Tỷ giá cuối năm khó “nổi sóng”

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Theo các chuyên gia, hiện dự trữ ngoại hối dồi dào cho phép Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để bán USD ra can thiệp mỗi khi thị trường “nổi sóng”. Điều này cho thấy thị trường ngoại hối không có áp lực trong các tháng cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là nguồn lực để NHNN ổn định tỷ giá trong quý IV, khi mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn.

Những năm qua, dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Lượng kiều hối tăng mạnh

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hiện dự trữ ngoại hối đang ở mức 40 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Đây là nguồn lực để NHNN ổn định tỷ giá trong quý IV, khi mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết, lượng kiều hối chuyển về trong quý IV là 2,4 – 2,5 tỷ USD, đưa tổng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh trong năm nay đạt 5,7 – 5,8 tỷ USD.

Hiện, các thị trường truyền thống như Mỹ, Australia, Canada vẫn là nguồn cung kiều hối lớn nhất của Việt Nam. Tiếp sau là các thị trường xuất khẩu lao động như Malaysia, Đài Loan và gần đây là Nhật Bản. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất vẫn đến từ Mỹ và châu Âu.

Theo nhận định từ các nhà phân tích tài chính – tiền tệ, sự gia tăng kiều hối vào Việt Nam thời gian qua có thể được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như: khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện, quản lý ngoại hối thông thoáng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng qua con đường định cư và xuất khẩu lao động. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngoại hối “chảy” về Việt Nam.

Thực tế, trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất quan tâm là mang tiền về đầu tư vào đâu.

Việc thị trường bất động sản ấm lên hiện được xem là lực hút lớn đối với kiều hối. Các chuyên gia tiền tệ cho rằng bất động sản ấm lên và lãi suất huy động đang tăng là “lực hút” kéo nguồn ngoại tệ về trong nước.

Theo dự báo của các chuyên gia, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2016 sẽ cao hơn so với mức 5,5 tỷ USD của năm ngoái. Tuy vậy, không chỉ đầu tư mạnh vào bất động sản, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Kiều đã chuyển hướng phát triển công nghệ cao, tạo các khu đô thị đẳng cấp quốc tế, các dự án nhà hàng, khách sạn cao cấp và việc này đang thu hút kiều hối.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dòng tiền này tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 0,14 tỷ USD năm 1993 trên toàn quốc lên 11 tỷ USD năm 2013 và 13,2 tỷ USD vào năm 2015. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối.

Nhiều ý kiến lo ngại là nhu cầu ngoại hối cuối năm tăng cao sẽ khiến tỷ giá có nhiều biến động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện dự trữ ngoại hối dồi dào cho phép NHNN có điều kiện để bán USD ra can thiệp mỗi khi thị trường “nổi sóng”.

Không biến động quá 1%

Nhận định về thị trường ngoại hối, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết tỷ giá cuối năm sẽ duy trì khá ổn định và ít biến động. Trong khi đó, công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn duy trì được trạng thái dồi dào, trong ngắn hạn, tỷ giá sẽ tiếp tục dao động quanh mức 22.300 VND/USD.

Trước đó, số liệu tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý III cho thấy, kể từ giữa tháng 8, tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng, tính đến 26/10, được niêm yết ở mức 22.030 VND/USD, tăng khoảng 0,6% so với đầu năm.

Song, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì và giữ vững sự ổn định vào khoảng 22.330 – 22.350 VND/USD.

Sở dĩ như vậy, theo VCBS, là do nguồn cung ngoại tệ dư thừa và dồi dào tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Theo lý giải của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện nay, một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính như: Nhân dân tệ (CNY) và Bảng Anh (GBP) giảm giá so với USD; Động thái tăng nhẹ do nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm.

Nhưng VCBS cho rằng mức biến động nếu có cũng sẽ không lớn do nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới tiếp tục duy trì các biện pháp nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền.

Có ý kiến cho rằng có khả năng FED sẽ tăng lãi suất cuối năm, nhưng định hướng chung vẫn sẽ rất thận trọng và từ từ và cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào và vượt trội so với cầu ngoại tệ. “Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ không biến động quá 1% cho cả năm 2016”, VCBS nhận định.

Tính đến 30/9/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm % so với tháng trước. Do đó, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định rằng “thị trường ngoại hối không có áp lực trong các tháng cuối năm”.