Về bản “Báo cáo Việt Nam” của EIU

TS. Phan Minh Ngọc (Theo NĐBND)

Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh mới đây đưa ra bản báo cáo về Việt Nam, đáng chú ý nhất trong đó là dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 0,3% năm 2009 này. Dự báo này đã gây dư luận ở Việt Nam, từ Chính phủ đến giới chuyên gia và người dân, kể cả một số tổ chức quốc tế có mặt tại đây, với tuyệt đại đa số phản biện phê phán nó là quá bi quan.

Luận cứ của EIU đằng sau dự báo khá khác thường này nằm ở dự báo xuất khẩu suy giảm mạnh, với nguyên nhân từ sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam từ các nước đối tác chủ chốt. Suy thoái kinh tế ở các nước phát triển, chủ yếu là Mỹ, EU và Nhật vốn chiếm đến 60% xuất khẩu của Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư cũng được dự báo là sẽ suy giảm. Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân chậm lại là do lạm phát làm giảm sức mua dân cư và do nạn thất nghiệp tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Đầu tư cũng sẽ tăng trưởng chậm lại vì giải ngân vốn FDI sẽ tụt giảm do những vấn đề về tài chính và thanh khoản, cũng như từ chính khu vực xuất khẩu bị co hẹp. Hơn nữa, do xuất khẩu tương đương 80% GDP danh nghĩa của Việt Nam nên tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư cũng sẽ không thể bù đắp được phần đóng góp tụt giảm của xuất khẩu vào GDP. Có 2 “điểm sáng” trong vấn đề tăng trưởng GDP là chi tiêu Chính phủ sẽ tăng lên còn nhập khẩu sẽ giảm đi. 2 yếu tố này sẽ góp phần ngăn chặn đà giảm sút tăng trưởng kinh tế vì chúng là 2 cấu thành của GDP.

Để phê phán dự báo bi quan này, dư luận thường tập trung vào phần “ngọn” của vấn đề, tức là tập trung vào phân tích để cố gắng chỉ ra rằng tình hình xuất khẩu của và FDI vào Việt Nam thực ra sẽ không đến nỗi ảm đạm như EIU dự báo, còn chi tiêu Chính phủ sẽ có thể lớn hơn vì gói kích cầu có thể không chỉ dừng lại ở 1 tỷ USD như đã công bố. Hoặc nhu cầu nội địa sẽ tăng trưởng do tác động của gói kích cầu để bù đắp phần tụt giảm xuất khẩu v.v... Dường như chẳng ai chịu khó bỏ công xem EIU đã tính toán thế nào để ra được con số tăng trưởng đáng giật mình như thế. Mà chưa cần phải bỏ công làm như vậy cũng có thể nghi ngờ ngay lập luận của EIU về chuyện xuất khẩu giảm sút và vai trò của nó trong tăng trưởng GDP. Xuất khẩu có thể giảm sút mạnh nhưng nếu nhập khẩu cũng giảm sút mạnh tương ứng hoặc lớn hơn (như xảy ra trong tháng 2 vừa qua) thì rốt cuộc chênh lệch xuất nhập khẩu lại thu hẹp lại (bớt âm đi). Vì thế, cho dù xuất khẩu có tương đương đến 80% GDP hay hơn nhiều thế nữa, nếu chênh lệch xuất nhập khẩu giảm đi thì GDP vẫn có cơ hội tăng lên (vì chênh lệch xuất nhập khẩu là một cấu thành của GDP và nếu bớt âm đi thì tức là GDP có thể sẽ tăng lên, nếu đầu tư và chi tiêu có thể không đổi hoặc giảm đi ở một chừng mực nào đó).

Về bản “Báo cáo Việt Nam” của EIU - Ảnh 1

Bảng trên được lập với các số liệu lấy từ trang web của Tổng cục Thống kê (TCTK) và ở trang 6 của bản “Country Report: Vietnam” số tháng 3 của EIU. Có thể thấy ngay rằng EIU đã tính sai, như kết quả thể hiện ở dòng số 10. Nếu cộng các cấu thành của GDP như nêu ở dòng 10 này thì tăng trưởng GDP của Việt Nam trong các năm 2008 và 2009 phải lần lượt là -1% và 1,3% chứ không phải là 6,2% và 0,3% như họ công bố ở dòng số 11. Sai số này là rất lớn, không thể bỏ qua như thông thường.

Một điều đáng lưu ý từ bảng này là hạng mục “thay đổi tồn kho” có xu hướng giảm sút mạnh, từ hơn 19.000 tỷ năm 2007 xuống còn 15.000 tỷ năm 2008 và 10.000 tỷ năm 2009 (sụt giảm với tốc độ tương ứng là 21% và 33%). Do TCTK chưa công bố số liệu tương ứng cho năm 2008 nên khó có thể so sánh xem con số 15.000 tỷ giá trị tồn kho theo dự báo của EIU có chính xác không. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự sụt giảm tồn kho này sẽ làm giảm tăng trưởng GDP đi 0,9% trong năm 2008 và 1% trong năm 2009, theo tính toán của EIU. Vì ảnh hưởng của hạng mục này tương đối lớn so với con số tăng trưởng GDP 0,3% trong năm 2009 của họ nên thật ngạc nhiên là EIU không hề dành một lời nào để giải thích tại sao họ lại có con số này. Hơn nữa, nếu nhìn lại chuỗi số liệu về giá trị tồn kho suốt từ năm 1995 hiện đang được công bố trên website của TCTK thì có thể thấy chỉ có hai năm là năm 1997 và 1999 (giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực) là có sự sụt giảm hàng tồn kho với tỷ lệ giảm tương ứng là 1,4% và 4,4% so với năm trước đó. Các năm khác đều có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số. Mức dự báo sụt giảm tồn khó của EIU lên tới 21% trong năm 2008, là năm vẫn có tốc độ tăng trưởng 6,3%, quả thật là điều khó thuyết phục trong chừng mực họ “lờ”, không hề bình luận về nó.

Lưu ý thêm một điều nữa là chênh lệch xuất nhập khẩu trong năm 2007 theo tính toán của EIU rất khác biệt so với của TCTK (-48,7 nghìn tỷ so với -79,1 nghìn tỷ). Nếu ta lấy số liệu của TCTK làm chuẩn mực thì có thể suy ra rằng mọi dự báo về xuất khẩu, nhập khẩu của EIU ít nhất kể từ năm 2008 đều là sai vì dựa trên số liệu không chính xác của năm 2007.

Với những sai biệt và/hoặc không rõ ràng về thay đổi tồn kho và chênh lệch xuất nhập khẩu cũng như bản thân con số tổng cộng (GDP) được nêu ra ở bảng trên, có thể kết luận rằng dự báo tăng trưởng của EIU cho các năm 2009 trở về sau là không chính xác. Vấn đề có thể nằm ở chỗ sai sót/khó khăn của EIU khi quy đổi giá trị các hạng mục cấu thành GDP từ giá hiện hành sang giá cố định (giá năm 1994), là điều thiết yếu để tính được tăng trưởng GDP. Điều này được họ thừa nhận ở phía cuối bản báo cáo của mình rằng những dự báo/tính toán này không tránh khỏi có sai số lớn do số liệu về cấu thành GDP theo các hạng mục chi tiêu mà EIU sử dụng chỉ có theo giá hiện hành và phải điều chỉnh chúng theo giá cố định, nhất quán với tốc độ tăng trưởng GDP được TCTK công bố.

Nói cách khác, với tất cả sai sót về lập luận (như chuyện xuất khẩu tương đương đến 80% GDP nên sụt giảm xuất khẩu tất yếu sẽ làm sụt giảm GDP) cũng như trong tính toán của EIU, có thể nói không quá đáng rằng con số dự báo tăng trưởng GDP này chỉ là con số “nhặt ở trên trời”, hoặc giả chỉ là kết quả của một tính toán với những sai số quá lớn mà vì thế không có giá trị tham khảo.