "room" tín dụng lên mức rất cao, có nhà băng được lên tới 30%, thậm chí là 36%, gần bằng thời điểm phát triển nóng trước đây, nên ngân hàng vẫn tung ra các gói ưu đãi lớn.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết sẽ dành 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay đảm bảo bằng thẻ tiết kiệm từ nay đến hết năm 2015. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp trên có cơ hội vay vốn ưu đãi đảm bảo bằng thẻ tiết kiệm VND hoặc USD do HDBank hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành, lãi suất từ 6,5%/năm tùy từng kỳ hạn của thẻ tiết kiệm. Lãi suất vay được giữ cố định trong suốt thời gian vay.

Ngân hàng VPBank ưu tiên khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vay tới 2.000 tỷ, với lãi suất khá hấp dẫn. Ngân hàng ABBank cũng dành 1.000 tỷ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp vay trung và dài hạn với lãi suất từ 7,5%/năm. Các doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành ưu tiên là sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực phát triển nông nghiệp – nông thôn, công nghệ cao… được hỗ trợ giải ngân.

Ngân hàng SCB đang triển khai gói tín dụng bình ổn cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhằm bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động thiếu hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh với tổng giá trị gói tín dụng 500 tỷ đồng. Lãi suất cho vay cố định 6,99%/năm trong suốt thời hạn vay.

Các ngân hàng luôn đón đầu nhu cầu vốn của doanh nghiệp làm ăn theo mùa vụ để giải ngân. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không cho vay dễ dãi mà vẫn lo ngại nợ xấu, và phải đảm bảo được mức chênh lệch lãi suất hợp lý.

Mặc dù đưa ra rất nhiều gói kích cầu cho vay nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không bao giờ tiếp cận tín dụng ngân hàng vì thiếu tài sản thế chấp.

Năng lực tín nhiệm thấp và sức cạnh tranh yếu nên các doanh nghiệp nhỏ chỉ hoạt động theo mùa vụ, với mức ổn định không cao. Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thị trường tiềm năng cho vay nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ nên đành bó tay.