Vai trò của minh bạch và quản trị

Theo Quang Minh/nhandan.com.vn

Với việc đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động năm 2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tạo lập một “sân chơi” mới, giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành sở giao dịch chứng khoán hà nội trao đổi về kết quả đạt được sau 13 năm vận hành và những nỗ lực để HNX ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Phóng viên: Sau 13 năm khai trương, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có nhiều hoạt động đóng góp tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bà có thể giới thiệu những thành tựu chính của HNX?

Vai trò của minh bạch và quản trị  - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan: Hiện nay, HNX đang vận hành cùng lúc bốn thị trường là cổ phiếu niêm yết, UPCoM, trái phiếu chính phủ (TPCP) và phái sinh.

Thị trường cổ phiếu niêm yết được vận hành qua 13 năm, sau giai đoạn phát triển về số lượng DNNY từ 2005 đến 2010, đến nay thị trường đã phát triển ổn định và đi vào chiều sâu. Tính đến hết tháng 2-2018, HNX có 385 doanh nghiệp (tăng gần 43 lần so với năm 2005) với tổng giá trị niêm yết đạt 118.951 tỷ đồng (tăng gấp hơn 79 lần), vốn hóa thị trường đạt 235.462 tỷ đồng (tăng gấp 125 lần so với năm 2005). Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh, bình quân hai tháng đầu năm 2018 khối lượng giao dịch đạt hơn 75 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch đạt 1.184 tỷ đồng/phiên, tăng gấp 260 lần về khối lượng giao dịch và 296 lần về giá trị giao dịch so với thời kỳ đầu khai trương.

Sau gần chín năm đi vào hoạt động (2009-2018), thị trường UPCoM đã có bước phát triển nhanh, mạnh, đặc biệt là trong 2-3 năm trở lại đây khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách cổ phần hóa của Chính phủ. Từ 10 công ty đăng ký giao dịch (ĐKGD) ban đầu, đến nay số lượng công ty ĐKGD trên UPCoM đã tăng hơn 70 lần với 716 công ty đăng ký giao dịch, quy mô thị trường đạt 713.160 tỷ đồng (tăng 167 lần) với nhiều các doanh nghiệp quy mô lớn như Vietnam Airlines, Ngân hàng Liên Việt, Tổng công ty Dệt may, Tổng công ty Sông Đà…

Cũng vào năm 2009, Sở GDCK Hà Nội đã được giao tổ chức thị trường TPCP sau một vài năm nghiên cứu. Chỉ sau hơn tám năm hoạt động, thị trường TPCP đã phát triển lớn mạnh về tầm vóc và phát huy hiệu quả vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều hàng hóa cho thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung, thị trường trái phiếu (TTTP) nói riêng.

Năm 2017, năm hoạt động thứ 12 của HNX đánh dấu bằng sự kiện ra đời của thị trường thứ tư mà HNX tổ chức là TTCK phái sinh. Sự kiện khai trương TTCK phái sinh đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá là “mốc son chói lọi” của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam. Từ đây, HNX chính thức vận hành cùng lúc bốn thị trường gồm thị trường cổ phiếu niêm yết, UPCoM, trái phiếu chính phủ và TTCK phái sinh.

Việc ra đời TTCK phái sinh đã được giới chuyên môn đánh giá là bước đi quan trọng giúp hoàn thiện thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Được biết, thời điểm đưa TTCK phái sinh vào hoạt động cũng được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và HNX cân nhắc kỹ lưỡng. Vậy theo bà, TTCK phái sinh đã có những đóng góp gì để hoàn thiện thị trường chứng khoán?

Mới đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã khẳng định hướng đi đúng khi sản phẩm đầu tiên được lựa chọn là hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30. Trong suốt hơn bảy tháng qua, TTCK phái sinh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn, với khối lượng giao dịch tháng sau cao hơn tháng trước. Chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã thật sự trở thành một kênh đầu tư mới cho nhà đầu tư, góp phần hạn chế rủi ro, nhất là ở những thời điểm thị trường biến động mạnh. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống công nghệ, thành viên thị trường và công tác tuyên truyền đào tạo nhà đầu tư, thị trường vừa mới ra đời đã hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, hứa hẹn sẽ là một thị trường tiềm năng cho TTCK Việt Nam.

Thị trường chứng khoán hoạt động đặc thù với nhiều diễn biến khó đoán định, vậy theo bà, để thị trường phát triển bền vững cần những yếu tố gì?

Tôi cho rằng, có ba vấn đề quan trọng cần quan tâm chính là công bố thông tin, sự minh bạch hóa và vai trò của công tác quản trị công ty.

Để nâng cao nhận thức và lan tỏa tinh thần minh bạch hóa và quản trị công ty (QTCT) theo thông lệ tốt, HNX đã liên tục tổ chức các chương trình trao đổi, tọa đàm, đào tạo, hội thảo như các Tuần lễ QTCT, hội thảo QTCT theo chuyên đề với sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và nổi tiếng trong khu vực và quốc tế, đặc biệt chương trình đánh giá Công bố thông tin và minh bạch (2013-2016), đánh giá quản trị công ty (2017) đã gây hiệu ứng tốt và tạo nhiều chuyển biến đáng kể cho các doanh nghiệp. Từ chỗ các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, chưa tuân thủ đúng, đủ quy định công bố thông tin, nay các doanh nghiệp đã chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đã bước đầu áp dụng các thông lệ tốt về công bố thông tin, minh bạch và quản trị công ty.

Trong năm 2018, HNX sẽ tập trung phát triển những sản phẩm gì để giúp thị trường chứng khoán tiếp tục tạo nên sức hấp dẫn cho nhà đầu tư?

Hoạt động của HNX trong năm 2018 khá bận rộn. Trong đó, chúng tôi tập trung phát triển TTCK phái sinh thông qua việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý trên TTCK phái sinh, phối hợp các cơ quan quản lý hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan đến giá dịch vụ, triển khai sản phẩm giao dịch hợp đồng tương lai trên TPCP và nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý để triển khai thêm các sản phẩm mới.

Nhằm nâng cao chất lượng thị trường cổ phiếu, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng cổ phiếu thông qua các giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị công ty, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của nhà đầu tư, mà trước hết là nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp.

Trên thị trường UPCoM, tiếp tục gia tăng chất lượng giám sát. Phương thức giám sát cũng sẽ có nhiều đổi mới theo hướng bám sát thực địa hơn là dựa trên hệ thống sổ sách, báo cáo.

HNX sẽ bám sát lộ trình xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, để chuẩn bị các phương án triển khai hiệu quả.