Về phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ của ngân hàng thương mại

ThS., NCS. Hoàng Thị Thu Hường - Học viện Tài chính

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một trong bốn báo cáo tài chính quan trọng của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng. Môi trường kinh doanh hiện đại đòi hỏi việc kiểm soát hoạt động của ngân hàng thương mại không chỉ dựa trên các thông tin của bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh mà còn phải dựa vào thông tin từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Như vậy, phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ giúp người đọc thấy được tiềm lực tài chính thực sự bằng dòng tiền của ngân hàng thương mại, nó bổ trợ cho các thông tin từ bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vài nét về báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của ngân hàng thương mại (NHTM) phản ánh dòng tiền phát sinh từ 3 hoạt động: Hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính. Dòng tiền từ hoạt động tài chính phản ánh tiền thu, tiền chi liên quan trực tiếp đến vốn chủ sở hữu và vốn vay của ngân hàng như thu – chi liên quan đến phát hành, mua lại cổ phiếu, các giấy tờ có giá dài hạn (không bao gồm thu – chi liên quan đến tiền gửi của tổ chức tín dụng khác và khách hàng). Dòng tiền hoạt động đầu tư phản ánh tiền thu, tiền chi liên quan đến đầu tư tài sản cố định và đầu tư tài chính của NHTM.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh phản ánh dòng tiền thu, tiền chi chưa được phản ánh ở dòng tiền đầu tư và tài chính, nó liên quan đến hoạt động huy động – cho vay của NHTM như: Thu lãi, phí cho vay, thu hồi cho vay, chi cho vay, nhận tiền gửi… Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo 1 trong 2 phương pháp: Trực tiếp và gián tiếp.

Nội dung phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ kết hợp với bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh được chia làm 4 nhóm: (1) Khả năng chi trả bằng dòng tiền thuần; (2) Chất lượng thu nhập; (3) Khả năng chi trả hoạt động đầu tư; (4) Khả năng tạo tiền. Cụ thể:

Thứ nhất, về khả năng chi trả bằng dòng tiền thuần, sử dụng các chỉ tiêu sau:

(1)

Hệ số chi trả nợ ngắn hạn

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

Nợ ngắn hạn bình quân

(2)

Hệ số chi trả nợ

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

Nợ phải trả bình quân

Khả năng chi trả nợ (hoặc nợ ngắn hạn) cho biết, NHTM có thể thanh toán được bao nhiêu lần nợ phải trả (hay nợ ngắn hạn) bằng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tạo ra trong kỳ. Hệ số này càng cao thì năng lực của NHTM đối phó với các khoản nợ càng lớn.

(3)

Hệ số chi trả lãi

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh + lãi vay đã trả + Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp

Lãi vay phải trả trong kỳ

Hệ số chi trả lãi cho biết, NHTM chi trả được bao nhiêu lần lãi vay phải trả bằng tiền từ hoạt động kinh doanh. Nếu hệ số này nhỏ hơn 1 nghĩa là NHTM phải sử dụng các dòng tiền ngoài hoạt động kinh doanh để trả lãi, báo hiệu NHTM đang gặp vấn đề về chi trả lãi. Hệ số này chỉ tính được khi NHTM lập báo cáo theo phương pháp trực tiếp.

(4)

Hệ số chi trả cổ tức

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

Cổ tức đã trả trong kỳ

Trong đó, cổ tức đã trả trong kỳ lấy trên dòng tiền hoạt động tài chính.

Hệ số này cho biết, NHTM chi trả được bao nhiêu lần cổ tức bằng dòng tiền thuần tạo ra từ hoạt động kinh doanh. Để hấp dẫn nhà đầu tư, hệ số này của NHTM cần lớn hơn 1.

Thứ hai, về chất lượng thu nhập và kết quả kinh doanh, có các chỉ tiêu sau:

(5)

Hệ số tiền thu từ lãi và dịch vụ so với thu nhập lãi, dịch vụ

=

Tiền thu lãi cho vay, lãi tiền gửi, thu phí dịch vụ

Thu nhập lãi + thu nhập từ hoạt động dịch vụ

Hệ số này cho biết, mối quan hệ giữa dòng tiền thu về với thu nhập từ lãi và hoạt động dịch vụ. Hệ số này càng gần 1 thì công nợ phải thu và phí dịch vụ của NHTM càng nhỏ. Nó phản ánh chất lượng thu nhập của NHTM. Chỉ tiêu này chỉ tính được đối với NHTM lập báo cáo theo phương pháp trực tiếp.

(6)

Hệ số dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh so với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

Thu nhập lãi thuần + Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ

Trong đó, thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ phản ánh trên báo cáo kết quả kinh doanh.

Hệ số này cho thấy, sự khác biệt giữa dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh so với lợi nhuận hoạt động kinh doanh (huy động- cho vay, cung cấp các dịch vụ). Nó phản ánh chất lượng lợi nhuận ở khía cạnh dòng tiền thực sự phát sinh.

Thứ ba, khả năng chi trả hoạt động đầu tư bằng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh:

(7)

Hệ số chi trả hoạt động đầu tư bằng dòng tiền thuần kinh doanh

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

Tiền chi từ hoạt động đầu tư

Hệ số này cho biết tiền, thuần từ hoạt động kinh doanh trang trải được bao nhiều phần tiền chi cho đầu tư. Nó phản ánh năng lực của NHTM về trang trải vốn đầu tư từ hoạt động kinh doanh chính.

(8)

Hệ số trang trải tiền chi từ hoạt động đầu tư

=

Tiền chi hoạt động đầu tư – tiền thu hoạt động đầu tư

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và tài chính

Hệ số này cho biết, NHTM sử dụng bao nhiêu phần dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và tài chính cho hoạt động đầu tư. Nó phản ánh tình hình quản lý, sử dụng dòng tiền của NHTM.

Thứ tư, về khả năng tạo tiền: có các chỉ tiêu sau:

(9) 

Hệ số tạo tiền bình quân mỗi cổ phần

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

Số cổ phần phổ thông đang lưu hành bình quân

Hệ số tạo tiền bình quân cổ phiếu cho biết, mỗi cổ phần phổ thông tạo ra bao nhiêu đồng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Đây là một chỉ số quan trong đối với cổ đông của NHTM.

(10)

Hệ số tạo tiền từ tài sản

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh + lãi vay đã trả + Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp

Tổng tài sản bình quân

Hệ số này cho biết, khả năng tạo tiền từ tổng tài sản của NHTM. Tuy nhiên, hệ số này chỉ tính được đối với NHTM lập báo cáo theo phương pháp trực tiếp.

(11) 

Hệ số tạo tiền từ vốn chủ sở hữu

=

Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh

Vốn chủ sở hữu bình quân

Hệ số tạo tiền từ tài sản cho biết, bình quân 1 đồng vốn chủ sở hữu đầu tư thu được bao nhiêu đồng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh.

Minh họa từ thực tế ngân hàng

Minh họa cho các chỉ tiêu phân tích trên qua số liệu của NHTM X (bảng 1+2) cho thấy, Năm N-1, NHTM X bội thu ở cả 3 hoạt động. Năm N chỉ có dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương còn dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư âm nên tổng lưu chuyển tiền thuần âm; Mặc dù theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm N, NHTM X vẫn có lợi nhuận là 4.271.305 triệu đồng (lợi nhuận năm (N-1) là 4.504.525 triệu đồng). Điều này chứng tỏ, năm N, dòng thu từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư không đủ bù đắp cho dòng tiền chi, NHTM X phải dùng dòng tiền hoạt động tài chính (phát hành cổ phiếu) để tài trợ, xét trong dài hạn là không hợp lý, đây là một dấu hiệu đáng quan ngại cho NHTM X.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh và Bảng cân đối kế toán có thể thấy những bất cập về dòng tiền của NHTM X.

Khi dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh của NHTM dương, các chỉ tiêu (5),(6),(9) trên Bảng 2 cho thấy, mức độ đóng góp của dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh (dòng tiền chính của NHTM) vào việc thanh toán nợ, chi trả cổ tức, trang trải cho hoạt động đầu tư của NHTM. Hệ số (10), (11) cho biết, lượng tiền thực tế thu được từ hoạt động kinh doanh của NHTM mà mỗi chủ sở hữu có được. Hệ số (7) cho thấy, sự khác biệt giữa lợi nhuận và dòng tiền thuần kinh doanh, nguyên nhân ở các khoản lãi dự thu, các khoản phải thu từ cung cấp dịch vụ cho khách hàng hay thu lãi cho vay đã hạch toán doanh thu nhưng chưa thực thu bằng tiền.

Như vậy, phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 4 khía cạnh trên sẽ giúp thấy được tiềm lực tài chính thực sự bằng dòng tiền của NHTM, nó bổ trợ cho các thông tin từ bảng Cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh. Nếu như nợ xấu - không thu hồi được đang là mối quan tâm hàng đầu của các chủ thể trong nền kinh tế đối với ngân hàng thì sự khác biệt giữa thu nhập, lợi nhuận so với dòng tiền thuần của NHTM, khả năng trang trải các khoản chi bằng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng… cũng tác động không nhỏ đến sự sống còn của NHTM. Do đó, giám sát hoạt động tài chính của NHTM từ các dữ liệu dòng tiền có ý nghĩa rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo:

1.  Giáo trình kế toán NHTM, Học viện Tài chính (2010), NXB Tài chính;

2. Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN, ngày 18/4/2007, Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng;

3. Thông tư số 49/2014/TT-NHNN, ngày 31/12/2014, sửa đổi bổ sung một số điều khoản của Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN;

4. Tadija Đukić, Bojana Novićević, Faculty of Economics, University of Nis, Serbia, “The analysis of key financial perfomances of Banks”, 2013.