Vay tiêu dùng:“Liệu cơm gắp mắm”!


Dịch vụ vay tiêu dùng phát triển nhằm hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải. Dịch vụ này cho phép người vay có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro về sau, người tiêu dùng cần cân nhắc, xác định trước khả năng trả nợ rồi mới đặt bút ký kết hợp đồng vay tiêu dùng.

Định rõ mục tiêu và khả năng trả nợ…

Anh Lê Tuấn Phong cư trú tại đường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia cảnh khó khăn, bấy lâu nay cuộc sống cả nhà anh chỉ trông chờ vào chiếc xe máy duy nhất mà anh đang sử dụng để hàng ngày chạy “xe ôm”, rau cháo qua ngày và đủ tiền tiền đóng học cho con. Mới đây, cậu con trai anh đã tốt nghiệp đại học, cần thiết phải có một chiếc xe riêng để đi làm. Không còn cách nào khác, anh phải vay vốn tín chấp của một công ty tài chính để mua xe máy theo hình thức trả góp. Theo hình thức đó, mỗi tháng con trai anh chỉ phải trích khoảng 1,5 triệu đồng từ tiền lương để trả nợ ngân hàng. Sau hơn 1 năm trả góp, giờ đây gia đình anh Phong đã trả xong nợ và thanh lý hợp đồng vay. Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng xác định được mục tiêu một cách rõ ràng và thực hiện mục tiêu đặt ra như gia đình anh Phong, đã không ít trường hợp, người vay đã không thể trả nợ.

“Liệu cơm gắp mắm, có như vậy người vay mới không bị vướng vào kiện tụng”, nhận định điều này, Luật gia Việt Thu đưa ra lời khuyên: Khi vay tiêu dùng, khách hàng cần phải xem xét kỹ các điều khoản quy định trong hợp đồng, đặc biệt là về mức thanh toán, thời gian trả nợ cũng như tỷ lệ bị phạt, nếu vi phạm. Theo bà Thu, chuyện phạt nặng khi khách vi phạm hợp đồng trong thực tế vẫn thường xảy ra, do người vay cố tình không trả nợ; hoặc một số người chỉ trả góp đúng đủ số tiền mà mình vay, sau đó bỏ trốn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng: Khách hàng cần phải hiểu loại hình vay tiêu dùng của mình là gì? Thuộc diện khách hàng chuẩn hay dưới chuẩn? Khoản vay của mình là tín chấp hay thế chấp và vay để làm gì? Có như vậy mới có thể xác định đúng mục đích và nắm rõ trách nhiệm của mình và tránh những rủi ro không đáng có.

Để không phải ra tòa

“Người vay cần phải có ý thức và tôn trọng các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng”, đưa ra lời khuyên, đại diện Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh so sánh: Vay tiêu dùng có thế chấp tài sản hoặc không thế chấp tài sản (tín chấp) giống như hình thức bảo an cho người dùng. Tổ chức cho vay cũng đã lường trước được những rủi ro trong thanh toán, vì vậy, mức lãi suất mà các công ty tài chính đưa ra thường cao hơn mức lãi suất cho vay thông thường. Đó cũng là vấn đề mà khách hàng cần phải lưu ý khi thực hiện hợp đồng vay. Quan trọng hơn, khách hàng phải có trách nhiệm với khoản vay, vì nếu thanh toán trễ hạn chắc chắn sẽ bị phạt; thậm chí, còn bị kiện đưa ra tòa và có thể bị phạt tù, nếu cố tình chây ì, không thanh toán. Nếu không tự nguyện trả nợ theo hợp đồng thì buộc phải ra tòa, và khi đã thành án, thì sẽ phải cưỡng chế và bắt buộc. Khi đó, không chỉ tài sản bảo đảm mà tất cả các nguồn thu khác, tài sản khác của khách hàng cũng bị xử lý. Trong một số trường hợp, có thể bị cơ quan chức năng khởi tố theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nếu ngay từ ban đầu có ý định vay bằng mọi cách rồi không chịu trả nợ.

Vốn vay tiêu dùng được xem như là “chiếc phao” đắc lực cho những người chưa đủ khả năng tài chính để tiêu dùng như ý. Vậy nhưng, trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào, khách hàng cũng cần phải tìm hiểu kỹ càng, xem xét thu nhập và chỉ nộp đơn yêu cầu vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán. “Xin - cho, vay - trả” là quy luật muôn đời, chính vì vậy, giới luật sư đưa ra lời khuyên rằng: Người tiêu dùng được vay vốn hãy làm đúng trách nhiệm, nếu không muốn bị khiếu nại, khiếu kiện./.