Triển khai Nghị quyết 11: Những tín hiệu khả quan bước đầu

Chinhphu

Mục tiêu giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đã được đề ra từ cuối năm 2010 và được thể hiện sự nhất quán, đồng bộ, quyết liệt trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Nghị quyết được triển khai nhanh và đã có tín hiệu khả quan bước đầu.

Kết quả khả quan bước đầu được thể hiện trên một số mặt quan trọng.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã sớm có Chỉ thị để thực hiện Nghị quyết 11 với 7 giải pháp quan trọng. Về tín dụng, một mặt yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (tổng số tiền cung ứng trước và sau Tết Nguyên đán trên 100.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu tăng cao vào Tết Nguyên đán đã thu về khoảng 100.000 tỷ đồng, số còn lại sẽ được thu hồi tiếp trong thời gian tới); mặt khác, chuyển đổi cơ cấu tín dụng, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về quản lý vàng, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ, theo dõi giá vàng quốc tế, cung cầu trong nước để điều hành hoạt động xuất nhập khẩu vàng một cách hợp lý, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động đầu cơ, găm giữ, thao túng thị trường. Quý II sẽ trình Chính phủ thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Trong khi giá vàng thế giới tăng cao (hiện đạt đỉnh điểm trên dưới 1.435 USD/ounce), nhưng giá vàng trong nước đã giảm từ trên 38,3 triệu đồng/lượng xuống còn 37,5 triệu đồng/lượng, giảm khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.

Trên thị trường vàng, người mua cũng như các cửa hàng vàng có sự chần chừ khi mua/ bán vàng miếng khi có thông tin ngừng việc mua/ bán vàng miếng trên thị trường tự do và tập trung vào một đầu mối để quản lý tập trung, thống nhất, hạn chế đầu cơ vàng miếng.

Về thị trường ngoại hối, yêu cầu các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trước ngày 4/3/2011, có các biện pháp kiểm tra, thanh tra việc mua bán ngoại tệ trên thị trường; chuyển dần việc nhận gửi và cho vay ngoại tệ sang việc mua bán ngoại tệ. Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do hiện đã ổn định trở lại (giảm từ 22.500 VND/USD xuống khoảng 21.700 VND/USD); chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức đã giảm xuống,…

Thứ hai là về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 8 đoàn kiểm tra rà soát vốn đầu tư đến 6 tỉnh, thành phố, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và sẽ báo cáo Thủ tướng vào quý II/2011 theo tinh thần của Nghị quyết.

Thứ ba về xuất nhập khẩu và nhập siêu bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Tháng 12/2010, nhập siêu còn ở mức 1.294 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu ở mức xấp xỉ 17,3% kim ngạch xuất khẩu; 2 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu đạt 12.341 triệu USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng thấp hơn (26,8%), nên nhập siêu còn 1.827 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu còn 14,8%, thấp xa so với tỷ lệ 27,0% của cùng kỳ năm trước.

Các con số trên do nhiều nguyên nhân  trong đó có sự tác động của tỷ giá VND/USD đối với việc khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Tuy nhiên, sự khả quan trên mới là tín hiệu và bước đầu. Trước mắt vẫn còn những khó khăn, thách thức trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Lạm phát trên thế giới đã xuất hiện. Sản lượng lương thực, thực phẩm thế giới đứng trước sức ép giảm cung (do thiên tai liên tiếp diễn ra trên diện rộng ở nhiều nước, đặc biệt là những nước sản xuất khối lượng lớn), tăng cầu làm cho giá lương thực tăng cao.

Việt Nam tuy là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng lượng lúa mỳ nhập khẩu khá lớn (năm 2009 là 1.394 nghìn tấn, năm 2010 nhập 2.213 nghìn tấn; 2 tháng đầu năm 2011 là 262.000 tấn, với giá nhập khẩu tăng rất cao (năm 2010 giá tăng tới 64,5%; 2 tháng đầu năm 2011 tăng tới 40,9% so với cùng kỳ).

Giá nhập khẩu hầu hết các loại hàng hoá đều tăng với mức cao. Mặc dù Việt Nam xuất khẩu dầu thô, đã sản xuất được một phần xăng dầu cho nhu cầu trong nước nhưng lượng nhập khẩu xăng dầu vẫn còn rất lớn (năm 2010 vẫn còn ở mức 9,1 triệu tấn, 2 tháng đầu năm 2011 vẫn còn ở mức trên 2 triệu tấn). Trong khi đó giá dầu thế giới có thể không tăng đến mức như dự đoán của một số chuyên gia quốc tế (vượt đỉnh 140 USD/thùng, thậm chí lên tới 200 USD/thùng), nhưng xu hướng tăng lên là khá rõ bởi sức ép do tăng cầu (nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng trở lại khi kinh tế thế giới phục hồi), giảm cung (do sự bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông).

2 tháng đầu năm 2011 trên thị trường thế giới giá xăng dầu đã tăng 30,8%, giá khí đốt hoá lỏng tăng 20,5% so với cùng kỳ. Giá bông tăng 77,4%, giá sợi tăng 35,9%, giá sắt thép tăng 26,1%, giá phân bón tăng 24,3%, giá chất dẻo tăng 16,1%, giá giấy các loại tăng 6,7%,…

Nhiều nền kinh tế lớn đã chuyển từ giảm phát sang lạm phát nhẹ hoặc chuyển từ lạm phát thấp sang lạm phát cao, đặc biệt là những nước mà Việt Nam nhập khẩu, nhập siêu lớn lạm phát tăng lên.

Lạm phát trên thế giới cộng hưởng với các yếu tố trong nước sẽ làm cho việc kiềm chế lạm phát ở trong nước khác với năm 2008, nên phải có sự phấn đấu quyết liệt hơn nữa mới chặn đứng được lạm phát. Có thể còn phải áp dụng biện pháp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như năm 2008 đã làm. Việc kiềm chế nhập siêu trong điều kiện giá thế giới tăng cao cũng phải quyết liệt hơn nữa, đặc biệt đối với những mặt hàng thuộc nhóm cần kiểm soát và nhóm cần hạn chế nhập khẩu.

Với các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 nhất quán, đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, đạt được kết quả khả quan như trên, tin tưởng sẽ thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội như Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra.