UPCoM: Nghịch lý sàn yếu, nhiều mã tăng mạnh

Theo Khắc Lâm/tinnhanhchungkhoan.vn

Sàn niêm yết quy mô lớn HOSE chỉ có 22 mã tăng trên 50%, sàn niêm yết quy mô vừa HNX có 31 mã tăng trên 50% từ đầu năm đến nay.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có trên 60 cổ phiếu đăng ký giao dịch mới/chuyển từ sàn niêm yết sang UPCoM, gấp hơn 4 lần số cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và HNX.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có trên 60 cổ phiếu đăng ký giao dịch mới/chuyển từ sàn niêm yết sang UPCoM, gấp hơn 4 lần số cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và HNX.

Trong khi sàn đại chúng - sàn không có tiêu chuẩn gì về chất lượng doanh nghiệp lại có tới 98 mã đạt mức tăng giá trên 50% trong thời gian này. Phải chăng sàn UPCoM dễ kiếm lãi?

Trên HOSE, có gần 42% số cổ phiếu niêm yết tăng giá; còn trên HNX và UPCoM, tỷ lệ này lần lượt là 35,8% và 37% từ đầu năm đến nay.
Trên HOSE, có gần 42% số cổ phiếu niêm yết tăng giá; còn trên HNX và UPCoM, tỷ lệ này lần lượt là 35,8% và 37% từ đầu năm đến nay.

Gần 100 cổ phiếu tăng giá trên 50%

Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 6/9/2019 tại 974,08 điểm, cũng là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp và mất gần 1% giá trị, nhưng chỉ số VN-Index trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vẫn ghi nhận mức tăng 9,14% so với cuối năm 2018.

So với mức biến động của chỉ số HNX-Index trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) và UPCoM-Index đại diện cho các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), mức tăng của VN-Index cũng vượt trội khi tính từ đầu năm đến hết phiên 6/9, UPCoM-Index tăng 7,44%, còn HNX-Index giảm 3,17%.

8 tháng đầu năm, trong khi HNX-Index giảm 3,17%, thì VN-Index tăng 9,14%, còn UPCoM-Index tăng thấp hơn với 7,44%...  

Ðây là những kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường chịu nhiều nhiều tác động từ những yếu tố bất ổn bên ngoài như chiến tranh thương mại, chính sách tiền tệ, tỷ giá của các nước lớn ảnh hưởng đến dòng vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp đang chậm lại, thậm chí thua lỗ, cũng ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường.

Diễn biến tích cực của điểm số được thể hiện qua số lượng cổ phiếu tăng điểm. Trên HOSE, có gần 42% số cổ phiếu niêm yết tăng giá, còn trên HNX và UPCoM, tỷ lệ này lần lượt là 35,8% và 37%. Kết quả này chưa tính đến những cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch mới trong năm.

Mặc dù có tỷ trọng cổ phiếu tăng giá thấp hơn, nhưng xét về số lượng, UPCoM là sàn giao dịch đem lại nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận nhất cho nhà đầu tư với số cổ phiếu tăng giá lên đến gần 300 mã.

Trong đó, có đến 98 cổ phiếu đạt mức tăng trên 50% tính từ đầu năm đến nay, chưa bao gồm những cổ phiếu đăng ký giao dịch mới trong năm, vượt trội so với HNX (31 cổ phiếu) và HOSE (22 cổ phiếu). Ðáng chú ý, có tới 45 mã đạt mức sinh lời trên 100%.

Vì sao UPCoM lại vượt trội so với HNX và HOSE về số lượng mã tăng, cho dù chất lượng cổ phiếu được đánh giá thấp hơn, dòng tiền đầu tư cũng bị hạn chế hơn khi nhà đầu tư không được sử dụng giao dịch ký quỹ (margin)? Một số nguyên nhân có thể kể đến như:

Thứ nhất là nhờ số lượng mã đăng ký giao dịch vượt trội. Với 851 cổ phiếu, trong đó có 844 mã được phép giao dịch, số cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM nhiều hơn tổng số cổ phiếu trên 2 sàn niêm yết.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có trên 60 cổ phiếu đăng ký giao dịch mới/chuyển từ sàn niêm yết sang UPCoM, gấp hơn 4 lần số cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và HNX.

UPCoM có thể “lớn nhanh” trong những năm qua là nhờ một loạt chính sách hỗ trợ như Nghị định số 60/2015/NÐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, Thông tư số 180/2015/TT-BTC quy định công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, Thông tư số 115/2016/TT-BTC gắn hoạt động đấu giá, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại Sở GDCK với đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM…

Trong số cổ phiếu trên sàn này, không ít doanh nghiệp chất lượng, nhưng chưa thể hoặc chưa muốn niêm yết đã chọn UPCoM làm “bước đệm” như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN), sau hơn 2 năm đăng ký giao dịch đã chuyển lên niêm yết trên HOSE từ tháng 5/2019, hay Tổng công ty Ðiện lực dầu khí (POW) đã đăng ký giao dịch trên UPCoM ngay sau khi cổ phần hóa, trước khi niêm yết trên HOSE đầu năm nay.

Việc thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành giúp UPCoM trở thành điểm đến của nhiều dòng tiền đầu tư.

Bên cạnh số lượng cổ phiếu lớn, sự khác biệt về biên độ giao dịch cũng được đánh giá là yếu tố khiến UPCoM tăng sức hấp dẫn và có số cổ phiếu tăng giá lớn hơn.

Với biên độ giao dịch 15%/phiên, gấp đôi HOSE (7%) và gấp rưỡi HNX (10%). Ðể đạt mức tăng trên 50%, nếu như cổ phiếu UPCoM chỉ cần 3 phiên tăng trần liên tiếp, thì HNX cần 4,5 phiên, còn HOSE là 6 phiên.

Chất lượng hàng hóa phức tạp, ẩn chứa rủi ro

Lượng cổ phiếu tăng giá vuợt trội, mức sinh lời hấp dẫn, nhưng việc tìm kiếm cơ hội lợi nhuận từ sàn đại chúng chưa niêm yết liệu có dễ dàng?

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2009, sau hơn 10 năm, sàn UPCoM đã tăng trưởng mạnh cả về số lượng doanh nghiệp đăng ký và thanh khoản.

Tuy vậy, khác với sàn niêm yết khi doanh nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện niêm yết, công bố thông tin chặt chẽ, thì với UPCoM, thủ tục đăng ký và nghĩa vụ công bố thông tin đơn giản hơn, thậm chí những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế khi bị hủy niêm yết cũng tự động đăng ký giao dịch trên sàn này.

Sự hạn chế trong kiểm soát chất lượng cổ phiếu đã dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên UPCoM.

Trên hệ thống giao dịch UPCoM ngày 30/8/2019, số lượng cổ phiếu bị đưa vào danh sách cảnh báo đã lên đến 128 mã, chiếm 15% số cổ phiếu đăng ký giao dịch. Trong đó, có 105 mã bị hạn chế giao dịch và 11 mã bị đình chỉ giao dịch. Hầu hết nguyên nhân là do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ công bố thông tin…

Hiện tại, nhiều công ty có quy mô vốn hóa lớn đang được giao dịch khá tích cực trên UPCoM như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)…, nhưng ngược lại, cũng có hàng trăm cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch do vi phạm các nghĩa vụ công bố thông tin, lỗ vượt vốn điều lệ…

Theo bảng công bố chứng khoán cảnh báo nhà đầu tư trên hệ thống giao dịch UPCoM ngày 30/8/2019, số lượng cổ phiếu bị đưa vào danh sách cảnh báo đã lên đến 128 mã, chiếm 15% số cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Trong đó, có 105 mã bị hạn chế giao dịch và 11 mã bị đình chỉ giao dịch. Hầu hết nguyên nhân là do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ công bố thông tin…

Trước đó, ngày 2/8/2019, HNX đã ra quyết định tạm dừng giao dịch trên UPCoM đối với 12 cổ phiếu do không công bố thông tin họp Ðại đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Ðến nay, các cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Thực tế, trong số cổ phiếu giao dịch trên UPCoM những năm qua, không ít sau thời gian giao dịch sôi động, thị giá đã liên tục lao dốc, cuối cùng là biến mất, dẫn đến những nghi ngại về nguy cơ thao túng cổ phiếu, làm giá.

Ðỉnh điểm là trường hợp CTCP Mỏ và khoáng sản miền trung (MTM) làm giả hồ sơ, giấy tờ để đăng ký giao dịch, dẫn đến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố.

Trở lại câu chuyện về những cổ phiếu tăng phi mã trong 8 tháng qua trên UPCoM, trong số gần 100 mã đạt mức tăng trên 50%, số cổ phiếu của những doanh nghiệp quy mô lớn, thanh khoản tốt như NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, VGI của CTCP Ðầu tư quốc tế Viettel, CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel…  chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn là những cổ phiếu bị đặt dấu hỏi về chất lượng tài sản, tính minh bạch...

Ðơn cử, cổ phiếu VNX của CTCP Quảng cáo và hội chợ thương mại có mức tăng giá lên đến 4.358% tính từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, chuỗi tăng trần 32 phiên liên tiếp của cổ phiếu này chỉ ghi nhận khớp lệnh 100 cổ phiếu mỗi phiên.

Tương tự là các cổ phiếu HCS của CTCP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, ABR của CTCP Ðầu tư nhãn hiệu Việt, TVM của CTCP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin, HMG của CTCP Kim khí Hà Nội - VNSTEEL…, dù tăng giá hàng trăm phần trăm, nhưng thanh khoản cũng chỉ vài trăm đơn vị khớp lệnh/phiên, có giai đoạn hàng chục phiên không có giao dịch. Với mức thanh khoản này, rõ ràng nhà đầu tư rất khó có thể đạt được lợi nhuận cao.

Trong trường hợp cổ phiếu TBT của CTCP Xây dựng công trình giao thông Bến Tre, dù ghi nhận mức tăng giá 148% từ đầu năm đến nay (thị giá tăng từ 2.500 đồng/cổ phiếu lên 6.200 đồng/cổ phiếu), nhưng thực tế, doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động từ 1/10/2018 do tài chính khó khăn, chưa cân đối được vốn cho sản xuất, thi công. Cổ phiếu TBT đang nằm trong danh sách bị hạn chế giao dịch và thuộc bảng cảnh báo nhà đầu tư.

Kinh doanh thua lỗ, kiểm toán ngoại trừ, nhấn mạnh hàng loạt vấn đề trên báo cáo tài chính, tồn tại yếu tố dẫn đến khả năng hoạt động liên tục bị nghi ngờ, nhưng thị giá vẫn tăng phi mã cũng là câu chuyện ghi nhận tại CTCP Dầu khí Ðông Ðô (PFL) hay CTCP Vận tải Vinaship (VNA).

PFL và VNA có thanh khoản không hề thấp, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể tìm kiếm được lợi nhuận, nhưng với nền tảng yếu kém của doanh nghiệp, nếu không thận trọng, nhà đầu tư cũng có thể dễ dàng bị thua lỗ.

Với số lượng cổ phiếu đăng ký và biên độ giao dịch vượt trội so với 2 sàn niêm yết, UPCoM không thiếu cơ hội cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Tuy vậy, sự phức tạp về chất lượng cổ phiếu, sự hạn chế về tính minh bạch… khiến rủi ro dính phải những cổ phiếu yếu kém không hề nhỏ.