UPCoM: Thu hẹp thị trường xám, kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp

PV.

Chỉ với 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch buổi đầu khai trương cách đây 9 năm, tính đến hết tháng 5/2018, sàn UPCoM đã có 738 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt 656.436 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cùng thời điểm.

Tính đến hết tháng 5/2018, vốn hóa thị trường của UPCoM đạt 656.436 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 5/2018, vốn hóa thị trường của UPCoM đạt 656.436 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc HNX, từ năm 2015 trở lại đây, nhờ có sự hỗ trợ về chính sách giảm thiểu thủ tục và thời gian đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên UPCoM tại Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 và chính sách cổ phần hoá gắn kết với đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM tại Thông tư số 115/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính, thị trường UPCoM đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô vốn hoá và quy mô giao dịch.
Trong đó, thống kê của HNX cho thấy, 2016, 2017 là 2 năm quy mô vốn hoá tăng trưởng cao nhất với mức tăng lần lượt 397%, 123,4%; quy mô giao dịch tuy không theo kịp quy mô vốn hóa song vẫn đạt mức tăng ấn tượng với 121%, 90%. 
Chỉ với 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch buổi đầu khai trương, tính đến hết tháng 5/2018, UPCoM có 738 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt 656.436 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX cùng thời điểm.
Thanh khoản trên UPCoM tính trên 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt mức 462 tỷ đồng/phiên, gần bằng 50% giá trị giao dịch trên thị trường niêm yết HNX. Cổ phiếu UPCoM ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến hết tháng 5/2018, UPCoM có 738 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt 656.436 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX cùng thời điểm.

Trong 2 năm 2016, 2017, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm khoảng 15,5% - 16,5% giá trị giao dịch UPCoM. Có nhiều thời điểm thị trường biến động, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu trên thị trường niêm yết nhưng họ vẫn mua ròng trên UPCoM. 
UPCoM cùng với 2 sàn niêm yết trên TTCK Việt Nam đã trở thành lựa chọn đầu tư tài chính và huy động vốn hàng đầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhà đầu tư ngày càng quan tâm giao dịch cổ phiếu UPCoM.
Trên sàn UPCoM có khá nhiều cổ phiếu của các công ty lớn, có tên tuổi, được nhà đầu tư quan tâm, có những cổ phiếu được giao dịch ở mức giá rất cao, có khi bằng hoặc thậm chí cao hơn mức giá của các bluechips trên hai sàn niêm yết, ví dụ MCH, MPC, SCS, SGN...
Trong 9 năm hoạt động, UPCoM đã hỗ trợ hơn 130 doanh nghiệp, tương đương gần 18% số doanh nghiệp đăng ký giao dịch, huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường này. Sự sôi động của UPCoM, tính minh bạch, sự cải thiện về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi gia nhập UPCoM cũng góp phần thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, giúp ngân sách Nhà nước thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Không chỉ như vậy, UPCoM còn khẳng định mình như điểm đến cho các doanh nghiệp muốn tập dượt trước khi niêm yết trên các Sở và là môi trường cho các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện mình để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường niêm yết. Từ đây đã có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và chuyển lên niêm yết trên 2 Sở HNX, HOSE... 
Như vậy, sau 9 năm hoạt động, UPCoM không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và còn có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng hàng hoá và hoạt động của thị trường. UPCoM không chỉ hoàn thành sứ mệnh thu hẹp thị trường xám như mục tiêu đặt ra ban đầu mà còn khẳng định vai trò là kênh đầu tư hấp dẫn của công chúng và huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào công cuộc cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.