Tỷ giá và lãi suất vẫn trong tầm kiểm soát

Theo thoibaonganhang.vn

Diễn biến về tỷ giá và lãi suất tuần qua đã dấy lên lo ngại về các “chỉ số” này. Song, nếu nhìn nhận một cách bình tĩnh, trên những con số thực tế, chứ không phải nghe tin đồn thì không có gì đáng ngại.

Diễn biến tỷ giá tuần qua có nhiều phiên tăng do một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sớm đi vào sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Diễn biến tỷ giá tuần qua có nhiều phiên tăng do một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sớm đi vào sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đầu tuần trước, hôm 20/2, ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 1 USD bằng 22.231 đồng, tăng 2 đồng so với cuối tuần trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 22.808 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.564 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.770– 22.840 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 20 đồng cả hai chiều so với cuối tuần trước.

Đến ngày 23/2 tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 22.231 đồng/USD, giảm 4 đồng so với phiên liền trước. Nhưng một số NHTM vẫn nâng giá mua bán đồng USD thêm 5 đồng. Giá mua và bán USD tại một số NHTM phổ biến ở mức 22.795 đồng/USD và 22.865 đồng/USD (mua vào – bán ra). Hiện tượng “lạ” này khiến không ít người lúng túng khi phải quyết định nên mua hay bán USD.

Tiếp đến ngày 24/2 - phiên giao dịch cuối tuần, NHNN niêm yết tỷ giá trung ở mức 22.228 đồng/USD, giảm tiếp 3 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/- 3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 22.895 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.561 đồng/USD. Lúc này tỷ giá niêm yết của các NHTM giảm, về mức 22.770 đồng/USD - 22.840 đồng/USD. Như vậy tuần qua, sau nhiều phiên tăng, giảm liên tục, tỷ giá niêm yết của các NHTM lại trở về mức giao dịch đầu tuần.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, diễn biến tỷ giá tuần qua có nhiều phiên tăng do một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sớm đi vào sản xuất kinh doanh và không còn tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” khiến nhu cầu về USD tăng.

Bên cạnh đó, tỷ giá cũng chịu tác động từ thị trường thế giới. Đồng USD trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 0,6% trong tuần này và tăng 2% tính từ đầu tháng 2/2017 so với rổ các đồng tiền chủ chốt. Các chuyên gia cũng nhận định: Đồng USD tiếp tục treo ở mức cao do giới đầu tư tiếp tục đánh cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất.

Về lãi suất, lãi suất huy động của một số NHTM cổ phần cũng đã tăng 0,3%-0,5%/năm. Đơn cử có NHTM cổ phần Quốc Dân (NCB) niêm yết lãi suất huy động ở mức 7,3%/năm kỳ hạn một năm và 8%/năm đối với kỳ hạn hai năm. Mức lãi suất này cao hơn 0,8%/năm so với mặt bằng chung áp dụng cho khoản tiền gửi cùng kỳ hạn. Trước đó, nhiều ngân hàng đã tăng thêm 0,1% - 1,2% mỗi năm cho tiền gửi VND.

Còn với lãi suất VND, đương nhiên sẽ là một trong những thách thức của cơ quan điều hành trong năm 2017. “Nhưng việc một vài NHTM cổ phần nâng lãi suất huy động chưa phản ánh đầy đủ diễn biến của thị trường” – một chuyên gia ngân hàng khẳng định. Bởi đầu năm có thể ngân hàng muốn đẩy mạnh huy động vốn ở một số kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn, nhất là chuẩn bị vốn cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN (sửa một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN), kể từ ngày 1/1/2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các NHTM giảm từ 60% xuống 50%, đồng thời hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Một nghiên cứu mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm trong năm 2017.

Theo BVSC, có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất này. Thứ nhất, tín dụng được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao (17-18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng. Thứ hai, lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Fed dự kiến có thêm ba lần điều chỉnh lãi suất nữa trong năm 2017 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.

Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, tỷ giá sẽ vẫn giữ ở mức ổn định. Về lãi suất thì khả năng kéo giảm thấp hơn nữa là rất khó, mà giữ được ổn định đã tốt rồi. Lý do được ông Lịch đưa ra là chỉ số CPI năm nay nhiều khả năng sẽ tăng hơn năm trước.