Tỷ giá tăng - Cơ hội lớn, rủi ro không ít

st

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng nhẹ như hiện nay là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại khuyến cáo, nếu không theo dõi sát diễn biến của tỷ giá thì ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ dễ gặp rủi ro. Nhất là khi hiện nay, việc bảo hiểm rủi ro tỷ giá được rất ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.

 

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau thời điểm áp dụng biên độ tỷ giá mới ± 3%, các ngân hàng thương mại đã niêm yết tỷ giá mua - bán USD/VND dưới mức trần được phép, phổ biến quanh mức 16.940 - 16.980 đồng/USD.
 

Giá USD trên thị trường tự do cũng không có biến động mạnh, nguồn cung USD của các ngân hàng thương mại vẫn ổn định; hiện NHNN đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến để bảo đảm ổn định cung - cầu ngoại tệ trên thị trường.

Cơ quan này cũng cam kết mua với mức giá phù hợp khi doanh nghiệp có nhu cầu bán ngoại tệ với nguồn gốc hợp pháp; đồng thời đang tích cực hoàn thiện và sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh ngoại hối, đảm bảo hành lang pháp lý chặt chẽ, cụ thể hơn cho hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Mặc dù theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng nhẹ như hiện nay là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tuy nhiên một số ngân hàng thương mại đã khuyến cáo, tỷ giá tăng không chỉ mang lại cơ hội, nếu không theo dõi sát diễn biến của tỷ giá thì ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ gặp rủi ro. Nhất là khi hiện nay, việc bảo hiểm rủi ro tỷ giá được rất ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Jonathan Pincus, Giám đốc quốc gia chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, việc nâng biên độ tỷ giá là một động thái tốt, cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ đối với lĩnh vực xuất khẩu, trong bối cảnh hầu hết đồng tiền trong khu vực đều mất giá (mạnh hơn VND) so với đồng USD và từ đó, VND đã tăng giá so với các đồng tiền trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Jonathan Pincus cũng tỏ ra e ngại, nếu sự mất giá VND diễn ra quá nhanh, bởi đồng nội tệ đang ở thế đứng giữa đồng USD và Nhân dân tệ.
 

Cần phải đảm bảo rằng VND sẽ không mất giá nhiều so với Nhân dân tệ, bởi nếu không, khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thì cũng nhập khẩu luôn cả lạm phát của nước này.
 

Mặt khác, Việt Nam cũng lại xuất khẩu nhiều vào Mỹ, vì vậy cần xem xét để VND không quá cao giá so với USD nhằm khuyến khích xuất khẩu vào thị trường lớn này.
 

Bài toán đặt ra là phải làm sao để cân bằng giữa hai đồng tiền, không muốn có tỷ lệ lạm phát cao, không làm cho đồng VND mất giá nhiều so với đồng nhân dân tệ và vẫn phải làm cho VND có sức cạnh tranh với USD.

Cán bộ khối nguồn vốn của một ngân hàng thương mại cho biết, khi tỷ giá USD/VND tăng lên, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi.
 

Tuy nhiên, trong trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu đi vay bằng VND và đổi ra USD để nhập nguyên liệu và khi hàng đã xuất khẩu thu USD trả nợ, nhưng giả sử 3 tháng sau tỷ giá USD/VND giảm xuống thì các doanh nghiệp xuất khẩu bán USD lấy VND trả nợ sẽ bị thiệt hại lớn.

Bình luận về khả năng NHNN tiếp tục nới biên độ tỷ giá lên ± 5%, ông Jonathan Pincus cho rằng, việc này còn phụ thuộc vào việc tính toán tỷ giá thực hiện tại là bao nhiêu và các đồng tiền khác như Nhân dân tệ mất giá hay lên giá so với đồng USD...

Theo ông Jonathan Pincus, về dài hạn, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nên theo đuổi tỷ giá thực hơn là theo đuổi chính sách tỷ giá danh nghĩa, bởi việc này sẽ giúp tiếp tục giữ sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời giúp cho người dân hiểu được thực tế diễn biến tỷ giá.

 

 

Theo Gia Linh
ĐTCK