Trái phiếu xanh - Kênh thu hút vốn mới

Theo tapchithue.com.vn

Trong chiến lược phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam, sản phẩm trái phiếu xanh đã được đưa vào như là một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các dự án thân thiện với mới môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Là đơn vị được giao xây dựng đề án trái phiếu xanh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) dự kiến trong năm 2017 này sẽ giới thiệu tới các chủ thể phát hành sản phẩm trái phiếu xanh và thí điểm triển khai tại một số địa phương có nhu cầu huy động vốn. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc phụ trách HNX cho biết, việc phát hành trái phiếu xanh nên được thử nghiệm với trái phiếu chính quyền cho các dự án, chương trình xanh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Đây cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, khi muốn xây dựng thị trường trái phiếu xanh trong thời gian đầu. Điều này vừa tạo được sự minh bạch hơn so với trái phiếu thông thường, vừa giúp liên kết các chính quyền địa phương với thị trường trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đồng thời chủ động hơn trong việc huy động vốn cho các chương trình, dự án xanh. Ở tầm nhìn rộng hơn, việc phát triển thị trường trái phiếu xanh cũng có thể được coi là một cách tạo ra sự liên kết giữa các chính quyền địa phương của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2016, tại tọa đàm đầu tiên về chủ đề “Kế hoạch phát triển trái phiếu xanh” do HNX và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức với sự tham gia của Kho bạc Nhà nước, các tổ chức phát hành là các chính quyền địa phương, hình hài của trái phiếu xanh cũng đã có được những phác thảo đầu tiên. Theo đó, trái phiếu xanh được xây dựng nhằm huy động vốn phục vụ cho các công trình “xanh” như các dự án thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió… HNX sẽ phối hợp với GIZ để xây dựng đề án phát triển thử nghiệm trái phiếu xanh (trong khuôn khổ dự án “Tài chính xanh”) để báo cáo Bộ Tài chính.

Dự kiến, đề án phát hành thử nghiệm trái phiếu xanh với cơ cấu, đặc điểm sản phẩm linh hoạt như: trái phiếu coupon thuần túy, trái phiếu zero coupon, phù hợp với chương trình hành động chung của Bộ Tài chính. Ngoài nghiên cứu chỉ số trái phiếu xanh, HNX cũng mong muốn nghiên cứu tạo ra sản phẩm kết hợp giữa tín dụng, trái phiếu và từ nguồn hỗ trợ vốn ưu đãi quốc tế (ODA).

Trên thực tế, khung pháp lý định hướng cho phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có cả sản phẩm trái phiếu xanh; Quyết định 1393/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định 403/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Đặc biệt, ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, trong đó có việc phải hoàn thiện khung chính sách về thị trường vốn xanh với việc phát hành trái phiếu cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh (sản phẩm là trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho mục tiêu, chương trình dự án xanh).

Hướng tới phát triển một thị trường trái phiếu mở, tiếp cận với chuẩn quốc tế, rồi hội nhập, ngoài yếu tố tăng cường sự minh bạch, thị trường trái phiếu phải tạo được nhiều kênh huy động vốn cho các tổ chức trên thị trường. Chính vì vậy, nhu cầu đối với trái phiếu xanh rất lớn bởi trái phiếu xanh sẽ là một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Tuy nhiên, thách thức trong việc phát triển trái phiếu xanh còn rất nhiều. Theo đó, thị trường không chỉ là thiếu các chuẩn mực chung về tiêu chuẩn xanh và đầu tư vào trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, chi phí ban đầu cho các dự án xanh thường có nhu cầu vốn ban đầu cao hơn so với các dự án khác, và phải chịu các rủi ro về chi phí vốn cao hơn… mà còn là cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan ban ngành trong triển khai giải pháp và chính sách xanh.

Để xây dựng và phát triển được trái phiếu xanh (TPCP, TPCQĐP), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét một loạt giải pháp đồng bộ, phải ban hành khung chính sách về phát hành trái phiếu chính phủ xanh, danh mục dự án/chương trình “xanh”.

Kèm theo đó, xem xét có chính sách ưu đãi về thuế đối với việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh; để thúc đẩy thanh khoản cho trái phiếu xanh, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chấp nhận sử dụng trái phiếu xanh trong hoạt động thị trường mở với tỉ lệ chiết khấu cao hơn các trái phiếu cùng loại; cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh) làm dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của GIZ, UBCKNN triển khai các chương trình đào tạo, xây dựng năng lực cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu xanh, đồng thời có giải pháp thu hút các nhà đầu tư tổ chức như: quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí… tham gia thị trường vốn xanh.

Trên cơ sở kế hoạch hành động (Quyết định 2183) cho giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài chính và Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh đến 2050 của Chính phủ, việc triển khai các nội dung cụ thể trong lĩnh vực tài chính xanh có thể bắt đầu từ việc xây dựng sản phẩm trái phiếu “xanh” và đây sẽ là bước đi đáng khích lệ, vì một đất nước Việt Nam “xanh”, một nền kinh tế nước nhà bền vững trong tương lai không xa.