Vận tải biển: “Thoi thóp” dưới đáy thị trường

Sơn Long - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Cổ phiếu vận tải biển vẫn đang thoi thóp ở dưới đáy thị trường khi chìm ngập trong thua lỗ và nợ nần. Trong khi những nhóm cổ phiếu khác tăng mạnh, nhà đầu tư (NĐT) vẫn dửng dưng không thèm quan tâm đến nhóm cổ phiếu rẻ mạt này. Đôi khi vẫn có những NĐT “chơi liều” mua đại những cổ phiếu thua lỗ của ngành khác nhưng họ vẫn không quan tâm đến ngành vận tải biển.

Vận tải biển: “Thoi thóp” dưới đáy thị trường
Gánh nặng nợ vay, thua lỗ, nợ nần kéo dài đang khiến nhiều DN vận tải biển kiệt sức. Nguồn: internet

Có thể nói, ngành vận tải biển vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Điều đó khiến NĐT bỏ quên nhóm cổ phiếu này và ít muốn mua bán. Có thời điểm, doanh nghiệp vận tải biển đều phải bán tàu trả nợ, nhằm xoay xở với tình trạng thua lỗ.

Vận đen kéo dài

Nguyên nhân khiến cho ngành vận tải biển trở nên kém cỏi trong suốt nhiều năm qua là kinh tế khó khăn, làm ăn bị thua lỗ và nợ nần chồng chất. Có hơn 50% cổ phiếu ngành vận tải biển đang niêm yết trên sàn có giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng, nên mức dịch chuyển cao nhất là 100 đồng thành kịch trần và tương ứng là giảm sàn. Điều này giống như bi kịch là sống không được mà chết cũng chẳng xong. Giờ đây, chẳng có nhà đầu tư nào quan tâm đến cổ phiếu này.

Tính đến 27/7, trong số 10 công ty vận tải thủy công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014, có đến 4 công ty lỗ, 1 công ty vừa thoát lỗ và 2 công ty giảm lãi so với cùng kỳ. Đa phần các doanh nghiệp (DN) vận tải thủy niêm yết hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, Bắc Á, một số khác hoạt động nội địa và gần biển với đặc thù ngành như xi măng, xăng dầu hay vận chuyển hành khách.

Các công ty triền miên ngập chìm trong thua lỗ gồm có Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (VOS), Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), Công ty CP Vận tải Biển Vinaship (VNA) với số lỗ trong 6 tháng đầu năm lần lượt là 87 tỷ, 81 tỷ và 25 tỷ đồng.

Đặc biệt, các công ty này đều lỗ liên tiếp trong 2 năm trước 2012, 2013 và lợi nhuận chưa phân phối đến cuối quý II/2014 âm lần lượt 305 tỷ, 382 tỷ và 95 tỷ đồng. Nếu cả năm 2014, các công ty này tiếp tục thua lỗ thì khả năng rời sàn do 3 năm lỗ liên tiếp là rất cao.

Trong đó, VOS vẫn có lãi gộp 56 tỷ đồng nhưng với chi phí tài chính 119 tỷ (lãi vay 86 tỷ) đã san bằng mọi kết quả và khiến công ty lỗ trầm trọng. Số dư vay nợ ngắn hạn và dài hạn của VOS ở mức 135 tỷ và 2,830 tỷ đồng.

Hiện công ty mới thông báo bán đấu giá tàu Silver Star với giá khởi điểm 5,5 triệu USD. Còn VNA lợi nhuận gộp 17 tỷ của VNA cũng không thấm vào đâu so với 24 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Chìm sâu dưới đáy

Cổ phiếu VST lỗ gộp hơn 38 tỷ, nâng lỗ 6 tháng đầu năm lên 81 tỷ đồng, “đạt” 46% kế hoạch thua lỗ (179 tỷ đồng). VST dự kiến bán 2 tàu Viễn Đông 3 và V.T.C Sky (tàu Viễn đông 3 từ lúc đưa vào hoạt động thì liên tục thua lỗ, mỗi năm lỗ 7,8 tỷ đồng, còn V.T.C Sky mỗi năm lỗ 9,5 tỷ đồng), trong khi công ty đã bán tàu V.T.C Light từ tháng 8/2013.

VFR đã bán tàu Vietfracht 2 (trên 20 tuổi) từ giữa năm 2013 và “đang lên kế hoạch bán tàu VF Glory nhưng chưa thực hiện được vì thị trường mua bán tàu biển rất trầm lắng”, công ty cho biết. Trong 6 tháng đầu năm 2014, công ty mẹ VFR cũng lỗ 10 tỷ đồng.

Các công ty khác như Công ty CP Vận tải Biển Hải Âu (SSG) khá hơn tí nhờ lợi nhuận khác, nhưng hoạt động thuần kinh doanh lỗ do chi phí tài chính chiếm đến 8,7 tỷ đồng.

Còn HTV và PVT mặc dù có sự hỗ trợ của Tập đoàn mẹ là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhưng lợi nhuận vẫn giảm 50% và 27% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động ngành xây dựng và xăng dầu bị chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế.

Ngoài ra, giải trình về việc sụt giảm lợi nhuận, PVT cho biết thêm do tàu dầu thô sửa chữa định kỳ theo như kế hoạch từ tháng 3 - 5/2014 trong khi khách hàng lớn nhất của công ty cũng dừng hoạt động để sửa chữa bảo dưỡng theo định kỳ 2 tháng.

Các DN vận tải thủy vẫn chưa cải thiện được vấn đề nợ và khả năng thanh toán còn kéo dài từ cuối năm trước khi tài sản ngắn hạn vượt mặt nợ ngắn hạn.

Chênh lệch tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn của các DN này đang tăng lên mức cao VNA 227 tỷ, của VST 178 tỷ đồng. Theo đó, khả năng thanh toán nhanh và thanh toán tiền mặt của các DN này cũng đang ở mức đáng báo động.

Đặc điểm chung của ngành vận tải thủy là vay tiền để đóng/mua tàu và khoản vay thường chiếm đến 70% giá trị tàu nhưng do kinh doanh bê bết, lợi nhuận không đủ trả lãi vay nên khả năng thanh toán bị ảnh hưởng trầm trọng.

Đặc biệt với SSG, VNA và VST, các hệ số này đều dưới mức 0,5, tức các khoản có thể đổi ra tiền trong ngắn hạn không thấm vào đâu so với nợ ngắn hạn. Trong đó, nợ ngắn hạn của SSG chiếm đến 55% tổng nguồn vốn với 93 tỷ đồng trong khi tài sản có thể chuyển qua tiền tương ứng chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán dù đang được đánh giá tốt lên theo xu hướng tăng, nhưng cổ phiếu ngành vận tải biển chưa khắc đã có chuyển biến. Bởi lẽ gánh nặng nợ vay, thua lỗ, nợ nần kéo dài đang khiến nhiều DN kiệt sức.

Mọi thứ như đang chìm dưới “đáy” đại dương chưa biết khi nào mới ngoi lên mặt nước.