Tỷ giá đã phản ánh vào giá cổ phiếu

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Taichinh) - “Tỷ giá điều chỉnh 1% là không đáng kể, khi thị trường chứng khoán dao động 7% mỗi phiên. Hơn nữa chứng khoán đang quá rẻ, nhiều cổ phiếu đã mất giá 50% so với trước”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Không có gì quá ngạc nhiên khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 1% mà khối ngoại vẫn mua ròng trên TTCK trong tuần qua. Lý do là việc giảm giá của VND so với USD, hay nói cách khác sự tăng giá của đồng USD với các đồng tiền khác đã được dự báo trước và phản ánh vào giá chứng khoán tại thị trường Việt Nam.

Bán ròng từ trước

3.124 tỷ đồng là giá trị khối ngoại đã bán ròng trong 2 quý cuối năm 2014. Đây cũng là thời điểm giá cổ phiếu đã tăng cao và trong xu hướng đồng USD bắt đầu tăng giá, việc phải điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD đã được dự báo trước. Chính vì thế, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng. Sang quý I/2015, khối ngoại chuyển sang mua ròng, nhưng giá trị mua ròng chỉ bằng 1/10 của cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng tháng 3, việc nhà đầu tư rút vốn khỏi các quỹ ETF khiến lượng bán ròng lên đến gần 1.000 tỷ đồng trong tháng.

Việc điều chỉnh tỷ giá coi như đã được phản ánh vào giá chứng khoán sau động thái bán ròng của khối ngoại.

Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Saigon Asset Management chia sẻ, gần như năm nào, tỷ giá USD/VND cũng được điều chỉnh 1% hoặc 2%, nên khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đã phải lường trước rủi ro tỷ giá. Mức điều chỉnh khoảng 2-3% một năm là không đáng lo ngại, nếu vượt quá con số này mới là vấn đề.

“Lợi nhuận từ các khoản đầu tư phải đảm bảo vượt chi phí vốn phát sinh do chênh lệch tỷ giá”, ông Louis nói và cho rằng, năm nay, tỷ giá điều chỉnh hơi sớm, thời gian còn lại của năm còn dài nên sẽ còn phải theo dõi về tỷ giá.

Cổ phiếu đã rẻ

Hầu hết các chuyên viên phân tích chứng khoán đều cho rằng, không có gì ngạc nhiên khi khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tháng 4. Mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm về mức được định giá là rẻ khi PE/trung bình thị trường chỉ ở mức 11-12 lần. Nhiều cổ phiếu có P/E dự báo của 2015 chỉ khoảng 7-8 lần.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC bình luận: “Tỷ giá điều chỉnh 1% là không đáng kể, khi TTCK dao động 7% mỗi phiên. Hơn nữa chứng khoán đang quá rẻ, nhiều cổ phiếu đã mất giá 50% so với trước”.

Lập luận của ông Tuấn càng có lý xét trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài trong một vài năm trở lại đây đã làm rất tốt việc lướt sóng, mua thấp bán cao.

Bên lề ĐHCĐ CTCK SSI vào cuối tháng 4, trao đổi với phóng viên ĐTCK, ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc SSI khẳng định, mặt bằng cổ phiếu đang ở mức giá có thể đầu tư.

“Tỷ trọng cổ phiếu trên thị trường bị ảnh hưởng bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước khá nhiều, tuy nhiên, cho đến nay không xảy ra vấn đề gì lớn, không có CTCK nào mất thanh khoản. Điều đó có nghĩa thông tin xấu đã được phản ánh hết vào thị trường”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.

SSI đưa ra kịch bản dự báo thanh khoản trung bình của cả 2 sàn trong quý I/2015 là 3.000 tỷ đồng/phiên, nhưng thanh khoản trung bình trong quý chỉ bằng 60-70% mức dự báo của SSI.

“Tôi nghĩ từ giờ đến cuối năm, thanh khoản sẽ được cải thiện. Sản phẩm tài chính được bán ra trên thị trường nói tốt hay xấu chủ yếu dựa trên phân tích cơ bản. Nó có đạt được hay không phụ thuộc vào lòng tin. Khi chúng tôi đưa ra các dự báo thì xem xét trên niềm tin của nhà đầu tư từ đầu năm đến cuối năm, đặc biệt là của nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, trái phiếu của Việt Nam trên thị trường thế giới tăng lên, chứng tỏ sự quan tâm hơn của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hưng nhận định.

Đầu tư ăn cổ tức

Không ít nhà đầu tư có thể nhìn nhận giá cổ phiếu trên thị trường đã ở mức rẻ, nhưng tâm lý e ngại rủi ro vẫn còn lớn. Nếu hỏi những nhà đầu tư sừng sỏ ở thời điểm này thì lời khuyên khá giống nhau là hãy lựa chọn những cổ phiếu có lợi tức cao (cổ tức/thị giá). Thị giá giảm mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu có lợi tức hấp dẫn, từ 8% trở lên, cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng và cũng đủ đề bù đắp chênh lệch tỷ giá. Dòng vốn ngoại cũng đang đổ vào những cổ phiếu này.

DPM xoay quanh mức 30.000 đồng/CP do tỷ lệ cổ tức năm 2014 là 30% và dự kiến 2015 ở mức 25%. Nếu nắm giữ cổ phiếu DPM trung hạn, lợi tức khoảng 10% mỗi năm.

Quan sát thấy vốn ngoại cũng mua hơn 300.000 cổ phiếu PET trong 2 phiên cuối tuần, mặc dù trước đó khối ngoại rất ít giao dịch mã này. Lý do là PET có giá 19.000 đồng/CP, nhưng chi trả cổ tức 2014 là 19% bằng cổ phiếu và cổ tức 2015 dự kiến tối thiếu là 15%.

Mức lợi tức của SSI năm 2014 ở mức 5% khi công ty này chuẩn bị chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Thị giá hiện tại của SSI dao động quanh mức 20.000 đồng/cổ phần.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp như HPG, HSG, VCB có mức cổ tức cao và đều đặn hàng năm ít bị ảnh hưởng ở mặt bằng giá hiện tại nhờ lực mua đều đặn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư ngoại lại tiếp tục thực hiện chiến thuật mua thấp bán cao.