Triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ - Góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững

Theo Mai Thư/Tạp chí Chứng khoán 05/2018

Sau bước khởi đầu suôn sẻ của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tại Việt Nam với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30, dự kiến trong quý III/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ đưa thêm sản phẩm HĐTL trái phiếu chính phủ (TPCP) vào giao dịch trên thị trường này. Theo TS. Nguyễn Quang Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán (UBCKNN), đó sẽ là thời điểm phù hợp để đưa HĐTL TPCP vào giao dịch, hơn nữa, đây là sản phẩm rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, góp phần giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phóng viên: Thưa ông, tại sao ngay từ khi TTCKPS đi vào hoạt động, chúng ta không đồng thời đưa sản phẩm HĐTL chỉ số và HĐTL TPCP giao dịch trên thị trường mà phải chờ cho đến quý III/2018 mới triển khai sản phẩm HĐTL TPCP?

TS. Nguyễn Quang Thương: TTCKPS được coi là một thị trường bậc cao, cung cấp sản phẩm đầu tư mới và công cụ quản trị rủi ro cho nhà đầu tư, nhưng bản thân TTCKPS cũng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần được quản lý, vận hành phù hợp.

Chính vì vậy, các văn bản như Quyết định số 252/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 366/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS; cũng như Nghị định số 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán phái sinh (CKPS) và TTCKPS (Nghị định 42) đều đã thể hiện rõ quan điểm thận trọng, phát triển TTCKPS từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm quản lý, giám sát được những rủi ro trên thị trường.

Đúng như nhà báo đã nói, trong quá trình chuẩn bị, chúng ta đã dự kiến triển khai các sản phẩm ban đầu gồm HĐTL chỉ số cổ phiếu (VN30, HNX30) và HĐTL TPCP. Sở dĩ lựa chọn HĐTL chỉ số cổ phiếu là sản phẩm triển khai đầu tiên là vì sản phẩm này đáp ứng tốt hơn yêu cầu đa dạng hóa và hạn chế rủi ro của nhà đầu tư so với HĐTL dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ.

Trong đó, HĐTL chỉ số VN30 được triển khai trước bởi VN30 là một chỉ số đầu tư quan trọng đại diện cho 30 trong số các cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn hóa và thanh khoản lớn nhất trên sàn HOSE, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, đã được điều chỉnh theo tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và giới hạn tỷ trọng của mỗi cổ phiếu trong rổ (tối đa 10%). Đây cũng là sản phẩm phái sinh tương đối đơn giản, được thanh toán bằng tiền, không có chuyển giao vật chất.

Đối với HĐTL TPCP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cần thêm một khoảng thời gian từ 06 tháng đến 01 năm vận hành TTCKPS trước khi chính thức triển khai sản phẩm này. Về thời gian, cho đến nay TTCKPS đã đi vào hoạt động được khoảng 9 tháng, và đến tháng 8/2018 sẽ tròn 01 năm. Có thể thấy, cỗ máy TTCKPS đã và đang được vận hành an toàn, ổn định với sản phẩm đầu tiên là HĐTL chỉ số VN30. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đưa HĐTL TPCP vào giao dịch trên TTCKPS theo đúng kế hoạch.

Về mặt sản phẩm, HĐTL TPCP là sản phẩm tương đối phức tạp nếu so với HĐTL chỉ số. Có hai lựa chọn về phương thức thanh toán của sản phẩm này là chuyển giao vật chất hoặc thanh toán bằng tiền. Mỗi phương thức đều có các ưu điểm, nhược điểm riêng: Thanh toán bằng tiền có thể đơn giản hơn, tốn ít chi phí hơn; trong khi chuyển giao vật chất lại an toàn hơn do khả năng bị thao túng thấp hơn, đồng thời có thể hỗ trợ thị trường TPCP cơ sở phát triển.

Tài sản cơ sở của HĐTL TPCP 5 năm là TPCP giả định kỳ hạn 5 năm. Khi thanh toán chuyển giao vật chất, chúng ta sẽ phải lựa chọn rổ TPCP có thể chuyển giao (trên thực tế gần như không thể chọn được một TPCP kỳ hạn còn lại đúng 5 năm - không sai một ngày như tài sản cơ sở). Nói cách khác, phải lựa chọn một số TPCP thỏa mãn các điều kiện về quy mô, lãi suất... và có dải kỳ hạn còn lại rộng hơn, có thể là 3,5 - 6,5 năm hoặc 3 - 7 năm để chuyển giao.

Cũng chính vì sự phức tạp của sản phẩm HĐTL TPCP nên cơ quan quản lý muốn các nhà đầu tư (nhất là khối ngân hàng thương mại - NHTM - là các nhà đầu tư nắm giữ danh mục TPCP cơ sở lớn nhất trên thị trường) có đủ thời gian để chuẩn bị kiến thức, hoàn thành các thủ tục liên quan để tham gia TTCKPS.

Hiện tại, các NHTM đang có nhu cầu lớn trong quản trị danh mục trái phiếu mà họ đầu tư và HĐTL TPCP là một trong những công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Xin ông cho biết rõ hơn về sự sẵn sàng tham gia của các ngân hàng đối với sản phẩm HĐTL TPCP? Hiện tại có sự vướng mắc gì về thủ tục pháp lý để các NHTM tham gia TTCKPS không thưa ông?

Tính đến hết năm 2017, các NHTM có tỷ lệ trúng thầu TPCP lớn nhất trên thị trường sơ cấp với tỷ lệ khoảng hơn 80% và có tỷ trọng giao dịch lớn nhất trên thị trường thứ cấp (trong khi đó, các công ty bảo hiểm có tỷ lệ trúng thầu chiếm khoảng 13% giá trị thị trường; các công ty chứng khoán chiếm tỷ trọng 10% trên thị trường trái phiếu cơ sở thứ cấp; còn lại là một số đối tượng khác là các quỹ đầu tư, các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân) nên các NHTM sẽ là đối tượng tham gia chính trên thị trường HĐTL TPCP.

Với việc nắm giữ danh mục TPCP lớn nhất trên thị trường hiện tại, các NHTM có nhu cầu khá lớn trong quản trị rủi ro cho danh mục TPCP mà họ đầu tư và HĐTL TPCP là một trong những công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Do đó, nhu cầu tham gia giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP của các NHTM được đánh giá là khá lớn.

Theo Nghị định 42, Thông tư số 11/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 23/2017/TT-BTC) của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 42, các NHTM được tham gia hoạt động trên TTCKPS với tư cách là nhà đầu tư giao dịch CKPS và được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS cho chính mình và khách hàng.

Tuy nhiên, khi TTCKPS mới đi vào hoạt động, việc tham gia TTCKPS của NHTM đã gặp khó khăn do theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, NHTM phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép trước khi tham gia TTCKPS.

Tuy nhiên, việc Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20/11/2017 (Thông tư 17) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, đã cho phép NHTM được tham gia đầu tư HĐTL TPCP khi hội tụ đủ điều kiện và có đơn đề nghị cấp bổ sung hoạt động đầu tư HĐTL TPCP.

Hiện nay, khi Thông tư 17 đã có hiệu lực, qua trao đổi được biết một số NHTM đã được NHNN chấp thuận cho giao dịch trên TTCKPS, trong khi một số NHTM khác đang hoàn thiện thủ tục để được NHNN chấp thuận giao dịch trên TTCKPS.

Đây là một trong những vấn đề mà Bộ Tài chính và NHNN đang quan tâm, đồng thời cũng là một nội dung mà hai bên sẽ làm việc với nhau để tìm cách tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất cho các NHTM tham gia TTCKPS, đặc biệt là đối với sản phẩm HĐTL TPCP.

Trong thời gian tới, khi HĐTL TPCP được đưa vào giao dịch trên TTCKPS sẽ mang lại những kỳ vọng gì cho sự phát triển của thị trường TPCP nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung, thưa ông?

Thị trường TPCP tại Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm vừa qua và chiếm khoảng 22% GDP năm 2017, do đó nhu cầu phòng vệ rủi ro cho các giao dịch TPCP là rất lớn. TPCP là một loại chứng khoán an toàn, có độ rủi ro thấp hơn so với các loại chứng khoán khác nhưng có quy mô giao dịch rất lớn và cần tính chuyên nghiệp cao.

HĐTL TPCP còn được gọi là HĐTL lãi suất dài hạn, do đó sản phẩm này không chỉ thu hút các NHTM nắm giữ nhiều TPCP mà còn rất quan trọng đối với các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư trái phiếu và các doanh nghiệp cần công cụ phòng vệ rủi ro lãi suất cho hoạt động kinh doanh của mình.

Triển khai thành công sản phẩm HĐTL TPCP không những giúp thị trường TPCP vận hành hiệu quả hơn mà còn là một nhân tố quan trọng để kích thích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Từ đó hướng đến một cơ cấu thị trường cân bằng giữa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCKPS.

Như đã nói ở trên, nhà đầu tư sản phẩm HĐTL TPCP chủ yếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp nên trước mắt chưa nên kỳ vọng nhiều vào sự sôi động của thị trường HĐTL TPCP.

Ở đây, vai trò quan trọng của HĐTL TPCP là công cụ phòng vệ rủi ro lãi suất - một trong những rủi ro quan trọng mà các NHTM, các nhà đầu tư phải đối mặt.

Triển khai thành công HĐTL TPCP sẽ thu hút các nhà đầu tư tổ chức, góp phần tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư nói riêng và tái cấu trúc TTCK nói chung, qua đó thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!