Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Đã đủ cơ sở để hạ lãi suất

Theo TTVN

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng: (i) Lợi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; (ii) Lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%.

 Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Đã đủ cơ sở để hạ lãi suất

Trong bản báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm 2012 vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia gửi lên Chính phủ, cơ quan này đã đánh giá tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với 9 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở 2 khâu chủ yếu là “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm.

Ngoài những khó khăn đã biết ở khâu tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến lượng hàng tồn kho cao, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang chịu những khó khăn rất lớn do phải chi phí sản xuất đang tăng rất cao. Cụ thể:

Chi phí nguyên vật liệu nhiều ngành tăng đột biến: như ngành sản xuất bao bì, giấy tăng 50%, ngành dệt may tăng 30-45%, ngành xây dựng tăng 25%.

Mặt khác, trong năm 2012, giá xăng dầu đã tăng ròng 2.300 đồng/lít, đây là mặt hàng nhiên liệu quan trọng, tác động tới tất cả các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cước vận tải hàng hóa quốc tế liên tục tăng từ đầu năm với mức tăng trên 50%. Giá cả đầu vào cao đã làm chi phí, giá thành sản phẩm tăng đáng kể, tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Chi phí tài chính cao: Việc phải chịu mức lãi suất cao (trên 15%/năm) trong một thời gian kéo dài tới nay đã trên 30 tháng làm khó khăn của doanh nghiệp tăng thêm.

Trên thực tế, kể từ thời điểm cuối tháng 3/2010, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26/2/2010 về áp dụng lãi suất thoả thuận cho các khoản tín dụng trung và dài hạn, lãi suất cho vay trên thực tế đã dao động ở mức 16-20%.

Chi phí lãi vay cao dẫn đến chi phí tài chính cao làm lợi nhuận suy giảm, gây cản trở quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Đây cũng là hai chi phí tác động tiêu cực mạnh nhất tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp so với các chi phí khác.

Theo khảo sát khu vực doanh nghiệp do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thực hiện, chỉ tính đến thời điểm kết thúc quý I/2012, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng gần 25% so với cuối năm trước.

Điều này đã làm cho tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành sản phẩm tăng lên mức khoảng 7%, so với mức 4,72% và 5,56% của năm 2010 và 2011.

Lãi suất cao không chỉ gây khó khăn trong sản xuất cho doanh nghiệp mà còn đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam giảm khá mạnh so với các nước trong khu vực.

Theo tính toán, lãi suất của Việt Nam hiện đang cao hơn rất nhiều (từ 2-3 lần) so với các nước trong khu vực, do đó nếu giả sử các yếu tố khác không đổi thì giá thành của Việt Nam đang cao hơn so với Ấn Độ 2%, Thái Lan 2,51%, Trung Quốc là 2,6% và Singapore là 2,8%.

Cơ quan này kiến Nghị, Chính phủ cần sớm hành động quyết liệt, đưa ra những giải pháp cụ thể đi thẳng vào giải quyết vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể ở đây là có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất quy định hiện nay, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng: (i) Lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; (ii) Lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%.

Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn, tuy nhiên nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp khi các kênh đầu cơ như vàng, bất động sản, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn.

Mặt khác, thực tế cho thấy dù lãi suất ngân hàng đã giảm 5% kể từ đầu năm nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và hiện có mức tăng khoảng 15% so với đầu năm.

Điều này chỉ ra rằng việc gửi tiền tại ngân hàng đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác và cũng cho thấy lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam đang tăng lên đáng kể;

(iii) Dự trữ ngoại hối hiện nay khá dồi dào, hơn nữa tình trạng đô la hóa đã giảm đáng kể do tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài, việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của dân cư, do đó việc hạ lãi suất VND sẽ không có tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang USD (nếu có).

Nhằm góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, thúc đẩy tổng cầu năm 2013, Chính phủ có thể đẩy mạnh bảo lãnh vay tín dụng ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho chủ đầu tư những dự án BOT hiện đang rất cần vốn để hoàn thành (ví dụ như dự án Quốc lộ 14…).

Đồng thời, Chính phủ cần sớm thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu công trình cho năm 2013 nhằm chủ động kiểm soát lượng vốn đầu tư của nền kinh tế trong trường hợp tăng trưởng tín dụng năm 2013 tiếp tục đạt mức thấp như năm 2012 nhằm đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013 vẫn sẽ được duy trì ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đã đề ra.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giả định tăng trưởng tín dụng năm 2013 chỉ đạt mức tăng 12 - 14 - 16%, để đạt được mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội tương đương 30% GDP thì vốn đầu tư cần có thêm lượng vốn tương ứng khoảng 130 - 100 - 70 nghìn tỷ đồng.