Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ: Cần gắn chặt liên kết vùng với tái cơ cấu nền kinh tế...

PV.

(Tài chính) Ngày 14/9 tại TP Hồ Chí Minh, 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã họp giao ban thường niên với hai nội dung chính là liên kết vùng và kiện toàn bộ máy, hoạt động của các Ban.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng chủ trì hội nghị giao ban.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Đánh giá về thực trạng liên kết vùng, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, ý kiến của nhiều chuyên gia, bộ ngành và địa phương cho rằng thực trạng liên kết vùng hiện nay ở nước ta còn manh mún; một số tỉnh còn có tính chất co cụm, cạnh tranh nhau và thiếu vai trò "nhạc trưởng" chỉ đạo, điều phối liên kết nên chưa phát huy được hiệu quả.

Các đại biểu đều đồng tình chủ trương liên kết vùng và thống nhất mục đích liên kết để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt trong yêu cầu phát triển và hội nhập hiện nay thì yêu cầu liên kết vùng càng trở nên cấp thiết. Vấn đề này không chỉ đặt ra đối với các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ mà còn được nhiều vùng, địa phương khác quan tâm. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều đại biểu  cho rằng: việc liên kết vùng cần phải bảo đảm được quy hoạch tổng thể phát triển của cả nước, của vùng trên các lĩnh vực; có cơ quan đóng vai trò chỉ đạo, điều phối sao cho việc liên kết hiệu quả, phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, gắn với an ninh quốc phòng...

Phát biểu về vấn đề liên kết vùng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc hình thành và phát triển các vùng kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm khai thác tối đa lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết và phối hợp, qua đó tạo sự lan toả cao trong các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng, huy động vốn, hình thành chuỗi liên kết.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nêu lên thực trạng tại các vùng hiện chưa khai thác hết nguồn lực sẵn có, cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, thiếu phân công hợp tác, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển chậm, thiếu các chính sách riêng cho sự phát triển bền vững của từng vùng, còn bất cập trong phân bổ ngân sách đầu tư…

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng các địa phương phải xác định cơ sở liên kết vùng là gì, có phù hợp với sự phát triển của từng thời kỳ, từng địa phương trong vùng hay không, từ đó đề ra cơ chế, chính sách khuyến khích lợi ích kinh tế của từng địa phương trong sự liên kết phát triển vùng. Mặt khác, cần thúc đẩy thực hiện các phương thức liên kết vi mô theo hướng liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) để giải quyết những vấn đề lớn về sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa… Về nguồn lực trong liên kết, các địa phương trong vùng cần khai thác tốt nguồn vốn từ chính sách đầu tư của Trung ương về y tế, giáo dục, giao thông…

“Liên kết vùng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cơ cấu lại nhu cầu sử dụng nguồn lực và mô hình phát triển; tái cấu trúc các ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đảm bảo yêu cầu chuyển dịch kinh tế giữa các địa phương, nhằm phân công hợp tác, khai thác nguồn lực đầu tư trên tất cả các lĩnh vực” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh.