Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đốc thúc doanh nghiệp lên UPCoM

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/11/2014 các doanh nghiệp sau cổ phần hóa có tối đa 90 ngày để đăng ký giao dịch cổ phiếu tập trung. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có biện pháp nào để thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM?

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đốc thúc doanh nghiệp lên UPCoM
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNNNN cho biết, trước hết phải nắm rõ đối tượng DN sẽ đưa lên giao dịch trên UPCoM theo quy định mới, bao gồm: nhóm các DN hủy niêm yết tự nguyện hay bắt buộc; nhóm các DNNN cổ phần hóa và nhóm các công ty đại chúng thực hiện chào bán ra công chúng trong diện phải đưa lên niêm yết tập trung nhưng không đủ điều kiện. Riêng đối với những DNNN đã cổ phần hóa trước khi Quyết định 51 có hiệu lực thì sẽ lấy mốc từ ngày 1/11/2014, trong vòng 1 năm phải niêm yết trên thị trường.

Để khuyến khích các DN lên sàn, ông Sơn cho biết, UBCKNN đang đề xuất miễn phí quản lý, phí thẩm định… đối với các DN đăng ký giao dịch trên UPCoM, và chỉ khi các DN có giao dịch cổ phiếu mới tính phí theo quy định. Ngoài ra, quy định công bố thông tin cũng sẽ được giảm nhẹ hơn so với các DN niêm yết, như báo cáo kiểm toán chỉ cần kiểm toán độc lập chứ không nhất thiết phải là các công ty kiểm toán trong danh sách quy định của UBCKNN…

Nếu làm được điều này, dự báo, sàn UPCoM trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh với quy mô lớn. Chưa kể, theo chủ trương mới về việc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Chính phủ thông qua, trên 400 DNNN sẽ tiến hành IPO trong năm 2014 và 2015, theo quy định, các DN cũng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM.

Giống như các nước trên thế giới - các sàn giao dịch có cấp độ khác nhau -TTCK Việt Nam cũng đang dần hướng tới việc phân chia “hàng hóa” theo từng bảng và UPCoM sẽ là một trong số các bảng này.

Trong thời gian qua, nhiều DN vì một vài lý do mà ngần ngại tham gia niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, nếu các DN, đặc biệt là DNNN sau cổ phần hóa, nhìn sâu hơn về lợi ích từ TTCK thì họ sẽ ở lại, quay lại hoặc tham gia mới.

Thực tế đã cho thấy, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, thay đổi cơ cấu sở hữu, nhiều DN đã phải thay đổi phương thức điều hành, thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tiếp cận với cách quản trị công ty hiện đại, tăng cường công khai minh bạch thông tin doanh nghiệp và quan trọng là những điều này giúp DN nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Mặc dù vậy, thị trường có thể đặt câu hỏi, với sự ra đời của Quyết định 51, liệu một số DNNN đang tiến hành cổ phần hóa có sửa đổi kế hoạch của mình không, khi trong bản cáo bạch vẫn ghi là, sau khi IPO thành công thì tối thiểu 2, 3 năm sau, các DN mới tính đến việc lên sàn? Đơn cử như trường hợp Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Vừa qua, lãnh đạo tập đoàn này đã công khai phát biểu là sau cổ phần hóa, tối thiểu 3 năm, Vinatex mới thực hiện niêm yết. Như vậy, nếu chiếu theo Quyết định 51 thì có vi phạm về mặt pháp luật không (?) Việc kéo dài thời gian lên sàn, theo đại diện UBCKNN, là không hợp lý và các DN sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Trong Quyết định 51 có nêu rõ, những DNNN thực hiện cổ phần hóa trước khi quyết định này có hiệu lực thì sẽ phải lấy mốc ngày 1/11/2014 và trong vòng 12 tháng tiếp theo phải niêm yết.

Đại diện UBCKNN cũng cho biết, đối với những DNNN đã thực hiện cổ phần hóa từ nhiều năm như Sabeco, Habeco… nhưng vẫn chưa lên sàn thì cũng nằm trong diện phải điều chỉnh theo quy định mới và những DN này cũng phải lên sàn.

Không chỉ đốc thúc các DN phải đăng ký giao dịch tập trung theo quy định, cơ quan quản lý cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy các DNNN cổ phần hóa bởi việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM sẽ gắn liền với lộ trình IPO của các DNNN.