Tương lai quỹ mở

Theo Đầu tư Chứng khoán

Như lời Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng nói tại Lễ ra mắt Quỹ mở trái phiếu đầu tiên (MBBF), thì thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từng chứng kiến các DN niêm yết quy mô ban đầu chỉ một vài chục tỷ đồng, đã vươn lên đạt quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng. Từ đây, chúng ta có quyền hy vọng, trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ có các quỹ mở hàng nghìn tỷ đồng, mà điểm bắt đầu là ngày 26/3/2013, MBBF ra mắt ở quy mô 54 tỷ đồng.

Tương lai quỹ mở
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đúng như Chủ tịch UBCKNN nói, không ít doanh nghiệp (DN) niêm yết đã có sự trưởng thành mạnh mẽ kể từ khi tham gia TTCK. SSI khởi nghiệp với vốn 6 tỷ đồng năm 2000, nay đã trở thành một định chế tài chính lớn, vốn điều lệ trên 3.500 tỷ đồng, đóng thuế hàng năm hàng trăm tỷ đồng. REE là một trong hai DN đầu tiên niêm yết với vốn điều lệ năm 2000 là 150 tỷ đồng, đến nay, REE có vốn điều lệ gần 2.500 tỷ đồng, vốn hóa thị trường gần 4.800 tỷ đồng. FPT lên sàn năm 2006 với vốn điều lệ 600 tỷ đồng, sau 7 năm, đã tăng vốn điều lệ lên 2.730 tỷ đồng, vốn hóa lên tới trên 10.000 tỷ đồng.…

Còn rất nhiều DN khác kinh doanh lành mạnh, huy động được vốn qua TTCK để trở thành những DN đầu ngành, như Công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Kinh Đô, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, CTCP Dược Hậu Giang, CTCP Đạm Phú Mỹ, CTCP Tập đoàn Hòa Phát… Khối DN này đã và đang là nòng cốt trên TTCK Việt Nam.

Vào thời điểm xuất phát của các DN trên, khó ai có thể tin rằng, các DN sẽ lớn lên mạnh mẽ như vậy bằng sự nỗ lực tự thân và từ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của việc huy động vốn qua TTCK, đặc biệt trong giai đoạn 2007 - 2009. Cũng như ở thời điểm này, khó ai có thể tin rằng, trong một thời gian nữa, quỹ mở “made in Vietnam” sẽ có quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Tại sao lại như vậy?

Vì quỹ mở còn quá mới ở thị trường Việt Nam, nhà đầu tư hầu như chưa biết, chưa quan tâm, trong khi hiệu quả từ việc đầu tư vào quỹ mở cần phải theo thời gian mới hiện diện. Với công ty quản lý quỹ, ở quy mô quỹ nhỏ (vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng), nguồn phí thu được rất nhỏ, chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm, kèm theo đó là nghĩa vụ tuân thủ các điều khoản rất chặt chẽ theo quy định pháp lý.

Có lẽ vì là sản phẩm mới, cả phía cung (công ty quản lý quỹ) và phía cầu (nhà đầu tư) đều chưa thấy lợi ích cụ thể, nên trong phát biểu của mình, Chủ tịch UBCKNN đã không ít lần nói lời cảm ơn những nhà đầu tư đầu tiên góp vốn vào quỹ mở; công ty quản lý quỹ đầu tiên lập quỹ mở, ngân hàng giám sát đầu tiên cung cấp dịch vụ giám sát cho quỹ mở, cùng các đối tác khác đã góp sức cho các quỹ mở đầu tiên ra đời tại Việt Nam.

10 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhiều quỹ mở quy mô nhiều nghìn tỷ đồng, thu hút hàng triệu nhà đầu tư? Đó là sự kỳ vọng. Còn trước mắt, quỹ mở cần rất nhiều sự hợp sức để khẳng định tính ưu việt của nó.