Ưu tiên cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành

Theo Dương Công Chiến/thoibaonganhang.vn

Triển vọng TTCK phụ thuộc vào triển vọng của kinh tế vĩ mô, trong đó có 2 nội dung quan trọng được quan tâm là tăng trưởng kinh tế và độ ổn định của kinh tế vĩ mô.

TTCK đã bắt đầu tạo được sự ổn định trên mặt bằng giá mới và có thể sẽ tốt hơn, nhiều khả năng sẽ tạo sự phục hồi trong ngắn hạn trong quý IV.
TTCK đã bắt đầu tạo được sự ổn định trên mặt bằng giá mới và có thể sẽ tốt hơn, nhiều khả năng sẽ tạo sự phục hồi trong ngắn hạn trong quý IV.

Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) những tháng đầu năm, giới chuyên gia đánh giá, thị trường đã tăng trưởng khá tốt trong quý I trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối thuận lợi và dòng tiền vào thị trường rất mạnh khi chỉ số VN-Index tăng hơn 1.200 điểm. Đương nhiên tăng vì lý do gì sẽ giảm vì lý do đó và thực tế, TTCK đã giảm rất mạnh cho đến hết quý II với mức giảm tương đối sâu, dòng tiền rút ra khỏi thị trường khi các bất ổn vĩ mô được thể hiện rõ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TTCK đã bắt đầu tạo được sự ổn định trên mặt bằng giá mới và có thể sẽ tốt hơn, nhiều khả năng sẽ tạo sự phục hồi trong ngắn hạn trong quý IV.

Với quan điểm thận trọng, ông Trần Minh Hoàng - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBs) cho rằng, sự phục hồi ngắn hạn sẽ nhiều hơn trước khi đà tăng mới bắt đầu. Còn trong trường hợp kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định và dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy mạnh vào Việt Nam thì việc thị trường đi tiếp cũng như tạo ra đợt sóng tăng mới nhiều khả năng sẽ lại đến.

“Trong bối cảnh như vậy về mặt chiến lược thị trường, cơ hội mua vào nhiều khả năng đến vào cuối quý III đầu quý IV nhiều hơn là vào thời điểm hiện tại. Đặc biệt giai đoạn phục hồi ngắn hạn vừa qua. Còn với các nhóm ngành cũng như triển vọng thực tế với bối cảnh rủi ro mang tính vĩ mô và hệ thống đang hiện hữu, chúng tôi không thực sự đánh giá cao bất kỳ ngành nào mà có lẽ nhà đầu tư nên sử dụng chiến lược lựa chọn cổ phiếu, theo đó ưu tiên những cổ phiếu có vốn hóa lớn và đầu ngành để vẫn đảm bảo được tăng trưởng hoặc là những cổ phiếu tầm trung, thấp nhưng có những câu chuyện riêng và đặc thù”, ông Hoàng khuyến nghị.

Để chứng minh cho nhận định này, ông Hoàng cho biết, TTCK 8 tháng đầu năm có diễn biến khá thăng trầm theo diễn biến của kinh tế. Chính vì vậy triển vọng TTCK phụ thuộc vào triển vọng của kinh tế vĩ mô, trong đó có 2 nội dung quan trọng được quan tâm là tăng trưởng kinh tế và độ ổn định của kinh tế vĩ mô.

Ở góc độ tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia khá yên tâm. Thông tin từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 cho thấy, rất có thể tăng trưởng GDP của năm 2018 sẽ đạt quanh mức 7%, vượt trên cả mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đặt ra. Song mức độ ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề đáng được quan tâm. Trong đó, lạm phát là yếu tố đầu tiên vì đây là chỉ tiêu mà Chính phủ cũng như NHNN nhìn nhận ưu tiên hàng đầu trong tất cả các quyết định về điều hành của mình.

Giá thịt lợn và giá dầu nhiều khả năng sẽ giảm bớt trong những tháng còn lại của năm khi chúng ta có thể kiểm soát được sản lượng thịt lợn, còn giá dầu đã ở vùng tương đối cao, khả năng tăng tiếp không nhiều và có thể đi ngang quanh vùng 70-80 USD/thùng hoặc giảm nhẹ. Như vậy, áp lực lạm phát những tháng cuối năm có thể đến từ các vấn đề liên quan đến cầu được cải thiện theo yếu tố mùa vụ; hoặc đến từ phía lộ trình tăng giá một số mặt hàng của Chính phủ. Tuy nhiên, với yếu tố đầu tiên là cầu tiêu dùng của người dân thì với lạm phát cơ bản quanh mức 1,2-1,3% và tăng trưởng tiêu dùng bán lẻ vẫn đang ở mức vừa phải sẽ không tạo áp lực lớn lên lạm phát. Chính vì vậy lạm phát với mục tiêu năm 2018 ở mức 4% hoàn toàn khả thi và không thực sự là nỗi lo.

Tỷ giá cũng được duy trì ổn định. Đặc biệt thời gian gần đây đồng USD có xu hướng giảm trở lại càng làm giảm áp lực đối với tỷ giá trong nước. Trong khi, dự trữ ngoại hối đã được bổ sung thêm khá nhiều trong 2 năm gần đây nên NHNN có đủ nguồn lực để đảm bảo mức giảm giá của VND ở mức hợp lý.

“Chúng tôi đánh giá trong quý III, yếu tố lạm phát tương đối căng thẳng cần được theo dõi. Tuy nhiên, sau đó bắt đầu từ quý IV, chúng tôi kỳ vọng các góc khuất của nền kinh tế sẽ dần được rõ ràng hơn. Có thể lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy sự tươi sáng hơn khi các yếu tố vĩ mô ổn định trở lại. Khi đó dòng vốn ngoại cả trực tiếp và gián tiếp sẽ cân nhắc đến việc tìm đến Việt Nam là điểm đến để đầu tư”, ông Hoàng nói.

Một số ý kiến khác thì thận trọng hơn khi thực tế các rủi ro vẫn đang hiện hữu và cần theo dõi sát sao bởi lẽ các áp lực từ thế giới khiến chúng ta không hoàn toàn kiểm soát được, đặc biệt là các vấn đề về căng thẳng tương mại Mỹ - Trung. “Về cơ bản đây là thời điểm chúng ta cần thận trọng và theo dõi chặt chẽ các biến số về vĩ mô. Còn về dài hạn hơn chúng tôi tin Việt Nam có đủ nguồn lực để chứng minh được vẫn là điểm sáng trong việc đảm bảo môi trường đầu tư tốt để hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại”, một chuyên gia cho hay.