Vài nhận định về thu hút kiều hối của Việt Nam

ThS. Trương Thị Hương Lan

Cộng đồng người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài hiện có khoảng 4 triệu người, sinh sống ở tại 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng về lượng, đa dạng về cơ cấu, thành phần và hội nhập ngày càng hiệu quả vào các nước sở tại. Đặc biệt, kiều hối và các kênh đầu tư từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài về Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiều hối không ngừng gia tăng và phát huy tác dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông qua nhiều kênh khác nhau, kiều hối và các kênh đầu tư từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài về Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú. Kiều hối giai đoạn 1991-2001 tăng trung bình 48,5% và giai đoạn 1991-2014 tăng khoảng 38%, đạt tổng cộng trên 92 tỷ USD và đến hết năm 2015 là đạt trên 100 tỷ USD.

Bà Patricia Z. Riingen, Phó chủ tịch cấp cao Khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương của Công ty Western Union cho rằng, kiều hối về Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng. Nếu như năm đầu tiên (1994) khi tổ chức này có mặt tại Việt Nam, chỉ có khách hàng ở 16 quốc gia chuyển kiều hối về Việt Nam, thì nay đã tăng lên 187 quốc gia.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm 2015, với mức 12,25 tỷ USD, tăng so với mức 12 tỷ USD năm 2014; 11 tỷ USD năm 2013 và 10 tỷ USD năm 2012. Mức tăng này càng ấn tượng nếu so với các con số kiều hối của những năm trước như: 2,154 tỷ USD (năm 2002), 2,6 tỷ USD (năm 2003), 3,2 tỷ USD (năm 2004) và 3,8 tỷ USD (năm 2005); thậm chí tăng khoảng gần 90 lần so với mức 0,14 tỷ USD năm 1993.

Trong giai đoạn 2010 – 2012, nguồn kiều hối từ Hoa Kỳ là lớn nhất, chiếm khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước; tiếp theo là Australia (khoảng 9% tổng giá trị cả nước), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (khoảng 4%). Trong giai đoạn 2007 – 2013, kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam sau tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện và lớn hơn cả nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân.

Hàng năm, TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 58-62% tổng kiều hối của cả nước, với lượng kiều hối nhận được trong năm 2015 khoảng 5,5 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước; năm 2016 dự kiến đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Trong 5 năm qua, từ 2011 đến 2015, lượng kiều hối (chủ yếu vẫn từ Mỹ và châu Âu) chuyển về Thành phố tăng bình quân 10-12%/năm. Từ năm 2013, với sự ổn định của tỷ giá, lượng kiều hối chuyển về được bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 đến 35%. Còn trong năm 2015, tỷ lệ này đạt trên 22% và hiện xu hướng này vẫn được duy trì.

Kiều hối hiện chảy vào 3 lĩnh vực chính, gồm: Sản xuất kinh doanh, bất động sản và hỗ trợ người thân. Trong đó, vốn vào sản xuất kinh doanh vẫn nhiều nhất, tỷ lệ tăng đều qua hàng năm… Nếu như kiều hối từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia… chủ yếu từ nguồn lao động xuất khẩu và tập trung chuyển về khu vực nông thôn, mang giá trị tích lũy cho nền kinh tế; thì kiều hối từ những thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Australia… là nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh cụ thể trong nước.

Khảo sát thực tế cho thấy, kiều hối đang dịch chuyển sang hướng tạo lập những “đầu cầu” mang lợi ích lâu dài. Điển hình như tại TP.Hồ Chí Minh, nửa đầu năm nay có hơn 70,8% kiều hối chuyển về trên địa bàn đã chảy vào sản xuất, kinh doanh; khoảng 21,6% đổ vào bất động sản và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình chi phí cho sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa... Đây được xem là một tín hiệu tích cực so với trước đây, khi mà phần lớn kiều hối được đổ vào đầu cơ bất động sản.

Trên thực tế, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; ổn định nguồn thu ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài cũng như sức ép tỷ giá của đồng USD, góp phần cân đối cán cân thanh toán thương mại; tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua đầu tư, kinh doanh của Việt kiều; đồng thời, góp phần cải thiện ngân sách cho nhà ở, y tế, giáo dục...

Kiều hối không chỉ trực tiếp trang trải nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là nguồn ngoại tệ bổ sung và nguồn tiền gửi vào ngân hàng; nguồn vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh (kể cả thị trường chứng khoán) và lĩnh vực bất động sản... Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung cả nước đang có trên 2.000 dự án được các kiều bào đăng ký đầu tư. 

Kiều hối không chỉ trực tiếp trang trải nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là nguồn ngoại tệ bổ sung và nguồn tiền gửi vào ngân hàng; nguồn vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh (kể cả thị trường chứng khoán) và lĩnh vực bất động sản...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả nước đang có trên 2.000 dự án được các kiều bào đăng ký đầu tư. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, lượng vốn đăng ký đầu tư từ các dự án của kiều bào đạt 290,5 triệu USD, bằng 0,6% tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và chủ yếu là từ các nước Đức, Nga, Pháp, Mỹ... Các dòng đầu tư ngày càng tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, dược phẩm, hóa chất, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, xây lắp cao cấp, tài chính - ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phần mềm...

Kiều hối chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt Nam và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong nhiều giai đoạn, giá trị của kiều hối còn tăng vượt so với vốn đầu tư trực tiếp FDI. So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, đầu tư gián tiếp nước ngoài, thì kiều hối vào Việt Nam luôn có giá trị lớn hơn và có tính ổn định cao hơn.

Vài nhận định về chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc và là nguồn lực quan trọng của Việt Nam; có tiềm năng kinh tế và tri thức ngày càng to lớn, phát triển năng động, luôn khát khao tình cảm quê hương, có tinh thần tự tôn dân tộc, mong muốn gia đình, đất nước giàu mạnh.

Do vậy, Nhà nước luôn khuyến khích và đã có nhiều điều chỉnh phù hợp về quốc tịch, hộ tịch, nhập - xuất cảnh, cư trú, hồi hương, sở hữu tài sản nhà đất, hỗ trợ thông tin tuyên truyền văn hóa, thể thao, dạy và học tiếng Việt cũng như về công tác thi đua khen thưởng, vận động cộng đồng….

Thực tiễn cho thấy, kết quả kiều hối tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nổi bật là quan hệ quốc tế và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; điều kiện kinh doanh và chính sách vĩ mô của nước sở tại; nhận thức, tình cảm và năng lực tài chính, kết quả kinh doanh của người Việt đang định cư ở nước ngoài cũng như chi phí và chất lượng dịch vụ chuyển - nhận kiều hối. Sự ấm lên của thị trường và các nỗ lực cải cách cơ chế, chính sách, thúc đẩy tự do hoá tài chính, hội nhập của Việt Nam.

Trong đó, chính sách miễn thuế thu nhập cho người nhận kiều hối; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) cũng đã mở rộng điều kiện hơn cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam; giảm thiểu lãi suất tiền gửi bằng USD… đã khiến dòng kiều hối đổ vào sản xuất-kinh doanh nhiều hơn; giảm dần dòng tiền gửi tiết kiệm, nhất là dòng tiền gửi về nhằm hưởng chênh lệch lãi suất trong nước và nước ngoài.

Kết quả thu hút kiều hối nửa đầu năm 2016 cho thấy, chính sách tiền tệ mới trong năm 2016, nhất là việc đưa lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ về 0% và triển khai chính sách tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày dường như chưa ảnh hưởng nhiều tới dòng kiều hối; về logic sẽ hạn chế dòng kiều hối chuyển tiền về Việt Nam như trước đây.

Chính sách kiều hối thông thoáng và thuận lợi là một trong những nhân tố quan trọng làm tăng lượng kiều hối. Trước đây, lượng ngoại tệ gửi về bị kiểm soát, người nhận phải chịu thuế thu nhập, cơ chế thành lập dịch vụ kiều hối khá ngặt nghèo, thì nay, người nhận tiền không cần phải mở tài khoản ở ngân hàng, không cần đến điểm chi trả của dịch vụ và cũng không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào, thậm chí còn có quà tặng kèm theo.

Người gửi cũng đang được hưởng những dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng với mức phí ngày càng giảm, từ mức 3,5% lượng tiền chuyển, được giảm xuống còn từ 0,02 - 0,5%, tối đa 2% tùy theo lượng tiền gửi (trong hoạt động ngân hàng, lợi nhuận từ kiều hối chỉ khoảng 0,77%).

Với các dịch vụ do công ty kiều hối cung cấp, hiện người Việt Nam có thể nhận tận nhà chi trả tiền mặt, chuyển khoản bằng ngoại tệ hay VND và không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thủ tục nhận kiều hối đã đơn giản hơn rất nhiều, thậm chí khách hàng có thể nhận được tiền ngay trong vòng 5-10 phút sau khi người từ nước ngoài gửi về.

Được biết, kể từ tháng 8/2003, NHNN cũng đã cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được thành lập công ty kiều hối trực thuộc, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có; điều kiện thành lập các văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến các kênh kiều hối cũng thuận lợi hơn. Số đơn vị thực hiện dịch vụ này đã tăng từ 30 - 40 đơn vị lên gần 100 đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.

Nếu như năm đầu tiên (1994), chỉ có khách hàng ở 16 quốc gia chuyển kiều hối về Việt Nam, nay đã tăng lên 187 quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm 2015, với mức 12,25 tỷ USD, tăng so với mức 12 tỷ USD năm 2014.

Tuy nhiên, dịch vụ kiều hối sẽ mở rộng hơn nữa nếu NHNN cân nhắc, điều chỉnh quy định khá cứng nhắc hiện nay. Theo đó, cho phép một NHTM có thể làm đại lý nhiều hơn giới hạn chỉ có thể làm đại lý cho một công ty kiều hối như trong Khoản 4, Điều 3 Thông tư 34/2015 của NHNN Việt Nam.

Ngoài kênh nhận kiều hối chính thức phát triển mạnh với thủ tục thuận tiện, đơn giản, chi phí thấp, thực tế cho thấy vẫn tồn tại kênh chuyển tiền phi chính thức từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Dịch vụ ngầm này đang khiến người gửi tiền dễ gặp phải rủi ro, thiệt hại do không được pháp luật đứng ra bảo vệ.

Hơn nữa, trong hoạt động dịch vụ kiều hối, cần chú ý thực hiện đúng các quy định quản lý về chống rửa tiền, hoặc chống vận chuyển tiền tài trợ các hoạt động phi pháp trong nước và quốc tế; Các công ty kiều hối cần nắm rõ nguồn tiền, mục đích chuyển tiền và danh sách các khách hàng, doanh nghiệp… bị cấm vận do cơ quan an ninh tiền tệ trong nước và thế giới cảnh báo.

Cuối tháng 9/2005, Việt Nam đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu trong các công ty cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có Việt kiều) lên 49%, thay vì mức 30% trước. Và từ ngày 11/12/2013, người nhận kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về; có thể bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng hay được phép chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân…

Việc từng bước nới room cho phép Việt kiều mua nhà, đất và chuyển nhượng bất động sản từ hạn chế sang không hạn chế về số lượng theo quy định của Luật Nhà ở, đã cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà kể từ ngày 1/7/2015… việc làm này cũng đã tạo thêm kênh dẫn vốn chính thống với khối lượng lớn trong thị trường Việt Nam.

Về triển vọng, kiều hối sẽ tùy thuộc rất lớn vào sự phát triển và thành công trong kinh doanh của cộng đồng kiều bào ở nước ngoài; kết quả mở rộng thị trường lao động xuất khẩu; mức độ xiết chặt các quy định về phòng chống rửa tiền theo hướng giới hạn nguồn tiền kiều hối từ các nước chuyển về cũng như hiệu lực, hiệu quả chính sách thu hút các nguồn lực từ kiều bào. Theo đó, sẽ tiếp tục gia tăng dòng kiều hối từ lao động xuất khẩu và dòng kiều hối-vốn để đầu tư vào Việt Nam, giảm dần dòng kiều hối “thăm thân”.

Để thu hút mạnh hơn nữa dòng kiều hối chảy về Việt Nam, cần đồng bộ các giải pháp mở rộng mạng lưới chuyển tiền và chi trả kiều hối được thực hiện qua các kênh. Cụ thể, Hệ thống NHTM, tổ chức kinh tế, hải quan, bưu điện… duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và lòng tin vào giá trị đồng VND so với đồng USD.

Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng kiều bào và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài, nhất là về bảo hộ pháp luật và những điều kiện ngoại giao khác; Xây dựng những trung tâm kinh tế - thương mại Việt Nam ở các thị trường lớn, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khơi gợi tình cảm yêu nước, ý thức đóng góp, trách nhiệm với gia đình, quê hương, cộng đồng của bà con Việt kiều…

Việt Nam luôn khuyến khích người dân khai thác nguồn hàng và tiền kiều hối gửi về từ người thân và gia đình đang ở nước ngoài. Những người Việt Nam đang sống xa quê hương đa số đều mong muốn đóng góp vào sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước. Bên cạnh những chính sách trên, Chính phủ cần triển khai diễn đàn để kiều bào trao đổi, cập nhập chính sách và tình hình trong nước, giúp họ yên tâm hơn khi về đầu tư tại quê nhà.

Thực tế cho thấy, vẫn cần có thêm những cơ chế mới, thông thoáng hơn, những kênh thông tin, diễn đàn trao đổi, cập nhập chính sách và tình hình trong nước, trân trọng và khuyến khích kiều hối, khai thác mọi tiềm năng đa dạng của cộng đồng kiều bào cho đầu tư và phát triển gia đình, quê hương, đất nước…

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước, báo cáo tổng kết năm 2015;

2. Ngân hàng Thế giới, “Migration and remittances factbook 2016” về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới;

3. Tiếp thị thế giới, Moody’s: Kiều hối về Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu.