“Trú ẩn” trong chứng khoán phái sinh

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi thị trường chứng khoán cơ sở đang sụt giảm mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh lại liên tục tăng và đạt những kỷ lục mới.

Khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh lại liên tục tăng và đạt những kỷ lục mới. Nguồn: Internet
Khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh lại liên tục tăng và đạt những kỷ lục mới. Nguồn: Internet

Thị trường phái sinh bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2017 với sản phẩm duy nhất hiện tại là hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index, cùng sự tham gia của 8 công ty chứng khoán.

So với thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở, hàng hóa trên thị trường phái sinh không phụ thuộc vào tổ chức phát hành, mà phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với sự vận động của thị trường trong tương lai, cụ thể là chỉ số VN30-Index.

Chênh lệch tỷ lệ

Tính tới phiên giao dịch ngày 30/5, chỉ số Vn-Index của TTCK cơ sở đã giảm 263 điểm so với cùng đỉnh kỷ lục hơn 1.200 điểm hồi đầu tháng 4, tương đương mất gần 21,5%.

Tính từ đầu tháng 4 tới nay, những phiên giảm điểm lớn liên tiếp xảy ra, kéo theo hầu hết các cổ phiếu đều giảm giá, đặc biệt là nhóm dẫn dắt thị trường như: VIC, SAB, VNM, VCB…

Liên tiếp những cú "sốc" khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang, đứng ngoài thị trường, dẫn đến thanh khoản thị trường luôn duy trì tại mức thấp.

Đã gần hết tháng 5 nhưng thanh khoản của sàn HoSE đến nay mới đạt hơn 62.000 tỷ đồng, bằng 57% so với tháng 4 và chưa tới một nửa so với trước đó 3 tháng.

Bên cạnh đó, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới thị trường cơ sở.

Kể từ đầu năm đến nay, TTCK cơ sở đã trải qua hai đợt giảm mạnh vào tháng 2 và từ tháng 4 đến nay. Đáng chú ý, đây cũng chính là giai đoạn chứng khoán phái sinh "lên ngôi" với thanh khoản tăng đột biến.

Trong tháng 4, giá trị giao dịch của thị trường phái sinh đã tăng gấp ba lần từ mức bình quân hơn 2.000 tỷ đồng hồi đầu tháng lên mức hơn 6.000 tỷ đồng.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở tiếp tục tăng 9,63% so với tháng trước, đạt 27.486 tài khoản. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,31%).

Bán ròng trên thị trường cơ sở nhưng lại tham gia rất sôi động trên thị trường phái sinh, trong tháng 3 và tháng 4, khối lượng giao dịch đạt hơn 4.000 hợp đồng, cao hơn nhiều so với 2 tháng đầu năm.

Đặc biệt, trong tháng 4, lần đầu tiên đã xuất hiện giao dịch của tổ chức nước ngoài trên TTCK phái sinh với 189 hợp đồng được giao dịch.

Đến cuối tháng 5, thanh khoản thị trường này đã lên hơn 8.400 tỷ đồng, gấp hơn hai lần thị trường cơ sở, với khối lượng hợp đồng giao dịch tăng vọt._

Tính đến 30/5, tổng khối lượng giao dịch trong tháng đạt hơn 1,4 triệu hợp đồng với giá trị hơn 143.609 tỷ đồng, tăng lần lượt 154% và 132% so với tháng trước, cao nhất từ khi hoạt động.

Khi TTCK cơ sở rơi vào xu hướng giảm, chứng khoán phái sinh dường như đã thành một kênh đầu tư hấp dẫn, nhờ phát huy lợi thế giao dịch hai chiều cả mua và bán, mức đòn bẩy 1:10 (tỷ lệ ký quỹ chỉ là 10% giá trị hợp đồng), cơ hội kiếm lời trên thị trường phái sinh cao hơn rất nhiều so với cổ phiếu ở thời điểm này.

Chỉ là kênh đầu tư ngắn hạn

Thị trường phái sinh không bị ảnh hưởng bởi chỉ số, ngay cả khi chỉ số giảm, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời nếu dự báo đúng xu hướng, với mức lợi nhuận rất lớn.

Theo một nhà đầu tư, việc tài khoản lời 15-20%/phiên ở thị trường phái sinh là chuyện rất bình thường, thậm chí tỷ suất sinh lời có thể lên đến 30-40%.

Đặc biệt, nhà đầu tư hoàn toàn có thể "sửa sai" khi chẳng may bị "mua hớ" bằng cách bán ngay, mà không cần chờ T+3 như TTCK cơ sở.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của các nhà đầu tư, sức hấp dẫn của thị trường phái sinh giai đoạn này không phải là ở vai trò phòng vệ rủi ro, mà chỉ là kênh đầu tư ngắn hạn thay thế thị trường cơ sở đang trong giai đoạn "khủng hoảng".

Quan sát kỹ hơn có thể thấy, mặc dù khối lượng hợp đồng tương lai tăng nhưng số lượng hợp đồng ở vị thế mở lại không có nhiều biến động, chỉ quanh mức 10.000 hợp đồng mỗi phiên.

Thanh khoản cũng chủ yếu tập trung tại các hợp đồng đáo hạn trong thời gian ngắn, trong 5 phiên gần đây, trên 97% khối lượng hợp đồng giao dịch chủ yếu là VN30F1806.

Chỉ tính riêng phiên giao dịch ngày 30/5, tổng khối lượng giao dịch các hợp đồng tương lai đạt 114.240 hợp đồng, nhưng hợp đồng tương lai VN30F1806 đã có tới 113.359 hợp đồng, số lượng hợp đồng mở chỉ đạt 9.969 hợp đồng (không thay đổi so với phiên trước đó).

Với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn thị trường cơ sở, diễn biến các hợp đồng tương lai luôn biến động mạnh trong phiên, kênh đầu tư này được đánh giá còn "khốc liệt"gấp nhiều lần thị trường cơ sở.

Mặt khác, khả năng giao dịch mua bán ngay trong phiên cũng thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư hướng đến trạng thái an toàn, chốt lợi nhuận trong ngắn hạn và ít kỳ vọng trong dài hạn.

Do đó, thị trường này có thể chỉ là nơi "trú ẩn" tạm thời của nhà đầu tư, trong giai đoạn đầy bất trắc của thị trường cơ sở.