Vào cuộc tạo hàng cho thị trường chứng khoán

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Ngày 26/3/2014, Hội nghị “Doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết 2014” tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh sẽ được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức.

Vào cuộc tạo hàng cho thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước đó, vào tháng 11/2013, một hội thảo như vậy đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp đại chúng. Mục đích chính của Hội thảo, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là tạo ra một diễn đàn mở, giúp các doanh nghiệp đại chúng nắm rõ quy định pháp lý, từ đó tuân thủ tốt nghĩa vụ công bố thông tin và sẵn sàng đưa cổ phiếu lên sàn.

Văn bản pháp lý quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đại chúng cần hiểu rõ và tuân thủ là Nghị định 108/2013/NĐ-CP. Theo đó, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, chế tài dành cho doanh nghiệp đã chào bán chứng khoán ra công chúng, nhưng không lên sàn sau 1 năm, có sự tăng nặng hơn nhiều.

Ngoài khoản phạt tiền 100 - 150 triệu đồng, Nghị định còn quy định rõ: “Các cá nhân, tổ chức vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư”.

Quy định này đồng nghĩa với việc trao cho nhà đầu tư một quyền lực, đó là quyền yêu cầu doanh nghiệp phải trả lại tiền, nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch.

Vậy tại sao phải tăng chế tài với các doanh nghiệp đại chúng chậm lên sàn? Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mục tiêu tối thượng của thị trường chứng khoán là thúc đẩy sự minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư đại chúng. doanh nghiệp chậm lên sàn, đồng nghĩa với việc có thể né tránh nghĩa vụ công bố thông tin, tránh sự giám sát của nhà quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy các doanh nghiệp đại chúng thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, lên sàn, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công tác quản trị, quảng bá hình ảnh và tiếp cận một kênh huy động vốn dài hạn qua thị trường chứng khoán.

Năm 2013, chương trình chấm điểm quản trị công ty đã được HNX khởi xướng thực hiện, chấm điểm tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Những doanh nghiệp làm tốt công tác này được chọn lựa và vinh danh, còn những doanh nghiệp chưa làm tốt cũng có điều kiện tự nhìn lại mình, để điều chỉnh. Năm 2014, chương trình này đang trong giai đoạn khởi động, dự kiến các chuyên gia sẽ làm việc liên tục, để HNX có thể công bố kết quả vào tháng 9 tới.

Với hơn 800 doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên HNX, HOSE, UPCoM, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chưa đến 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương 55 tỷ USD, một con số còn rất nhỏ, nếu so với các thị trường chứng khoán lân cận như Thái Lan (500 tỷ USD); Indonesia (450 tỷ USD), Phillipines (200 tỷ USD)…

Mục tiêu thu hút các doanh nghiệp đại chúng lên sàn để tăng sự lựa chọn cho nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, là một nhiệm vụ lớn ngành chứng khoán đặt ra năm 2014. Nỗ lực tạo hàng, vì thế, là một câu chuyện của toàn ngành, nhưng để thực hiện được, trước hết cần sự ý thức và sẵn sàng của các doanh nghiệp đại chúng.