"Lịch sử"lặp lại ...

Trong chặng đường trên 12 năm phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đã từng xuất hiện không ít tin đồn thất thiệt, tác động tiêu cực tới giá một số cổ phiếu niêm yết. Đầu năm 2008, TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn “thăng hoa” và cổ phiếu SSI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn liên tục lập “đỉnh”, trở thành “món ăn” ưa thích của nhiều tổ chức đầu tư thì liên tiếp xuất hiện những tin đồn bất lợi về doanh nghiệp (DN) này. Đỉnh điểm của những tin đồn là thông tin tin “Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI - ông Nguyễn Duy Hưng bị bắt”, xuất hiện ngay sau khi tổ chức tư vấn đầu tư Merrill Lynch phát hành bản báo cáo thị trường, trong đó có nhận xét tốt về cổ phiếu SSI. Trong vài phiên giao dịch kế tiếp, cổ phiếu SSI liên tục rớt giá với lực mua khá mạnh. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, không ít nhà đầu tư (NĐT) nhẹ dạ, nao núng bán tháo cổ phiếu SSI đã phải tiếc nuối khi ông Hưng xuất hiện trên truyền hình khẳng định vẫn “bình an vô sự”…

Cũng vào năm 2008, tin đồn ác ý tương tự đã xảy ra với bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Vndirect khiến không ít NĐT đi rút tiền tại tổ chức trung gian tài chính này. Tuy nhiên, khi bà Hương xuất hiện trên truyền thông phủ nhận những thông tin sai lệch về mình thì nhiều người nhẹ dạ mới biết mình bị… hớ!

Với các NĐT lão luyện, có kinh nghiệm thì tin đồn được coi là một phần của TTCK và không dễ tác động để khiến họ đưa ra các quyết định bán, mua… Tại TTCK Việt Nam, các NĐT nước ngoài thường có những nguyên tắc đầu tư khá chuyên nghiệp, mua và bán cổ phiếu ở những mức giá quy ước, bất chấp những thông tin nhiễu loạn thiếu nguồn gốc. Tuy nhiên, các NĐT nội, phần đông thuộc diện nhỏ lẻ lại vẫn thường trực một tâm lý bầy đàn, nên tin đồn vẫn có “đất sống”.

Nhắc lại các sự kiện trên để thấy những phản ứng của NĐT trên TTCK Việt Nam trong những ngày cuối tháng 8/2012, sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị cơ quan điều tra khởi tố… “vừa đáng thương, vừa đáng giận”. Việc cựu thành viên HĐQT của một ngân hàng cổ phần bị bắt (vì hành động làm trái không hề liên quan đến ngân hàng này) nên được xem là sự kiện bình thường của đời sống kinh tế, nhưng lại dễ dàng bị những kẻ tung tin thất thiệt lợi dụng gây ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK. Ngạc nhiên hơn khi tin đồn một số “đại gia” ngân hàng khác cũng sẽ “theo chân” ông Kiên không chỉ khiến cổ phiếu ngân hàng đã bị giới đầu tư bán tháo mà nhiều cổ phiếu của các DN sản xuất khác, đang làm ăn tốt, thị giá hợp lý cho mọi chiến lược đầu tư cũng bị NĐT “cắt lỗ” theo. Chỉ ít ngày sau, khi những nhân vật bị đồn “xộ khám” lần lượt xuất hiện tại những sự kiện lớn của DN, nhiều người mới biết rằng “bổn cũ soạn lại” đã được những kẻ giấu mặt tung tin thực hiện khá thành công. Cơn bán tháo cổ phiếu dừng lại và TTCK sau đó đã có nhiều phiên tăng điểm thì với NĐT non gan, mọi sự đã quá muộn. Với các NĐT ngoại, ngay trong đợt giảm điểm kể trên họ đã đẩy mạnh mua vào tới trên 600 tỷ đồng tại những cổ phiếu tốt, nhiều tiềm năng như FPT và VNM và họ coi đây là cơ hội mua vào lý tưởng. Tại sao lại có các nghịch lý trên? Đơn giản vì các tổ chức nước ngoài có đủ thông tin để không bị tâm lý “đám đông” chi phối và họ có niềm tin vào các quyết định đầu tư của mình. Ngay sau đó, những cổ phiếu này đều bật tăng khá mạnh…

Bài học không mới

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ngay sau khi diễn ra các sự kiện trên, hàng loạt giải pháp cấp bách đã được đưa ra nhằm củng cố niềm tin cho giới đầu tư. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng đã xuất hiện cảnh báo NĐT cần hết sức bình tĩnh, kẻo rơi vào “bẫy” tin đồn, gây thiệt hại cho chính mình. Về phía UBCKNN và Bộ Tài chính, bên cạnh việc báo cáo Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tung tin, gây tiêu cực trên thị trường, cơ qua này đã tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông củng cố niềm tin cho giới đầu tư…

Ngày 7/9/2012, UBCKNN tiếp tục ban hành Công văn số 3229/UBCK-QLQ gửi các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát về việc chấn chỉnh các hoạt động về chứng khoán và TTCK. Cụ thể, UBCKNN yêu cầu mọi tổ chức kinh doanh chứng khoán không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán - sự tiếp tay cho hoạt động “bán khống”… Với những tổ chức và cá nhân cố tình vi phạm, nếu xét có dấu hiệu hình sự, UBCKNN sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một lần nữa các NĐT cần phải biết cách bảo vệ túi tiền của chính mình. Nếu như không tỉnh táo thì thiệt hại trước hết trên TTCK thuộc về bản thân họ và cơ hội thu lợi nhuận lớn lại thuộc về những người có đầu óc suy xét và không bị tâm lý “bầy đàn” dẫn dắt. Theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN thì nhược điểm “tâm lý yếu” chưa được khắc phục là nguyên nhân để tin đồn khuếch đại trong thời gian vừa qua và phần thiệt hại chủ yếu rơi vào các NĐT nhỏ lẻ.

Lịch sử đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam cho thấy xu hướng đầu tư theo đám đông đều là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ từ chứng khoán đến vàng và gần đây là bất động sản. Bởi vậy, với mỗi NĐT, bài học tỉnh táo và lý trí không bao giờ là muộn bởi trên những thị trường bậc cao này, chiến thắng chỉ đến với những NĐT thực sự vững vàng, có bản lĩnh trước những tin đồn nhiễu loạn và cả phong ba, “sóng gió”.

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 9/2012

Tránh “bẫy” tin đồn…

Giáng Hương

(Tài chính) Sự kiện được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua là nhiều tin đồn liên tục diễn ra tác động xấu tới thị trường chứng khoán và nhà đầu tư chứng khoán. Từng được cảnh báo nhiều lần về tác hại của “bẫy” tin đồn, nhưng không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn biến mình thành nạn nhân của những trò lừa bịp cũ.

Xem thêm

Video nổi bật