Vai trò và mối liên hệ giữa TTCK phái sinh và thị trường cơ sở

PV.

Ngày 21/9/2018, Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức hội thảo “Vai trò và mối liên hệ giữa TTCK phái sinh và thị trường cơ sở” nhằm tổng kết 1 năm hoạt động của TTCK phái sinh Việt Nam và trao đổi kinh nghiệm phát triển TTCK phái sinh với các chuyên gia đến từ Đài Loan và Thái Lan. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh, ngân hàng thanh toán, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các diễn giả đến từ Sở GDCK phái sinh Đài Loan và Thái Lan.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội đánh giá, TTCK phái sinh vừa mới ra đời nhưng đã có những bước phát triển đáng kể, đúng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ. Sự vận động và thanh khoản của thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế. TTCK phái sinh đã phát huy tốt 3 vai trò của mình là phòng ngừa rủi ro, giữ chân các dòng tiền trên TTCK; là công cụ đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn và bình ổn, điều tiết thị trường cơ sở.
Ông Nguyễn Quang Thương, Vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho biết thêm, hoạt động giao dịch trên TTCK phái sinh diễn ra suôn sẻ, tăng trưởng tốt cả về quy mô và thanh khoản, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham dự, hoạt động công bố và cung cấp thông tin đạt hiệu quả tốt, minh bạch.

Chia sẻ về mối quan hệ giữa TTCK phái sinh và thị trường cơ sở, ông Thương cho rằng, TTCK phái sinh có tác động qua lại với thị trường cơ sở. Tại một số thời điểm, có thể có sự dịch chuyển vốn từ thị trường cổ phiếu sang TTCK phái sinh nhưng không có sự rút vốn khỏi TTCK. Nếu như trước đây chưa có TTCK phái sinh, vào những thời điểm TTCK giảm sâu, nhà đầu tư thường có xu hướng rút vốn ra khỏi TTCK thì hiện nay nhà đầu tư sẽ chuyển sang CKPS với hy vọng giá chứng khoán sẽ không giảm mãi và chờ đợi đến khi giá chứng khoán phục hồi.

Theo ông Thương về lý thuyết có thể có sự thao túng giá trên TTCK phái sinh để tác động ngược lại TTCK cơ sở tuy nhiên điều này không dễ để thực hiện và đến nay UBCKNN chưa phát hiện thấy trường hợp nào có biểu hiện thao túng giá CKPS.

Phát biểu tại hội nghị, ông Allen Lin, Phó Tổng Giám đốc điều hành của Sở Giao dịch hợp đồng tương lai Đài Loan và tiến sĩ Chakkaphan Tirasirichai, Giám đốc phòng phát triển sản phẩm, Sở Giao dịch Tương lai Thái Lan (TFEX) đều đánh giá TTCK phái sinh Việt Nam tuy chỉ mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã có sự tăng trưởng đáng chú ý. Đài Loan phải mất 6 năm (từ năm 1998 khai trương đến 2004) mới đạt được khối lượng hợp đồng giao dịch bằng mức của Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ về yếu tố thành công trong quá trình phát triển TTCK phái sinh Đài Loan, ông Allen Lin cho rằng yếu tố quan trọng nhất là cần có thị trường cơ sở phát triển, đồng thời phát triển nhiều kênh đầu tư, áp dụng cơ chế tạo lập thị trường, nắm bắt xu hướng giao dịch điện tử, nỗ lực trong công tác tuyên truyền đào tạo và giới thiệu sản phẩm trong nước và nước ngoài.

Tiến sĩ Chakkaphan Tirasirichai cho biết, tại Thái Lan, TTCK phái sinh và TTCK cơ sở có sự tác động qua lại rõ rệt. Theo thống kê của TFEX, khi thị trường cơ sở biến động mạnh mẽ thì khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh cũng tăng theo. Theo ông, thành viên, sản phẩm, hạ tầng công nghệ và tiêu chuẩn vận hành là các nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường.

Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng đến công tác đào tạo thành viên và nhà đầu tư, kết nối thành viên, phát triển đa dạng sản phẩm và quảng bá sản phẩm, sử dụng hệ thống giao dịch và thanh toán của các nhà cung cấp hàng đầu thế giới, xây dựng quy tắc giao dịch và thanh toán minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế.

Kể từ thời điểm TTCKPS chính thức mở cửa với HĐTL chỉ số VN30 đến nay, sau hơn 01 năm triển khai, hoạt động giao dịch đã diễn ra suôn sẻ, tăng trưởng tốt và ổn định. Cụ thể:

Khối lượng giao dịch bình quân một phiên tăng trưởng ấn tượng từ mức 10.954 hợp đồng/ngày vào cuối năm 2017 lên mức 62.979 hợp đồng/ngày trong năm 2018, gấp 5,75 lần so với năm 2017. Tính đến hết ngày 13/9/2018, tổng khối lượng giao dịch của thị trường đạt 12.064.748 hợp đồng, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong nước (chiếm 98,56%). 

Tính đến ngày 13/9/2018, khối lượng OI toàn thị trường đạt 15.366 hợp đồng, gấp 1,9 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và gấp 76 lần so với ngày đầu khai trương thị trường. Tháng 8/2018 cũng là tháng có khối lượng OI đạt kỷ lục 19.106 hợp đồng vào ngày 08/8/2018.

Tính đến ngày 13/9/2018, hệ thống giao dịch ghi nhận số lượng 44.663 tài khoản, trong đó số tài khoản đã có giao dịch là 14.867 tài khoản (chiếm 33%), số tài khoản NĐT cá nhân chiếm 99,76%. Sự tham gia của NĐT tổ chức trong nước nhỏ, chiếm khoảng 0,22% tổng số tài khoản, tương đương với 1,38% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong năm 2018, giao dịch của NĐT nước ngoài tăng đáng kể, đặc biệt kể từ thời điểm tháng 5/2018 khối lượng giao dịch của NĐT nước ngoài tăng mạnh, và đến ngày 13/9 đã đạt 30.971 hợp đồng gấp 13,34 lần tổng khối lượng giao dịch của NĐT nước ngoài năm 2017. Tổ chức nước ngoài bắt đầu tham gia giao dịch từ tháng 4/2018 với khối lượng giao dịch tính đến 13/9 đạt 11.049 hợp đồng.