Vàng miếng bị “siết”, chuyển sang vàng nhẫn

Theo Báo Thanh Niên

Nhiều người dân chưa biết quy định, nhiều tiệm vàng vẫn lén mua bán dù không có giấy phép... đó là tình trạng khá phổ biến vào hôm qua, ngày đầu thực hiện quy định mua bán vàng miếng ở những điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

Vàng miếng bị “siết”, chuyển sang vàng nhẫn
Các ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ mua bán, giữ hộ vàng

Lộn xộn

Tại tiệm vàng K.N (Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), ở bảng điện tử thông báo giá vàng bên ngoài, cột giá mua bán vàng miếng SJC không thể hiện con số nào nhưng bảng điện phía trong của tiệm thì đưa ra giá 46,1 - 46,3 triệu đồng/lượng SJC. Dù không có bóng dáng một miếng vàng nào nhưng trên quầy kệ của tiệm vàng này trưng bày khá nhiều loại nữ trang như vòng vàng, dây chuyền, nhẫn... Khi chúng tôi đặt yêu cầu mua vàng miếng, chị bán hàng đưa ra giá 46,3 triệu đồng/lượng. Tương tự, các cửa hàng tại khu vực chợ Gò Vấp, chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Bến Thành (Q.1)..., các bảng giá của tiệm vàng đưa giá vàng nhẫn và vàng 4 số 9 thay vì vàng SJC như mọi khi.

Ghé vào một tiệm vàng ở khu vực chợ Bến Thành (Q.1), chúng tôi đưa ra yêu cầu muốn bán 1 miếng vàng thương hiệu AAA và mua 1 chỉ vàng miếng SJC. Nhân viên báo giá: “Tôi mua lại vàng miếng AAA với giá 4 triệu đồng/chỉ, còn giá bán vàng miếng SJC là 4,62 triệu đồng/chỉ”. Giải thích về sự chênh lệch giá giữa 2 thương hiệu, nhân viên này cho hay: “Vàng này rủi ro lắm vì không bán ra được, chỉ có cách nấu ra làm vàng trang sức thôi nên mới mua với giá bằng giá nguyên liệu”. Mang 2 chỉ vàng thương hiệu Phượng Hoàng PNJ - DongABank đến một tiệm vàng sau chợ Bến Thành với yêu cầu được đổi sang vàng miếng SJC, nhân viên ở đây yêu cầu, cứ 1 chỉ bù thêm 50.000 đồng. Những tiệm vàng này đều không có giấy phép mua bán vàng miếng nhưng vẫn thực hiện các giao dịch và ép giá người mua bán.

Tại Hà Nội, một loạt tiệm vàng trên phố Hà Trung, Hàng Bạc không khí giao dịch diễn ra trầm lắng. Chị Xuân, chủ cửa hàng trên phố Hàng Bạc, cho biết cửa hàng đã ngừng mua bán vàng miếng từ trước đó nhiều ngày, chỉ mua bán vàng trang sức. “Nếu em có vàng trang sức 999, 9999, chị nhận mua với giá khoảng 4,1 triệu đồng/chỉ, chứ vàng miếng SJC hay phi SJC thì bên chị không mua”, chị Xuân nói. Khi được hỏi nguyên nhân, ngoài quy định cấm mua bán của nhà nước, bà chủ thẳng thắn: “Hiện nay các cửa hàng nhỏ, lẻ có muốn mua cũng không có lãi, vì việc bán lại không dễ. Ngay giá cả cũng không biết thế nào vì nghe nói nhà nước sẽ áp đặt chứ không có sốt nóng theo thị trường”.

Đối với 38 đơn vị được cấp giấy phép mua bán vàng miếng, hầu hết treo băng rôn ở những điểm giao dịch của mình.

Giá biến động bất thường

Giá vàng miếng trong ngày đầu thực hiện quy định trên cũng lộn xộn và phức tạp. Đầu ngày, giá vàng miếng SJC ở mức 46,05 - 46,35 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm tới 480.000 đồng/lượng, còn 45,7 - 45,95 triệu đồng/lượng vào lúc 13 giờ 30 dù giá vàng thế giới chỉ giảm khoảng 75.000 đồng/lượng. Chỉ 30 phút sau, giá vàng lại bật tăng lên 45,9 - 46,15 triệu đồng/lượng SJC. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, cho rằng biến động này chủ yếu theo tâm lý nên giá cũng thay đổi khó lường. So với những ngày trước, lượng vàng mua bán trong ngày không nhiều, hầu hết là giao dịch của người dân. Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank), Chủ tịch Tập đoàn Doji - cho biết: “Thị trường vàng bị tác động tâm lý trong ngày đầu tiên thực hiện NĐ24 nên nhiều người tại Hà Nội mang vàng ra bán. Mặc dù mạng lưới bán vàng trên thị trường có thu hẹp lại hơn so với trước đây nhưng tôi tin rằng vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các đơn vị được cấp giấy phép hội đủ các điều kiện như đóng thuế, vốn lớn nên khi giao dịch với những điểm này, người tiêu dùng được xuất hóa đơn chứng từ”.

Trả lời vấn đề liệu rằng thị trường vàng nhẫn sẽ thay thế vàng miếng hay không, ông Đỗ Minh Phú cho rằng: “Nhu cầu mua vàng nhẫn thời gian gần đây đúng là cao hơn so với những ngày trước đó nhưng theo tôi là do gần lễ tết chứ việc mua vàng nhẫn không trở thành một xu hướng có thể thay thế vàng miếng. Dù Doji là một trong 3 đơn vị có sản phẩm vàng nhẫn ép vỉ nhưng khi đưa ra sản phẩm này vào năm 2010 (trước khi NĐ24 ra đời), chúng tôi cũng không nghĩ người dân sẽ dùng vàng nhẫn đầu cơ bởi vàng miếng chiếm 90% giao dịch nên vàng miếng có tính thanh khoản cao hơn”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh - cho biết: “Từ đầu tuần đến nay, chúng tôi đã đi kiểm tra về khâu tổ chức các điểm mua bán vàng được cấp giấy phép. Chúng tôi cũng biết trên thị trường hiện nay, còn nhiều tiệm vàng không tuân thủ quy định. NHNN sẽ làm việc với cơ quan công an, quản lý thị trường để xử lý sai phạm. Theo quy định, người dân mua bán vàng không đúng điểm quy định sẽ phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng; còn đối với những điểm mua bán vàng mà không có giấy phép nhưng vẫn mua bán thì phạt từ 300 - 500 triệu đồng. Ngoài ra, còn tịch thu tang vật là số vàng, tiền đồng... Các đơn vị có giấy phép mua bán vàng miếng cần photo giấy phép dán ở những điểm giao dịch để người dân được biết. Cả nước có 2.497 điểm được phép mua bán vàng miếng, trong đó TP.Hồ Chí Minh có khoảng 900 điểm. Riêng đối với vàng nhẫn là vàng nữ trang nên không bị chi phối bởi quy định này”.