Vẫn cần “bàn tay” của Nhà nước

PV

(Tài chính) Tình hình lạm phát 2 tháng đầu năm tăng thấp so với cùng kì nhiều năm trở lại đây, cho thấy cơ hội lạm phát có thể được kiểm soát cả năm. Đây là những tín hiệu khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên bỏ trần lãi suất huy động. Vậy đã đến lúc có thể bỏ trần lãi suất chưa?

Lãi suất giảm nhưng cầu tín dụng vân chưa tăng. Nguồn ảnh: internet
Lãi suất giảm nhưng cầu tín dụng vân chưa tăng. Nguồn ảnh: internet

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế và ngân hàng trên nhiều khía cạnh, góc độ để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan hơn.

Tình hình hiện nay, thanh khoản ngân hàng đã khá lên rất nhiều, hiện tượng cạnh tranh lãi suất khốc liệt giữa các ngân hàng như những năm 2010 - 2011 gần như đã không còn nữa, nhưng thị trường ngân hàng vẫn chưa thể gọi là ổn định, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đẩy lãi suất huy động lên khá cao (có thể tới 8-10%/năm) so với mặt bằng quy định là 7%/năm.

Hiện mức trần  lãi suất huy động đã giảm khá nhiều, mặt bằng chung đều giảm về mức trần hoặc dưới mức trần quy định. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay trung bình là  vẫn là 11- 13%/năm, có những khoản mục được cho vay với lãi suất thấp hơn nữa, nhưng không phải là doanh nghiệp, người đi vay nào cũng dễ dàng được cho vay với lãi suất ưu đãi đó. Thực tế, cộng các chi phí vào, mức lãi suất vẫn còn cao hơn mức lãi suất trung bình trên (một phần do các ngân hàng vẫn còn lượng dư huy động tiền gửi với mức lãi suất cao trước đây). Hiện, nhiều ngân hàng vẫn muốn huy động nguồn tiền dài hạn hơn để cho vay dài hơn với lãi suất cao nên đã đẩy lãi suất huy động dài hạn lên cao hơn so với mặt bằng chung, do vậy, nếu Nhà nước không duy trì quy định trần lãi suất thì không thể biết được tình trạng này sẽ đi đến đâu.

Những yếu tố bất ổn hiện đang tác động đến ngân hàng đó là câu chuyện về nợ xấu (cân đối tài sản nợ - tài sản có chưa tốt), câu chuyện về tái cấu trúc. Để tồn tại, một số ngân hàng phải đẩy lãi suất lên cao mới thu hút được khách hàng gửi tiền (ngoài một số ngân hàng như VCB, BIDV có mức lãi suất huy động ổn định, theo đúng mức trần quy định), các ngân hàng nhỏ hơn với đánh giá là mức độ rủi ro cao hơn, đương nhiên không thể cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng lớn, có sức khỏe hơn.

Có hiện tượng một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, thậm chí còn thấp hơn lãi suất trần huy động nữa, lý giải điều này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành ngân hàng cho biết: Lạm phát trong hai tháng vừa qua là thấp, thấp nhất trong nhiều năm qua, một số ngân hàng đã cho vay với lãi suất thấp ở một số hạng mục, do các ngân hàng đó có kế hoạch và quản lý hoạt động hiệu quả hơn, từ đó có thể giảm chi phí quản lý, giá thành vốn… nên có thể giảm lãi suất huy động, cho vay; đồng thời, với việc NHNN quyết liệt xử lý nợ xấu cũng là điều kiện để các ngân hàng tốt có thể triển khai cho vay với khách hàng tiềm năng ở mức lãi suất thấp hơn và độ thu hồi vốn cao hơn…

Một thực tế là, khách hàng nếu nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô thì thường gửi tiền vào các ngân hàng lớn, dù lãi suất có thấp hơn một chút nhưng độ tin tưởng  cao hơn. Nhưng với mức độ lạm phát như hiện nay, đa phần người dân tìm kiếm ngân hàng có mức lãi suất cao hơn để gửi tiền, đảm bảo đồng tiền của họ không bị mất giá. Đồng thời, người dân tin tưởng, Nhà nước đứng sau hệ thống ngân hàng, không thể để ngân hàng nào sụp đổ, nếu ngân hàng yếu kém có thể sáp nhập vào ngân hàng khác (như một số ngân hàng đã sáp nhập trong thời gian qua), nhưng đồng tiền của người gửi luôn được đảm bảo… Đây chính là cơ sở để các ngân hàng nhỏ có thể tăng lãi suất huy động, hút khách. Lúc này, nếu bỏ trần lãi suất hiện tượng cạnh tranh sẽ càng khó quản lý, vốn từ ngân hàng này sẽ chảy sang ngân hàng khác, khách gửi tiền từ ngân hàng này sẽ chạy sang ngân hàng khác và mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là giảm 1% đến 2% lãi suất trong năm nay sẽ không thực hiện được.

Hai tháng vừa qua, theo thông báo của NHNN thì tín dụng toàn ngành hiện đang âm khoảng 1,66% so với cuối năm 2013, đây cũng thể hiện tính chu kỳ của nền kinh tế, thông thường, vào quý I các doanh nghiệp ít đi vay mượn, mặt khác sức cầu tín dụng của doanh nghiệp cũng còn yếu, chỉ số PMI dù vẫn trên 50 điểm nhưng rõ ràng là vẫn thấp so với thời kỳ  trước đó (52,4 điểm), sức cầu tiêu dùng, dịch vụ, bán lẻ hai tháng qua có tăng một chút nhưng vẫn ở mức thấp so với các năm trước (chỉ số PMI dùng để đo lường mức độ hoạt động mua sắm trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số này vượt quá 50 là dấu hiệu cho thấy một lĩnh vực trong nền kinh tế được mở rộng. Chỉ số này tăng lên sẽ làm cho đồng tiền quốc gia mạnh lên. Để đưa ra chỉ số này các nhà quản lý đã nghiên cứu rất nhiều chỉ tiêu: việc làm, sản lượng, các đơn hàng mới, các nhà cung cấp, lượng hàng hóa dự trữ. Các nhà thương mại thường rất chú ý đến chỉ số này vì nó ảnh hưởng lớn đến các công ty của họ. Đây là chỉ tiêu có thể chỉ ra sự thay đổi một lĩnh vực trong toàn bộ nền kinh tế). Với mức tín dụng âm như vậy, các ngân hàng sẽ có các cách xử lý khác nhau, có ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để cải thiện cầu tín dụng tăng lên, ngược lại, có ngân hàng lại dùng biện pháp tăng lãi suất để thu hút tiền gửi dài hạn, nhằm vào chu kỳ cho vay vốn sau… Đây là thủ thuật và là cách hạch toán riêng của các các ngân hàng, dựa vào cán cân thanh toán tín dụng của họ. Nhà nước chỉ có thể điều chỉnh hoạt động ngân hàng thông qua quy định trần lãi suất và các quy định xử lý nợ xấu, cơ cấu ngân hàng…

Theo các chuyên gia, chỉ có thể bỏ trần lãi suất khi hệ thống ngân hàng hoàn toàn khỏe mạnh, không có hiện tượng các ngân hàng tranh dành nguồn vốn, tranh dành khách vay và đẩy lãi suất huy động (ngầm) lên vô lối như hiện nay. Điều này chỉ có thể đạt được khi chùng ta có thể tiến hành hoàn tất việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Hiện tại, theo thống kê, số ngân hàng yếu kém, cần cơ cấu giải thể hoặc sáp nhập vẫn còn nhiều.
Hiện, chưa thể vội vàng bỏ trần lãi suất, phải chờ thêm một thời gian nữa, để cho tình hình chín muồi thêm: sức khỏe ngân hàng, tình hình tín dụng cũng như cân đối nợ - có của ngân hàng khả dĩ hơn…, câu chuyện tái cấu trúc, xử lý nợ xấu khối ngân hàng có hồi kết,… cánh tay quản lý của Nhà nước dài hơn, vững vàng hơn… mới mong có thể bỏ trần lãi suất.

Một vấn đề kéo cánh nữa là, Chính phủ phải có các biện pháp tổng hợp để ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, để đồng tiền không mất giá, giá cả hàng hóa dần được quản lý bình ổn (đặc biệt là giá bất động sản, vàng, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu)… khi người dân có niềm tin vào sự an toàn của đồng tiền, các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản suất, lúc đó, lãi suất mới có thể hạ thấp (như một số nước hiện nay, lãi suất có nơi, có lúc chỉ bằng 1/2 tới 1/3 so với nước ta), khi đó, Nhà nước không cần phải quy định trần lãi suất nữa, tự các ngân hàng cũng phải điều chỉnh lãi suất của mình phù hợp với điều kiện và sự phát triển của nền kinh tế.