Triển khai chứng quyền có bảo đảm góp phần hoàn thiện cấu trúc về sản phẩm trên thị trường chứng khoán

Theo Tạp chí Chứng khoán 12/2017

Chứng quyền có bảo đảm (CW) được đánh giá là một trong các sản phẩm tài chính có giao dịch năng động nhất trên các thị trường chứng khoán (TTCK) mới nổi. Hiện đã có 42/56 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) thuộc Liên đoàn các SGDCK thế giới (WFE) triển khai giao dịch đối vối sản phẩm này.

Giao dịch dễ dàng và có được lợi nhuận lớn từ chi phí đầu tư nhỏ. Nguồn: Internet
Giao dịch dễ dàng và có được lợi nhuận lớn từ chi phí đầu tư nhỏ. Nguồn: Internet

 Tại Việt Nam, ngày 29/6/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chào bán và giao dịch CW. Hiện tại, SGDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đang tích cực phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và nhóm các công ty chứng khoán (CTCK) phát hành tiềm năng nhằm hoàn thiện các công việc cuối cùng để chính thức đưa sản phẩm CW ra thị trường, dự kiến vào đầu năm 2018.

Lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào sản phẩm CW

Giao dịch dễ dàng và có được lợi nhuận lớn từ chi phí đầu tư nhỏ

CW là một sản phẩm phù hợp với các nhà đầu tư ưa thích rủi ro, trong đó tác động đòn bẩy chính là điểm hấp dẫn nhất của sản phẩm. Với chi phí ban đầu mua CW chỉ bằng một phần rất nhỏ, khoảng 10% so với giá trị của cổ phiếu cơ sở, nhà đầu tư có thể đạt được mức biến động giá tương đương như đầu tư vào chính cổ phiếu cơ sở đó và tính chất đòn bẩy sẽ làm gia tăng tỷ suất sinh lợi cho nhà đầu tư. Như vậy, trong suốt thời hạn chứng quyền có hiệu lực, trường hợp giá cổ phiếu cơ sở biến động đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn nhiều so với khoản chi phí đầu tư ban đầu.

CW được giao dịch và thanh toán tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư không cần phải ký quỹ trước khi giao dịch và được phép sử dụng tài khoản giao dịch cổ phiếu để giao dịch CW. Sau khi sở hữu CW, nhà đầu tư có quyền bán lại CW thông qua hệ thống giao dịch của SGDCK hoặc nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Những lưu ý về rủi ro khi đầu tư CW

Bên cạnh sức hấp dẫn được tạo ra bởi yếu tố đòn bẩy, nhà đầu tư cần hiểu được các rủi ro đi kèm trong giao dịch chứng quyền, đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân trước khi quyết định đầu tư.

Như một tính chất luôn song hành, sản phẩm có tính đòn bẩy cao sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro. Ngoài việc khuếch đại lợi nhuận, tính đòn bẩy của CW cũng có thể khuếch đại mức độ tổn thất khi giá của cổ phiếu cơ sở biến động ngược với dự đoán của nhà đầu tư. Nói cách khác, giá của chứng quyền sẽ biến động nhanh đối với các thông tin tốt, xấu của cổ phiếu cơ sở và theo đó mức sinh lời, rủi ro đối với CW cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, vòng đời của CW là luôn có giới hạn (tối thiểu 3 tháng và tối đa 2 năm kể từ ngày phát hành). Tại thời điểm đáo hạn của CW, chỉ có những CW ở trạng thái có lãi (giá thanh toán của cổ phiếu cơ sở cao hơn giá thực hiện đối với CW mua và ngược lại đối với CW bán) mới được thực hiện quyền, những CW ở trạng thái khác sẽ vô giá trị và nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đã bỏ ra để mua CW ban đầu.

Một rủi ro khác nữa mà nhà đầu tư khi tham gia giao dịch CW cũng cần quan tâm, đó chính là rủi ro đến từ tổ chức phát hành CW. Trong suốt thời gian lưu hành của CW, vì một lý do nào đó có thể tổ chức phát hành CW sẽ gặp khó khăn về tài chính hoặc bị phá sản dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi CW đến hạn. Vì vậy, nhà đầu tư cần đánh giá tình hình tài chính cũng như hoạt động của tổ chức phát hành trước khi quyết định mua CW.

Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia thị trường CW

Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm mới và tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó khung pháp lý hiện hành (bao gồm: Nghị định số 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 107/2016/TT-BTC) đã có những quy định thiết thực nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành và bảo vệ nhà đầu tư.

- Điều kiện để trở thành tổ chức phát hành CW: theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, để trở thành tổ chức phát hành CW các CTCK phải có Vốn Điều lệ và Vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên, không có lỗ lũy kế và đồng thời không bị đặt trong tình trạng cảnh báo, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động, hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản. Các điều kiện trên được đánh giá là khá cao và theo thống kê đến ngày 30/6/2017, trong số 74 CTCK thành viên của HOSE chỉ có khoảng 12 CTCK là đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành tổ chức phát hành CW.

- Tổ chức phát hành phải ký quỹ tài sản đảm bảo thanh toán trước khi chào bán CW: Để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho người sở hữu CW, trước khi phát hành CW, tổ chức phát hành phải ký quỹ tài sản đảm bảo thanh toán (tiền, chứng chỉ tiền gửi hoặc có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký) tại ngân hàng lưu ký trong suốt thời gian có hiệu lực của chứng quyền, với giá trị ký quỹ tối thiểu là 50% giá trị đợt chào bán.

- Thực hiện phòng ngừa rủi ro: Phòng ngừa rủi ro là nghĩa vụ bắt buộc của tổ chức phát hành CW. Trong suốt thời gian CW có hiệu lực, hàng ngày tổ chức phát hành CW phải thực hiện mua, bán cổ phiếu cơ sở theo phương án phòng ngừa rủi ro đã được trình bày trong bản cáo bạch. Việc phòng ngừa rủi ro nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn. Hoạt động này được giám sát chặt chẽ bởi SGDCK thông qua chế độ báo cáo hàng ngày.

- Thực hiện tạo lập thị trường: Đây cũng là nghĩa vụ bắt buộc của tổ chức phát hành CW.  Việc thực hiện tạo lập thị trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thể bán lại CW bất kỳ thời điểm nào nếu nhà đầu tư không muốn nắm giữ CW đến ngày đáo hạn.

Số tiền ký quỹ tại ngân hàng lưu ký và lượng cổ phiếu cơ sở mà tổ chức phát hành mua hàng ngày là những tài sản dùng để thanh toán cho người sở hữu CW khi chứng quyền đáo hạn. Trường hợp tổ chức phát hành CW đã sử dụng hết số tài sản trên mà vẫn không đủ để thanh toán cho nhà đầu tư, người sở hữu CW sẽ trở thành chủ nợ có đảm bảo một phần đối với tổ chức phát hành.

Bên cạnh việc hạn chế rủi ro mất khả năng thanh toán của tổ chức phát hành CW, khung pháp lý hiện hành cũng đã có những quy định nhằm hạn chế rủi ro thao túng giá cổ phiếu cơ sở của CW, đặc biệt là vào gần ngày CW đáo hạn.

- Tiêu chí cho việc lựa chọn cổ phiếu cơ sở: để làm cổ phiếu cơ sở cho CW, các cổ phiếu này phải là các cổ phiếu nằm trong chỉ số VN30, HNX30 và đáp ứng các điều kiện nghiệm ngặt về thanh khoản, mức vốn hóa cũng như tỷ lệ tự do chuyển nhượng. Theo tính toán, chỉ có khoảng 20 cổ phiếu nằm trong chỉ số VN30 là đủ điều kiện đáp ứng làm cổ phiếu cơ sở cho CW.

- Phương thức xác định giá thanh toán của cổ phiếu cơ sở khi CW đáo hạn: để hạn chế việc thao túng giá cổ phiếu cơ sở vào ngày giao dịch cuối cùng, giá cổ phiếu cơ sở để xác định việc thực hiện chứng quyền là bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu cơ sở trong năm (05) ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn (không bao gồm ngày đáo hạn).

Ngoài những quy định cụ thể trên, HOSE luôn chú trọng và tăng cường công tác giám sát chặt chẽ song hành giữa thị trường CW và thị trường cổ phiếu cơ sở nhằm theo dõi và phát hiện các biến động bất thường về giá, khối lượng giao dịch, xu hướng chuyển động giá chứng quyền và cổ phiếu cơ sở.

Kỳ vọng của HOSE khi CW được ra mắt

Thị trường CW được triển khai sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc về sản phẩm trên TTCK vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Sản phẩm CW đi vào hoạt động sẽ mở ra một kênh giao dịch mới cho các nhà đầu tư, đặc biệt giải quyết bài toán cổ phiếu hết room1 cho nhà đầu tư nước ngoài, từ đó góp phần thúc đẩy thanh khoản, đồng thời từng bước giúp thị trường cổ phiếu tăng trưởng ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó, CW ra đời tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các CTCK bổ sung thêm các mảng hoạt động như nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư và hoạt động tạo lập thị trường, từ đó đa dạng hóa nguồn doanh thu cho CTCK thành viên.

Hơn nữa, để có thể phát hành sản phẩm thành công, tổ chức phát hành CW phải tăng cường năng lực tài chính, củng cố và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư cho hệ thống, cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại nhằm tạo lợi thế khi thực hiện được các nghiệp vụ đặc thù như phòng ngừa rủi ro (hedging) và tạo lập thị trường cho sản phẩm. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo một bước nhảy vọt trong quá trình tái cấu trúc và cải thiện chất lượng hoạt động của các CTCK.

Với vai trò then chốt trong việc hình thành sản phẩm, tạo hàng cho thị trường, các tổ chức phát hành CW (CTCK) luôn nhận được sự phối hợp và hỗ trợ từ HOSE thông qua nhóm công tác triển khai sản phẩm CW được hình thành từ tháng 5/2016. Dự kiến trong giai đoạn đầu triển khai sản phẩm, sẽ có khoảng 4 – 6 CTCK tham gia phát hành CW.

Các công ty này về cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc phát hành CW bao gồm: Đầu tư hệ thống tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro cho CW; Nhân sự và các quy trình nội bộ để vận hành sản phẩm. Hiện tại, các CTCK trên đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ chào bán CW để gửi UBCKNN cũng như tích cực giới thiệu sản phẩm CW đến các nhà đầu tư và thị trường.

CW là một sản phẩm mới, tuy có nhiều lợi điểm nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư tham gia giao dịch phải có sự hiểu biết nhất định về sản phẩm và am hiểu về rủi ro. Nhà đầu tư có thể trang bị các kiến thức về sản phẩm thông qua các tài liệu đào tạo, tuyên truyền phổ biến kiến thức của HOSE được đăng trên website www.hsx.vn bao gồm các clip giới thiệu và đào tạo về CW, Infographic2 và Bộ tài liệu hướng dẫn nhà đầu tư CW…