Trao đổi về những hợp đồng chứng khoán phái sinh cơ bản

P. Tú

Hiện nay, Bộ Tài chính đang đẩy nhanh triển khai các nội dung công việc để có thể chính thức đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới. Nhằm giúp nhà đầu tư hiểu hơn về thị trường mới này, Tạp chí điện tử Tài chính giới thiệu về một số hợp đồng chứng khoán phái sinh cơ bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông thường, trên thị trường chứng khoán phái sinh, có 04 loại hợp đồng phái sinh chính, bao gồm: Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng tương lai, Hợp đồng Quyền chọn và Hợp đồng hoán đổi.

Hợp đồng Kỳ hạn (forwards contract):

Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày thực hiện giao dịch.

Hợp đồng kỳ hạn có giá trị pháp lý ràng buộc giữa hai bên mua và bán; đến kỳ hạn thực hiện (ngày đáo hạn hợp đồng), người có hợp đồng mua có quyền và nghĩa vụ phải mua, người có hợp đồng bán có quyền và nghĩa vụ bán.

Chẳng hạn, một người nông dân A trồng lúa, sau khi tính toán hết mọi chi phí, anh ta xác định giá bán gạo Nàng Hương sau vụ thu hoạch tháng 10 tối thiểu phải 19.000đ/kg thì anh ta mới có lãi.

Tháng 7, anh ta tìm đến một người buôn gạo B, ký với người này một hợp đồng kỳ hạn  “bán 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 19.000đ/kg, kỳ hạn tháng 10” để đảm bảo rằng, tại thời điểm đáo hạn hợp đồng (tháng 10), cho dù giá gạo trên thị trường là bao nhiêu đi nữa thì, người nông dân A vẫn bán được 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 19.000đ/kg, và có lời.

Tuy nhiên, hợp đồng kỳ hạn có những hạn chế nhất định. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận riêng rẽ giữa bên mua và bên bán nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của hai bên. Bởi vậy, hợp đồng này khó bán lại cho bên thứ ba do khó tìm được bên thứ ba có cùng nhu cầu như bên mua hoặc bên bán.

Hợp đồng kỳ hạn được thỏa thuận trực tiếp giữa hai bên, không được chuẩn hóa nên chỉ được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Để hạn chế nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn, người ta đã phát triển một sản phẩm chuẩn hóa, có thể dễ dàng giao dịch là hợp đồng tương lai.

Hợp đồng Tương lai (futures Contract):

Hợp đồng tương lai là một dạng hợp đồng kỳ hạn đã được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tại thị trường tập trung (Sở Giao dịch Chứng khoán). Chẳng hạn: hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index, dự kiến sẽ được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh ngay khi mở cửa thị trường.

Hợp đồng tương lai do Sở Giao dịch Chứng khoán xây dựng hợp đồng mẫu và sau đó niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Hợp đồng tương lai được giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán, được thỏa thuận mua bán thông qua người môi giới (thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh).

Trước khi giao dịch hợp đồng tương lai, nhà đầu tư phải nộp ký quỹ vào tài khoản ký quỹ (Margin Account) theo mức quy định tối thiểu của Trung tâm bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh (tại Việt Nam là Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD), thông qua công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai gọi là mức ký quỹ ban đầu.

Trong trường hợp mức kỹ quỹ này xuống thấp hơn mức ký quỹ duy trì, nhà đầu tư phải bổ sung tiền mặt hoặc chứng khoán có trong danh sách chấp nhận làm tài sản của Trung tâm bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh (với một mức chiết khấu nhất định cho từng cổ phiếu) để tăng giá trị ký quỹ về mức tối thiểu mức ký quỹ ban đầu. Trong trường hợp tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư cao hơn mức ký quỹ duy trì theo quy định của công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể rút ra phần tài sản dư.

Khi được giao dịch, giá của hợp đồng tương lai thay đổi liên tục, tăng hoặc giảm trong ngày, tương tự như việc giao dịch cổ phiếu hiện tại trên thị trường chứng khoán cơ sở. Giá của hợp đồng tương lai được hạch toán theo giá hàng ngày căn cứ trên giá thị trường. Điều đó có nghĩa là trong kỳ hạn của hợp đồng tương lai, các khoản lãi/lỗ hàng ngày được cộng/trừ vào tài khoản ký quỹ của mỗi bên.

Chẳng hạn, giả sử A và B là người mua và bán trong hợp đồng tương lai VN30-Index kỳ hạn 1 tháng với giá tương lai F1. Tại thời điểm tháng 4/2017 (t=1), VN30-Index bằng 666 điểm, S1 = 666. VN30-Index sau 1 tháng (tháng 5) theo cam kết trong hợp đồng bằng 700 điểm, F1 = 700.

Giả sử đến tháng 5, VN30-Index tăng lên 720 điểm. Theo hợp đồng, B cam kết bán chỉ số ở giá F1 = 700 cho A, trong khi có thể bán trên thị trường với giá cao hơn là Sm = 720. A được lợi và B bị thiệt. B phải thanh toán cho A số tiền: V = m*(Sm – F1 ) = 100.000*(720 – 700) = 2.000.000 VND.

Ngược lại, giả sử đến tháng 5, VN30-Index giảm xuống 650 điểm. Theo hợp đồng, A cam kết mua chỉ số ở giá F1 = 700 từ B, trong khi có thể mua trên thị trường với giá thấp hơn là Sm = 650. B được lợi và A bị thiệt. A phải thanh toán cho B số tiền: V = m*(F1 – Sm ) = 100.000*(700 – 650) = 5.000.000 VND.

Hợp đồng Quyền chọn (Option Contract):

Hợp đồng quyền chọn là một công cụ tài chính cho phép người mua có quyền, nhưng không bắt buộc, được mua hay bán một tài sản cơ sở với mức giá đã được ấn định vào trước hoặc đúng ngày đã được xác định trong tương lai.

Các yếu tố cấu thành hợp đồng quyền chọn bao gồm: Người mua quyền (holder), người bán quyền (writer), tài sản cơ sở (underlying asset), giá thực hiện (strike or exercise price), ngày đáo hạn (expiration date), phí mua quyền (premium).

Hợp đồng quyền chọn có một số đặc điểm như: Hợp đồng quyền chọn là một công cụ tài chính duy nhất cho phép người mua nó có quyền chứ không phải có nghĩa vụ; Người bán hợp đồng quyền chọn có nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng nếu người mua nó yêu cầu; Hợp đồng quyền chọn là một tài sản tài chính nên nó có giá trị; Giá cả trên thị trường của tài sản cơ sở là căn cứ để xác định giá trị của hợp đồng quyền chọn; Kiểu quyền chọn: kiểu giao dịch do hai bên thỏa thuận cho phép người mua được lựa chọn thời điểm thực hiện quyền chọn.

Hợp đồng quyền chọn có thể thực hiện theo 2 kiểu:

- Hợp đồng kiểu Mỹ (American style): người mua hợp đồng quyền chọn có quyền thực hiện hợp đồng vào bất kỳ thời điểm nào trước khi hợp đồng hết hạn.

- Hợp đồng kiểu châu Âu (European style): người mua hợp đồng quyền chọn chỉ được thực hiện hợp đồng vào thời điểm hợp đồng hết hạn.

Nội dung

Quyền chọn Mua

Quyền chọn Bán

Người mua

Có quyền mua tài sản cơ sở

Có quyền bán tài sản cơ sở

Người bán

Có nghĩa vụ bán tài sản cơ sở

Có nghĩa vụ mua tài sản cơ sở 

Chẳng hạn, ông A mua hợp đồng quyền chọn mua cổ phần SSI với giá thực hiện là 15.000 đồng/cổ phần. Vào thời điểm đáo hạn, giả thiết giá một cổ phần SSI trên thị trường là 20.000 đồng. Ông A sẽ thực hiện quyền chọn mua, người bán buộc phải bán cổ phần SSI (có giá thị trường 20.000 đồng) chỉ với giá 15.000 đồng. Như vậy, người bán bị thiệt 5.000 đồng/cổ phần, trong khi người mua được lợi 5.000 đồng/cổ phần.

Hợp đồng Hoán đổi (Swap Contract):

Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận pháp lý trong đó hai bên cam kết hoán đổi dòng tiền của một công cụ tài chính của một bên với dòng tiền của công cụ tài chính của bên còn lại trong một khoảng thời gian nhất định.

- Hợp đồng hoán đổi giao dịch trên thị trường OTC, đa dạng về chủng loại

- Hợp đồng hoán đổi phổ biến nhất là hợp đồng hoán đổi lãi suất Vanilla Đơn giản (Plain-Vanilla) hay còn gọi là hợp đồng hoán đổi lãi suất thả nổi-cố định

Hợp đồng hoán đổi lãi suất thường được các ngân hàng và các doanh nghiệp áp dụng. Theo đó, các doanh nghiệp đồng ý trả một luồng tiền bằng mức lãi suất cố định được định trước trên một mức vốn danh nghĩa trong một số năm. Để đổi lại, các ngân hàng sẽ trả mức lãi suất thả nổi trên cùng mức vốn danh nghĩa cho cùng thời kỳ. Các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất để tránh rủi ro về lãi suất và để tái cơ cấu tài sản nợ, có.

Chẳng hạn, Công ty Microsoft có một khoản vay bằng trái phiếu, trả lãi định kỳ với lãi suất Coupon là lãi suất LIBOR (lãi suất liên ngân hàng London thả nổi). Để hạn chế rủi ro về lãi suất LIBOR thả nổi, Công ty Microsoft ký kết HĐHĐ lãi suất trái phiếu với ngân hàng Citibank trong đó quy định: Citibank sẽ trả lãi suất thả nổi (floating rate) của trái phiếu cho Microsoft, và Microsoft trả lãi suất cố định: 5% cho Citibank. Giá trị tài sản (mức vốn danh nghĩa) là 100 triệu USD.

Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index có các nội dung như sau:

· Tài sản cơ sở: VN30-Index

· Quy mô hợp đồng: 100.000 VND x VN30-Index, trong đó giá trị 100.000 VND được gọi là hệ số nhân (multiplier) của hợp đồng, ký hiệu là m.

· Tháng đáo hạn: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý gần nhất

· Phương thức giao dịch: Phương thức khớp lệnh và Phương thức thỏa thuận

· Thời gian giao dịch: Mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút, Đóng cửa: kết thúc cùng thị trường cơ sở

· Biên độ dao động giá: ±7%

· Đơn vị giao dịch: 01 hợp đồng.