Vàng trang sức đang thế chỗ vàng miếng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Sự tăng trưởng của thị trường nữ trang, thêm một thực tế chứng minh, chủ trương siết lại hoạt động kinh doanh vàng miếng đang tạo lập cho thị trường vàng chuyển sang sản phẩm thuần túy có tính sử dụng của hàng hóa, chứ không phải là thước đo giá trị cho hàng hóa như những năm trước đây.

Vàng trang sức đang thế chỗ vàng miếng
Chủ trương siết lại hoạt động kinh doanh vàng miếng đang tạo lập cho thị trường vàng chuyển sang sản phẩm thuần túy có tính sử dụng của hàng hóa. Nguồn: internet
Ông Cao Xuân Lãnh, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, doanh thu từ hoạt động kinh doanh nữ trang bằng vàng của SJC từ sau khi Nghị định 24, tính đến cuối năm 2013 tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi các quy định mới về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ đầu năm 2012.

Nhớ lại trước thời điểm Nghị định 24 (NĐ 24) có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã bỏ bê phát triển kinh doanh vàng nữ trang để kiếm lợi nhuận ngắn hạn từ chênh lệch giá trên thị trường vàng miếng, doanh thu kinh doanh vàng miếng chiếm 80%-90% trong tổng doanh số hàng năm. Thế nhưng sau khi có quy định tiêu chuẩn cho hộ kinh doanh vàng miếng theo NĐ 24 đã buộc các doanh nghiệp vàng chuyển hướng sang phát triển nữ trang.

Nhà nước, bằng NĐ 24 và các văn bản pháp luật hướng dẫn, đã hướng thị trường vàng về phát triển ngành công nghiệp nữ trang để xuất khẩu sản phẩm trang sức bằng vàng, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế thay vì đầu cơ giá vàng miếng kiếm lời, gây bất ổn giá cả hàng hóa khác..., đã có những bước đi ban đầu.

NĐ 24 như một phép thử bản lĩnh các doanh nghiệp kinh doanh vàng, từ hơn 12.000 đầu mối nay xuống còn 40 đầu mối được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Ngay lập tức các công ty vàng chuyển sang đầu tư mặt bằng để bán nữ trang vàng, tạo nguồn thu khi hoạt động kinh doanh vàng miếng hết thời. Gần hai năm qua, các tiệm vàng trên cả nước không những không giảm mà còn tăng lên, cho thấy các doanh nhân này, chắc có lẽ, làm ăn hiệu quả nên mới tiếp tục duy trì mặt bằng và đầu tư quầy kệ để kinh doanh.

Đơn cử, để duy trì một đầu mối kinh doanh trang sức bằng vàng, chi phí vận hành ở trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải khoảng 200 triệu đồng/tháng, chưa kể vốn điều lệ và vốn lưu động tối thiểu khoảng 20-30 tỷ đồng một cửa hàng. Với chi phí này, nếu kinh doanh không hiệu quả, chắc chắn hàng loạt tiệm vàng sẽ thu dọn cửa hàng để tìm kiếm ngành nghề khác đầu tư.

Chưa hết, báo cáo tài chính trong các đại hội cổ đông của các công ty kinh doanh vàng từ năm 2012 đến nay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh nữ trang qua các năm có mức tăng trưởng từ 20-30%. Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu, Doji… gần đây tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu là một nhà sản xuất nữ trang như một sự khẳng định vàng trang sức đang có đất sống rất tốt.

Thực tế giới kinh doanh vàng luôn sẵn sàng thích ứng với thị trường. Khi giá vàng tăng nhanh thì sản phẩm nữ trang được đúc rỗng ruột để giảm bớt chi phí giá thành cho người tiêu dùng. Điển hình như thị trường nữ trang TP. Hồ Chí Minh sản phẩm nữ trang bán chạy nhất thuộc về loại vàng hai số 9, sản phẩm nữ trang vàng 99,99 gần như một hình thức cất giữ tài sản chứ không có giá trị sử dụng như một loại trang sức.

“Với tập quán giữ vàng của người dân Việt Nam, đặc biệt mẫu mã vàng trang sức như SJC đang được người dân cất giữ với số lượng lên đến hàng ngàn món qua nhiều năm tích tụ lại. Thêm vào đó, nguyên liệu vàng cho chế tác nữ trang ngày càng phong phú, vàng nữ trang Việt Nam đang có một tương lai phát triển rất nhanh sau khi NĐ 24 hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển trang sức vàng. Có thể nói tình hình kinh doanh nữ trang thời gian qua rất tốt chứ không xấu như những đánh giá ngoài xã hội” – ông Cao Xuân Lãnh khẳng định.

Điển hình như SJC, một nhà sản xuất kinh doanh vàng lớn nhất trên thị trường, doanh số kinh doanh mặt hàng nữ trang vàng của công ty 9 tháng đầu năm 2013 đạt 650 tỷ đồng, bằng 214% so với cùng kỳ năm 2012, chưa tính mùa kinh doanh trang sức vàng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014. Điều đó cho thấy thị trường vàng nữ trang đang có tăng trưởng tạo ra các lợi ích về lao động, “xuất khẩu” trí tuệ thợ kim hoàn tái tạo ngoại tệ, không tiêu hao ngoại tệ do nhu cầu “ảo” vàng miếng.

Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty vàng cho rằng, để thị trường nữ trang tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho nền kinh tế, cần có những cơ chế thuế quan thông thoáng hơn trong việc xuất nhập khẩu nữ trang. Song song với đó hướng đến tạo niềm tin chất lượng vàng nữ trang thống nhất trên phạm vi ngày càng mở rộng để người mua không phải tìm về đúng nơi mua để bán khi cần thiết.

Sự tăng trưởng của thị trường nữ trang, thêm một thực tế chứng minh, chủ trương siết lại hoạt động kinh doanh vàng miếng đang tạo lập cho thị trường vàng chuyển sang sản phẩm thuần túy có tính sử dụng của hàng hóa, chứ không phải là thước đo giá trị cho hàng hóa như những năm trước đây.