Tỷ giá rục rịch tăng, sức ép lên VND có lớn?

Theo Trần Thúy/bizlive.vn

Các chuyên gia cho rằng, việc tỷ giá tăng trong quý vừa qua là do bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tỷ giá tăng nhẹ trong quý đầu năm 
Diễn biến tỷ giá USD/VND trong quý I có xu hướng tăng nhẹ ở cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Cụ thể, so với thời điểm cuối năm 2017, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào thời điểm cuối tháng 3 tăng 33 đồng, tương đương khoảng 0,15%.
Trong khi đó, tỷ giá giao dịch tại các NHTM có mức tăng mạnh hơn (96 đồng, tương đương 0,42%). Diễn biến tăng của tỷ giá chủ yếu diễn ra trong tháng 3.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có chiều hướng tăng nhẹ trong quý vừa qua.
Thứ nhất, đồng USD có xu hướng hồi phục nhẹ vào thời điểm cuối tháng 2. Chỉ số USD Index tăng từ mức 88,59 điểm vào ngày 15/02 lên mức 90,61 điểm vào ngày 28/02 (tương đương mức tăng 2,2%).
Diễn biến này khiến VND có xu hướng mất giá nhẹ so với USD vào thời điểm đầu tháng 3.
Ở một khía cạnh khác, trong quý I, mặc dù dòng vốn nước ngoài liên tục chảy vào Việt Nam khiến nguồn cung USD tăng lên, nhưng NHNN đã nhanh chóng mua vào ngoại tệ. Động thái này nhắm đến hai mục tiêu, một là cải thiện dự trữ ngoại hối, hai là giữ cho VND không lên giá quá mạnh so với USD khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp bất lợi.
Thứ hai, xét các yếu tố chủ quan, cán cân thanh toán của Việt Nam trong quý I vẫn khá tích cực nhờ sự thặng dư của cán cân thương mại (xuất siêu 1,3 tỷ USD) và các dòng vốn FDI (vốn giải ngân đạt 3,88 tỷ USD), kiều hối vẫn chảy vảo thị trường Việt Nam.
Diễn biến này đã giúp cho nguồn cung USD khá dồi dào trên thị trường. Tuy nhiên, việc nhanh chóng mua vào ngoại tệ của NHNN đã khiến nguồn cung ngoại tệ còn lại thực tế trên thị trường không phải quá nhiều.
Ngoài ra, lạm phát có xu hướng tăng vượt kỳ vọng ngay trong hai tháng đầu năm cũng là nguyên nhân đẩy tâm lý nắm giữ và đầu tư USD ngắn hạn tăng lên.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, việc tỷ giá tăng trong quý vừa qua là do bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
Trong đó, các yếu tố bên ngoài bao gồm các thông điệp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), là sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, các bất ổn trên chính trường quốc tế. Còn về yếu tố nội tại của nền kinh tế, chuyên gia này cho rằng việc tiếp tục áp dụng lãi suất tiền gửi USD bằng 0% cũng là một áp lực tăng tỷ giá.
“Việc không trả lãi suất cho tiền gửi USD thì đúng với chủ trương chống đô la hoá, nhưng mặt khác lại tạo áp lực lên tỷ giá do các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động USD”, chuyên gia cho hay.
Rủi ro chưa lớn
Theo giới chuyên gia, do đồng USD về tổng thể vẫn đang trong xu hướng giảm giá nên hiện chưa thấy quá nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong năm nay.
“Theo mô hình tính toán của chúng tôi, hai đường tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER) hiện đang ở vùng khá an toàn, hàm ý sức ép giảm giá VND không lớn trong năm nay”, BVSC cho hay.
So với đồng tiền của một số nước trong khu vực có sự cạnh tranh về hàng xuất khẩu với Việt Nam như Trung Quốc hay Thái Lan thì tiền VND đang ở vị thế thuận lợi hơn ở khía cạnh hỗ trợ xuất khẩu (cụ thể, VND giảm giá 3% so với CNY và 3,5% đối với THB trong quý I).
Trong các quý sắp tới, nếu đồng USD phản ứng tích cực hơn với lộ trình tăng lãi suất của FED thì VND được dự báo có thể sẽ tăng giá trở lại so với đồng tiền của các nước có cạnh tranh hàng xuất khẩu với Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ chưa đủ lớn để tạo nên sức ép buộc NHNN phải điều chỉnh mạnh tay tỷ giá.
Thêm vào đó, trong trường hợp sức ép lớn hơn dự kiến, NHNN cũng có thể sử dụng đến quỹ dự trữ ngoại hối (vốn đã được cải thiện nhiều trong thời gian gần đây) để bình ổn tỷ giá.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, nếu không có bất ngờ thì tỷ giá sẽ neo ổn định trong năm nay.
Trong khi đó, cũng thống nhất với ý kiến về tỷ giá ổn định, nhưng TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần lưu ý yếu tố đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Nếu thị trường này có biến động sẽ gây sức ép lớn cho thị trường ngoại hối, nên vẫn còn có những bất trắc nhất là khi dự trữ ngoại hối chưa phải quá dồi dào, quá an toàn. Tăng dự trữ ngoại hối vấn là yêu cầu đặt ra để tăng khả năng chống đỡ của Việt Nam.