Vàng trang sức: Cơ hội chuyển mình

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Đã có nhiều doanh nghiệp (DN) gửi đơn lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin được nhập nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Các DN này đưa ra quan điểm, nếu cứ tiếp tục tình trạng mua vàng nguyên liệu trôi nổi như hiện nay thì nhà nước sẽ không quản lý được trình trạng ngoại hối, ảnh hưởng đến tỷ giá.

Vàng trang sức: Cơ hội chuyển mình
Nhiều doanh nghiệp gửi đơn lên Ngân hàng Nhà nước xin được nhập nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Nguồn: internet

Đứng giữa ngã ba đường

Mục tiêu kiểm soát, điều tiết thị trường vàng... của NHNN ai cũng đã rõ. NHNN với vai trò là người mua bán cuối cùng sẽ kiến tạo lại thị trường vàng, từ việc bình ổn thị trường là mục tiêu đầu tiên và mục tiêu cuối cùng là chống vàng hóa. Nhưng qua hàng chục đợt đấu giá, nhu cầu mua vàng từ phía DN và tổ chức tín dụng thiết lập mối quan hệ mua bán với NHNN vẫn không giảm trong khi giao dịch vàng trên thị trường vẫn trầm lắng.

Theo phản ánh của nhiều DN, thời gian gần đây nhu cầu mua vàng của người dân không lớn. Nhiều trường hợp đã được đặt ra: Vàng đấu thầu đang chảy đi đâu? Liệu có phải các ngân hàng chưa tất toán xong trạng thái, hay người dân e ngại kinh tế vẫn chưa ổn định nên vẫn tích trữ vàng?

Hơn nữa số vàng bán ra qua các đợt đấu thầu đã không ít, nhưng giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn chênh lệch lớn. Dù đã có thời điểm, khoảng cách giá vàng xuống 2 triệu đồng/ lượng, nhưng đến ngày 7-9, khoảng cách vàng lại chênh lệch lại lên 3,3 triệu đồng/lượng. Điều đó nói lên mục tiêu ổn định thị trường vàng chưa thực hiện được.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận, "với biện pháp đấu thầu vàng miếng để bình ổn thị trường vàng, NHNN hiện nay dường như đang rất băn khoăn. Nếu không cung ứng qua đấu thầu nữa cũng không được, mà tiếp tục cung qua đấu thầu nữa thì tỷ lệ vàng hóa trong dân ngày càng nghiêm trọng”.

"Thời gian qua một số thời điểm chênh lệch giá vàng về 2 triệu đồng /lượng nguyên nhân là do giá thế giới giảm, chứ không phải do tác động chính sách quản lý vàng của ngân hàng nhà nước. Giá vàng trong nước vẫn bị găm ở một mức nhất định. Giống như lạm phát, hiện nay không chống cũng giảm vì sức mua của người dân cạn kiệt”, ông Bảng so sánh.

Cơ hội để vàng trang sức, trở mình!

Ông Đinh Nho Bảng nói, trung bình mỗi năm cả nước cần một tổng lượng vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và vàng nữ trang là 100 tấn. Trong đó, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức chiếm 20-30% tương đương 20 – 30 tấn vàng. Trong chủ trương của Chính phủ là thu hẹp sản xuất vàng miếng, khép dần cửa với vàng miếng thì đồng nghĩa với việc tạo ra cơ hội cho vàng trang sức.

Song trên thực tế, trong Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý và kinh doanh vàng lại chứa mâu thuẫn. Đó là NHNN độc quyền kinh doanh sản xuất vàng miếng. Tức là, không cho các doanh nghiệp sản xuất chế tác vàng trang sức nhập khẩu vàng nguyên liệu. Các DN chế tác phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Điều này kéo theo nhiều điều bất lợi.

Ông Bảng phân tích, cái hại thứ nhất là không ổn định nguồn nguyên liệu. Sau đó, DN không tính toán hiệu quả vì giá vàng trôi nổi, qua kênh không chính thống thường cao hơn rất nhiều so với giá vàng quốc tế. Ngoài ra, còn có thêm rủi ro vàng thật, vàng giả, tạo cơ hội cho vàng lậu hoành hành. Từ đây, cơ quan quản lý, cụ thể là NHNN sẽ rất khó khăn trong quản lý thị trường, quản lý ngoại hối.

"Đây là thời điểm hợp lý để chuyển đổi, phát triển các DN chế tác vàng nữ trang. Nếu không hi sinh cái nhỏ để bảo vệ mục tiêu lớn là ngành nữ trang thì sẽ biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ vàng nước ngoài, kể cả vàng nguyên liệu lẫn vàng trang sức.

Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho DN kinh doanh vàng trang sức tự nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất. Tình trạng "chảy máu” ngoại tệ sẽ được hạn chế phần nào trong khi đó điều có lợi nhất là DN tự đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu kinh doanh cho chính mình, giúp DN chuyển đổi từ sản xuất vàng miếng sang chế tác vàng trang sức, từng bước đưa ngành hàng vàng trang sức hội nhập thế giới.

Ông Cao Xuân Lãnh, Phó Tổng giám đốc SJC đã đề xuất quan điểm: phát triển thị trường vàng trang sức theo định hướng khách hàng; đồng bộ, toàn diện và dựa trên nội lực là chính. Ông Lãnh cho rằng nhu cầu về vàng, nữ trang vàng là nhu cầu thực tế, vì vậy cần có chính sách kinh tế phù hợp để điều chỉnh, phát triển.

Ông Lãnh cũng hy vọng nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ phục vụ cho quy hoạch, xây dựng ngành công nghiệp trang sức Việt Nam.