Triển vọng dài hạn cho thị trường chứng khoán

Theo Thời báo Ngân hàng

Ông Winston Lu – Giám đốc Khối Nghiên cứu, Phân tích và tư vấn đầu tư công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đưa ra nhận định về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tầm nhìn trong năm 2013.

Triển vọng dài hạn cho thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
"TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Nhưng điểm yếu của thị trường này là tính đến thời điểm hiện tại vẫn có quy mô nhỏ và tỷ trọng/GDP thấp nên chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế." - Ông Winston Lu, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định.

Ông Winston Lu – Giám đốc Khối Nghiên cứu, Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đưa ra nhận định về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tầm nhìn trong năm 2013.

Những cơ sở nào sẽ là tiền đề “kích thích” TTCK khởi sắc trong thời gian tới, thưa ông?

Có thể nói giai đoạn “tồi tệ” nhất của nền kinh tế toàn cầu đã qua đi. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định đã hết khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn. Hiện tại, kinh tế toàn cầu đang giữ tốc độ tăng trưởng vừa phải. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn là động lực chính hỗ trợ nền kinh tế thế giới dần phục hồi.

Bên cạnh đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu cần một khoảng thời gian dài để khắc phục các hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ công, cũng như những ảnh hưởng từ chính sách thắt lưng buộc bụng.

Trong khi đó, lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua, Nhật có khả năng cao thoát khỏi cuộc suy thoái; các quốc gia dẫn đầu trong thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil sẽ tiếp tục cấu trúc lại nền kinh tế… Nhìn chung, những điều kiện dần đi vào ổn định về kinh tế thế giới đã đem đến cho Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thêm nhiều điểm sáng hơn trong năm 2013.

Tại thị trường Việt Nam, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế cũng đang có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại. Cụ thể, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhẹ, song kỳ vọng sẽ cải thiện tích cực hơn trong năm 2013. Một dấu hiệu tích cực nữa là lần đầu tiên cán cân thương mại thặng dư kể từ năm 2000, chủ yếu đến từ mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và sự sụt giảm trong hoạt động nhập khẩu.

Cùng với cán cân thương mại thặng dư, chính sách quản lý hiệu quả, đã giúp cho tỷ giá hối đoái duy trì ở mức ổn định. Điều này cũng khiến cho dự trữ ngoại hối năm 2013 gần với mức 2008 (tương đương với 3 tuần nhập khẩu).

Ngoài ra, chỉ số CPI cũng cho thấy lạm phát đã được kiểm soát. Căn cứ vào tình hình kinh tế hiện tại, CPI có thể sẽ tăng khoảng 7% trong năm 2013, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất giảm thêm. Đây là những dấu hiệu tích cực dự báo cho một TTCK sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

Những tín hiệu nêu trên cũng chưa thể đánh giá là tiền đề cho sự khởi sắc của chứng khoán khi nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là nợ xấu?

Không thể phủ nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn như do sức đề kháng yếu trước những tác động bên ngoài cũng như những yếu tố nội tại chưa được giải quyết như môi trường kinh doanh ảm đạm, nợ xấu gia tăng trong hệ thống ngân hàng và thủ tục hành chính kém hiệu quả. DNNN vẫn tiếp tục là khu vực sử dụng nhiều tài nguyên kinh tế và chậm tiến hành quá trình tái cấu trúc…

Trong khi đó, triển vọng TTCK có mối liên quan chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và tỷ lệ lạm phát của một quốc gia. Một quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp, thì TTCK của quốc gia đó sẽ có tỷ suất sinh lời kỳ vọng và P/E tương đối cao.

Xét yếu tố cơ sở dữ liệu, từ năm 1989 đến năm 2008, tăng trưởng kinh tế Việt Nam duy trì ở mức cao 7,5% nhưng chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng vốn. Sau giai đoạn này, đầu tư Chính phủ cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài dần yếu đi, chính vì vậy tăng trưởng kinh tế cũng đã bắt đầu đối mặt với việc suy giảm.

Dự đoán cũng như kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Việt Nam vào khoảng 5,5%. Điều này cho thấy, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thiếu bền vững, vì vậy Chính phủ cần có những quyết sách để tiến hành quá trình tái cấu trúc nhằm vực dậy động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Vậy, sự kỳ vọng vào TTCK sẽ là ở tương lai xa chứ không phải hiện tại?

TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Nhưng điểm yếu của thị trường này là tính đến thời điểm hiện tại vẫn có quy mô nhỏ và tỷ trọng/GDP thấp nên chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng 2000 - 2010, tốc độ phát triển của TTCK Việt Nam đã chững lại. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết nhằm tái cơ cấu thị trường cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn.

TTCK Việt Nam đã bước đi nhanh chóng trong quá khứ để đạt mức vốn hóa hơn 30 tỷ USD. Theo đó, tiếp tục kỳ vọng khoảng thời gian phát triển ngắn hơn cho mục tiêu vốn hóa hơn 120 tỷ USD, đạt mức ngang bằng với các nước trong khu vực. Dự kiến, thời gian tới TTCK Việt Nam sẽ đóng vai trò kênh dẫn vốn quan trọng, tiếp tục phát triển song hành, tương quan với nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!