Thực trạng dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam

Ngân hàng điện tử diễn ra ở tất cả các giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng dựa trên quá trình xử lý và chuyển giao dữ liệu số hóa nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Hiện nay, ở Việt Nam, một số dịch vụ ngân hàng điện tử được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai và phát triển như: Dịch vụ máy rút tiền tự động ATM, ngân hàng qua điện thoại (telephone banking), ngân hàng trên mạng máy tính toàn cầu (internet banking), ngân hàng tại nhà (home banking), ngân hàng qua mạng viễn thông không dây (mobile banking)…

Hầu hết các dịch vụ trên NHTM triển khai hiệu quả. Chẳng hạn, tại NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), các dịch vụ ngân hàng điện tử được áp dụng: Vietinbank ipay - thương hiệu internet Banking riêng dành cho khách hàng cá nhân, dịch vụ hỗ trợ các tính năng: Chuyển khoản, tiết kiệm trực tuyến, trả nợ khoản vay thông thường, nhận tiền kiều hối, mua bảo hiểm xe cơ giới…; SMS Banking – dịch vụ giúp khách hàng kiểm tra tài khoản, chuyển tiền, hỏi thông tin về lãi suất và tỷ giá hối đoái, thanh toán hóa đơn, nhận tiền kiều hối, nhận thông báo biến động số dư tài khoản ... Ngoài ra, còn phải kể đến Ví điện tử MoMo - một loại ví tiền trên điện thoại di động dùng để thay thế tiền mặt, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch như: Nạp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn như ADSL hoặc cước trả sau, mua hàng trực tuyến di động và nhiểu tiện ích khác mọi lúc, mọi nơi… Hay tại NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các dịch vụ ngân hàng điện tử được áp dụng bao gồm: BIDV Business Online - dịch vụ giúp doanh nghiệp quản lý tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua Internet mà không phải tới quầy giao dịch; BIDV Mobile - dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng (vấn tin, chuyển khoản, thanh toán...); BSMS - dịch vụ gửi nhận tin nhắn qua điện thoại di động thông qua số tổng đài tin nhắn của BIDV…

Có thể nói, những dịch vụ ngân hàng điện tử hầu hết đã được các NHTM áp dụng triển khai thực hiện nhưng lượng giao dịch còn thấp. Nguyên nhân là do thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp, sự phối hợp giữa các NHTM trong thực hiện dịch vụ mới còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, mỗi hệ thống ngân hàng có một chiến lược phát triển khác nhau, không có sự gắn kết với nhau gây ra sự lãng phí về vốn và thời gian. Khả năng tài chính của các NHTM hiện nay còn thấp, vốn điều lệ đã tăng nhưng chưa cao, nếu so sánh với các ngân hàng trên thế giới và trong khu vực chỉ ở mức khiêm tốn. Chưa kể, hiện nay thương mại điện tử của Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển, làm hạn chế sự phát triển của dịch vụ này.

Như vậy, những khó khăn trong việc triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử hiện nay chủ yếu là việc chứng thực khách hàng trong giao dịch điện tử và khía cạnh pháp lý trong dịch vụ ngân hàng điện tử. Đối với việc chứng thực khách hàng, bắt đầu từ việc xác minh khách hàng mới, ngân hàng cần sử dụng các phương pháp xác thực để kiểm tra xuất xứ tài khoản của khách hàng đăng ký trên mạng. Công tác xác minh khách hàng trong quá trình kiểm tra xuất xứ tài khoản là rất quan trọng nhằm giảm rủi ro, lộ danh tính hay thực hiện các giao dịch bất hợp pháp... Rủi ro có thể xảy ra khi một ngân hàng chấp nhận cho phép giao dịch với một khách hàng mới chỉ bằng việc xác minh trên mạng internet hay đơn thuần là qua kênh điện tử, do ngân hàng không đủ bằng chứng xác minh khách hàng như phương thức truyền thống giao dịch tại quầy.

Trong khi đó, đối với việc thực hiện giao dịch và chứng thực đối với khách hàng cũ, khi xác định được danh tính của khách hàng, ngân hàng cần phải chứng thực cho những khách hàng có nhu cầu truy cập vào ngân hàng điện tử, lúc đó ngân hàng có thể sử dụng các phương pháp để chứng thực như mật khẩu, mã số nhận dạng cá nhân, giấy chứng nhận điện tử… Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể sử dụng một hệ thống cơ sở khóa công cộng để chứng thực khách hàng, do chính ngân hàng đó cung cấp hoặc cung cấp dịch vụ chứng thực cho những khách hàng có nhu cầu giao dịch trên internet với các tổ chức khác hoặc để xác định những đối tác thương mại; hoặc nhân viên của chính khách hàng có ý định thâm nhập vào hệ thống giao dịch nội bộ.

Về khía cạnh pháp lý trong dịch vụ ngân hàng điện tử chủ yếu bắt đầu từ việc đăng ký, quy chế hoạt động của ngân hàng điện tử, tiếp theo là các vấn đề về thông tin cá nhân, quá trình giám sát hoạt động ngoài vùng lãnh thổ và chống rửa tiền.

Triển vọng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử

Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, các tiện ích mà ngân hàng điện tử đang mang lại rất lớn. Về phía ngân hàng, tuy chi phí đầu tư công nghệ ban đầu tương đối tốn kém, bù lại ngân hàng sẽ giảm thiểu được việc đầu tư nhân lực dàn trải; Không phải đầu tư địa điểm và các chi phí in ấn, lưu chuyển hồ sơ cho việc giao dịch truyền thống. Đối với khách hàng, họ sẽ nhận được sự cung ứng dịch vụ nhanh hơn rất nhiều so với trước đây. Theo đó, chỉ một vài thao tác trên internet, mobile hay qua hệ thống thẻ, khách hàng có thể thực hiện được giao dịch chuyển tiền. Thông thường giao dịch tại quầy cho một khách hàng chuyển tiền mất chừng 15 phút, chưa kể thời gian đi lại và chờ đợi nếu đông khách. Với ngân hàng điện tử, khách hàng đã tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm được thời gian và giảm bớt các thủ tục giấy tờ.

Xu hướng sử dụng các dịch vụ điện tử của ngân hàng qua mạng internet, điện thoại di động ngày càng phổ biến, “Miếng bánh” ngân hàng điện tử được các NHTM trong và ngoài nước rất quan tâm và đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển và nhu cầu của người dân ngày càng cao.

Khách hàng cũng không phải mang theo nhiều tiền mặt, giảm thiểu rủi ro mất mát, tiền giả, nhầm lẫn trong quá trình kiểm đếm. Ngoài ra, xu hướng này cũng mở ra nhiều triển vọng cải thiện tính hiệu quả của dịch vụ thanh toán cũng như nâng cao chất lượng của các dịch vụ ngân hàng, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của ngành ngân hàng trên trường quốc tế. Với những lợi ích đó, ngân hàng điện tử chính là xu hướng phát triển hiện nay của dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại tất cả các NHTM Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer (Mỹ), tính đến tháng 12/2013, Việt Nam có khoảng 5,3 triệu thuê bao internet, đạt tỷ lệ thâm nhập là 35,6% và 121,7 triệu thuê bao di động, trong đó 30% là smartphone. Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, các con số đáng chú ý này không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho nền công nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà còn là cơ hội lớn cho sự phát triển của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử - vốn đang là một trong những mảng kinh doanh mũi nhọn của các ngân hàng hiện nay.

Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, xu hướng sử dụng các dịch vụ điện tử của ngân hàng qua mạng internet hay điện thoại di động ngày càng phổ biến và không bỏ lỡ thời cơ, các NHTM cũng đang trong cuộc “chạy đua” quyết liệt nhằm chiếm lĩnh thị phần về phía mình. “Miếng bánh” ngân hàng điện tử được các NHTM trong và ngoài nước rất quan tâm và đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển và nhu cầu của người dân ngày càng cao.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, các NHTM cần không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng, xây dựng một kết cấu công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo hoạt động dịch vụ được thông suốt, cung cấp các dịch vụ điện tử đa dạng gần gũi và dễ sử dụng tới khách hàng để tạo được lòng tin từ họ. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nhân viên làm chủ được kỹ thuật hiện đại, có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống tốt, chuyên nghiệp nhằm mang đến chất lượng dịch vụ cao, đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.

Triển vọng thúc đẩy dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam

PHẠM ĐỨC TÀI - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công Nghiệp

(Tài chính) Dịch vụ ngân hàng điện tử ra đời là một xu thế tất yếu, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng tiền mặt, nên dịch vụ ngân hàng điện tử chưa phát triển mạnh, các hình thức dịch vụ còn tương đối đơn giản. Bài viết đề cập đến thực trạng cũng như triển vọng áp dụng của dịch vụ mới này tại Việt Nam.

Xem thêm

Video nổi bật