Trái phiếu doanh nghiệp: “Điểm nóng” đầu tư

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Năm 2013, được coi là năm “được mùa” của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Lãi suất hấp dẫn được coi là yếu tố khiến loại trái phiếu này “hút” nhà đầu tư.

Khối lượng phát hành tăng “khủng”

Theo số liệu của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), tính đến tháng 12/2013 các doanh nghiệp đã huy động được 33.600 tỷ đồng vốn trong nước qua TPDN. Lượng phát hành trong năm 2013 đã tăng 17% so với khối lượng phát hành của cả năm 2012.

Một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong phát hành TPDN là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). doanh nghiệp này đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 1,7 lần khối lượng dự kiến là 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành thành công trái phiếu 10 năm, với kết quả vượt 5% so với mục tiêu 3.000 tỷ đồng ban đầu, vượt gần 60% so với con số 2.000 tỷ đồng khi ngân hàng này thăm dò nhu cầu thị trường hồi quý 2/2013. Ngoài ra, theo thông tin chúng tôi có được, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn có kế hoạch phát hành 10.000 tỷ đồng TPDN.

Ở các doanh nghiệp nhỏ hơn, mới đây, Công ty CP Du lịch Thiên Minh đã tiến hành chào bán khoảng 1.000 tỷ đồng trái phiếu tới các nhà đầu tư thông qua Công ty Chứng khoán ACB.  Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhỏ và trung bình cũng bắt đầu chào bán trái phiếu với quy mô chỉ trăm tỷ đồng, thậm chí dưới 100 tỷ đồng, nhưng giới đầu tư tỏ ra khá e dè.

Ồng Trần Văn Vinh – Phó giám đốc Công ty Tư vấn Tài chính FATS cho biết, trước thông tin thuận lợi từ thị trường, doanh nghiệp nhỏ gần đây cũng muốn phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, công ty của ông đã từ chối tư vấn phát hành trái phiếu cho một số doanh nghiệp, vì kế hoạch của họ không khả thi.

Trên thực tế, TPDN lúc này đang trở thành kênh đầu tư có lợi suất trên danh nghĩa cao nhất. Lãi suất phát hành cho năm đầu tiên của các doanh nghiệp sản xuất lớn hiện ở vào khoảng 11-12%/năm và biên lãi suất khoảng 3-3,5%/năm. Lãi suất phát hành của các doanh nghiệp rủi ro cao hơn như bất động sản có thể lên tới 14%/năm.

Thanh khoản chưa cao

Nhu cầu về TPDN chủ yếu đến từ các ngân hàng đang có nguồn tiền nhàn rỗi lớn do tín dụng tắc nghẽn đầu ra kéo dài. Tuy nhiên, việc các ngân hàng đổ xô đầu tư vào trái phiếu chính phủ đã khiến lợi suất giảm xuống thấp hơn cả lãi suất huy động (7%/năm), khiến có thời điểm, kênh đầu tư này trở nên ảm đạm một thời gian.

Ông Ngô Hà Quân, Giám đốc thị trường vốn – Ngân hàng Standard Chartered cho biết, hiện nay có 6 ngân hàng nước ngoài tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu trong nước và 5 ngân hàng cổ phần nhà nước là những nhà đầu tư lớn trên thị trường. Ngoài ra, trong số hơn 20 công ty bảo hiểm tại Việt Nam, chỉ có 5 công ty tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư nhìn chung đều tập trung vào TPDN kỳ hạn 5 năm hoặc ngắn hơn.

Dù vậy, tại cuộc hội thảo về thị trường trái phiếu mới đây, TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo, hiện nay tính thanh khoản của TPDN chưa cao, nếu các ngân hàng thương mại “ôm” vào mà không có giao dịch thì đây thực chất cũng chỉ là tín dụng “khoác áo” trái phiếu.

Tính thanh khoản của TPDN còn tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm. Trái phiếu có hai loại, một loại là đảm bảo bằng tài sản của doanh nghiệp, loại khác dựa trên tín chấp, tức là dựa vào mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Do đó phải có cơ chế làm tăng khả năng đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp, đánh giá độ rủi ro của việc đầu tư vào TPDN, vì độ rủi ro sẽ quyết định lãi suất. Từ đó xây dựng “luật chơi” phù hợp cho thị trường vốn.

Đối với doanh nghiệp, họ phải thể hiện sự tin cậy để người mua trái phiếu tin, khi mua trái phiếu đó họ không bị thua lỗ, không bị mất khả năng thanh toán khi đến hạn. Nghĩa là doanh nghiệp phải minh bạch, phải có công bố mục đích rõ ràng của việc phát hành trái phiếu để nhà đầu tư thấy được hiệu quả khi bỏ vốn.