Tỷ giá 2014, góc nhìn nào phù hợp?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) “Chúng ta cần nhìn nhận những tác động của việc phá giá tiền đồng trên bình diện toàn nền kinh tế. Có thể nói, lợi ích của việc phá giá mạnh VND ở thời điểm này thấp hơn rất nhiều so với hậu quả mà quyết định này đưa lại”.

 Tỷ giá 2014, góc nhìn nào phù hợp?  - Ảnh 1
Ông Ngô Đăng Khoa
Đó là quan điểm của ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng kinh doanh trái phiếu và các sản phẩm hoán đổi lãi suất, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam khi trao đổi với phóng viên.

Phóng viên: Theo ông, tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm nay sẽ diễn biến ra sao?

Ông Ngô Đăng Khoa: Sau một thời gian ổn định khá dài từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh vào cuối tháng 6/2013, tỷ giá USD/VND đã có những dấu hiệu biến động từ giữa tuần trước khi nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và FDI tăng khá mạnh.

Tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng vào dịp cuối năm và quan điểm của một số chuyên gia được đưa ra gần đây kiến nghị tỷ giá cần được điều chỉnh để hỗ trợ xuất khẩu đã góp phần đẩy kỳ vọng tỷ giá tăng lên. Bên cạnh đó, thay vì duy trì trạng thái ngoại hối âm để được điểm kỳ hạn thì các ngân hàng thương mại đã mua vào ngoại tệ để giảm bớt trạng thái ngoại hối âm do điểm kỳ hạn không còn hấp dẫn như trước.

Chính các yếu tố này đã góp phần đẩy tỷ giá tăng cao và mạnh hơn trong khoảng 1 tuần gần đây.

Tỷ giá USD/VND đạt mức 21.170, sau đó giảm dần do nguồn cung trên thị trường vẫn khá tốt (xuất siêu khoảng 196 triệu USD trong nửa đầu tháng 11- số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan; FDI giải ngân từ đầu năm đến 20/11 hơn 10 tỷ USD).

Đặc biệt là sau khi NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ giờ cho đến hết năm, tỷ giá đã giảm lại về mức 21.110 - 21.115 đồng/USD ngày 9/12/2013. Với nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ FDI, FII, kiều hối và cán cân thương mại khá tích cực trong năm 2013, tôi cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định và nếu có tăng cũng khó vượt qua mức 21.250 trong tháng 12/2013.

Một số ý kiến cho rằng nên phá giá đồng Việt Nam. Ông có cùng chung quan điểm này?

Đây cũng là một ý kiến đáng xem xét. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận những tác động của việc phá giá tiền đồng trên bình diện toàn nền kinh tế để có cái nhìn đa chiều hơn. Có thể nói, lợi ích của việc phá giá mạnh VND ở thời điểm này sẽ thấp hơn rất nhiều so với hậu quả mà quyết định này đưa lại.

Điều chỉnh tỷ giá có thể giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn hàng hóa xuất khẩu có phần giá trị tăng thêm rất ít mà chủ yếu là nhập khẩu - gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu thô sơ.

Do đó, nếu đồng USD tăng giá so với nội tệ, chi phí nguyên liệu đầu vào của hàng hóa sẽ tăng lên, dẫn đến giá thành cũng tăng theo tương ứng.

Việt Nam vẫn là một nước nhập khẩu lớn, tỷ giá tăng sẽ khiến cho giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng theo, tạo áp lực lên lạm phát, niềm tin vào tiền VND, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Việc các doanh nghiệp xuất khẩu trông chờ vào phá giá VND để kiếm lợi nhuận sẽ làm các doanh nghiệp xuất khẩu quên đi cách thức tạo giá trị cạnh tranh bền vững, thông qua việc cải thiện năng suất lao động và nâng cao giá trị gia tăng.

Nếu kỳ vọng về phá giá VND còn ở mức cao, NHNN vẫn sẽ tiếp tục phải duy trì mức chênh lệch lãi suất cao giữa VND và USD để giữ ổn định tỷ giá và tăng tính hấp dẫn của VND. Do đó, khó có khả năng chi phí vay vốn VND sẽ được giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô là một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng để thu hút các dòng vốn đầu tư FDI và FII. Ngoài ra, tỷ giá tăng sẽ tạo gánh nặng lên những khoản nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ và các doanh nghiệp.

Điều chỉnh tỷ giá như thế nào, mức độ ra sao, ở thời điểm nào đều cần phải dung hòa được những yếu tố trên. Tôi cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ được giữ ổn định, nhưng không cố định trong năm 2014 và nhiều khả năng sẽ không vượt mức 21.500 vào cuối năm 2014, để vừa có thể hỗ trợ xuất khẩu, vừa có thể góp phần ổn định vĩ mô.

Vậy nhưng, có quan điểm cho rằng đồng nội tệ đang được định giá quá cao so với USD?

Nếu nhìn vào lạm phát của Việt Nam trong những năm gần đây và tỷ giá của VND so với đồng USD hay các ngoại tệ khác, chúng ta có thể nghĩ rằng, VND đang bị định giá cao hơn so với các đồng tiền khác.

Tuy nhiên, dưới góc độ vĩ mô, tỷ giá không chỉ chịu ảnh hưởng của lạm phát, mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác cùng với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Việc tỷ giá USD/VND ổn định trong thời gian qua đã có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, giúp củng cố niềm tin vào đồng nội tệ và các chính sách quản lý và điều hành thị trường ngoại hối của NHNN Việt Nam, đồng thời, làm tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia.

Theo tôi, việc giữ tỷ giá ổn định là chính sách hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Ông nhìn nhận ra sao về tác động của diễn biến kinh tế thế giới đối với tỷ giá ngoại tệ?

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có những bước chuyển biến khá tích cực, tại như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, có thể tác động lên giá cả hàng hóa thế giới, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, và tạo áp lực lên lạm phát.

Đặc biệt, với khả năng Mỹ sẽ dần giảm gói nới lỏng định lượng trong thời gian sắp tới (có khả năng trong tháng 12/2013), khả năng lãi suất USD sẽ tăng, tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, rất nhiều quốc gia trong khu vực đang theo đuổi chính sách tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu, do cầu nội địa yếu bằng việc duy trì tỷ giá đồng nội tệ ở mức thấp và điều này cũng tạo áp lực lên tính cạnh tranh của đồng Việt Nam trên thị trường thế giới.