Vì đâu giá cổ phiếu STB và EIB tăng vọt?

Theo Trần Thúy/bizlive.vn

Hai cổ phiếu tăng mạnh sau thông tin ông Dương Công Minh, Chủ tịch ngân hàng chia sẻ với truyền thông rằng Sacombank đã xử lý được tổng cộng hơn 19 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong mấy phiên gần đây, giá cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) liên tục tăng mạnh.
Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1, cả hai cổ phiếu này đều tăng trần với mức tăng gần 7%, lần lượt đạt 14.550 đồng/cổ phiếu và 13.800 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng này còn tiếp tục được kéo dài sang ngày hôm nay (9/1), lên mức lần lượt 14.850 đồng/cổ phiếu và 14.300 đồng/cổ phiếu.
Vì đâu giá cổ phiếu STB và EIB tăng vọt? - Ảnh 1  
Hai cổ phiếu tăng mạnh sau thông tin ông Dương Công Minh, Chủ tịch ngân hàng chia sẻ với truyền thông rằng Sacombank đã xử lý được tổng cộng hơn 19 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017.
Cụ thể theo thông tin được chia sẻ các khoản đã được giải quyết bao gồm thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng.
Hiện chưa có thêm thông tin về giá trị sổ sách các khoản nợ xấu nói trên cũng như thiệt hại thực tế mà STB có thể sẽ ghi nhận từ việc thanh lý các khoản nợ xấu này.
Tuy nhiên, theo Nghị Quyết 42 về xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng giai đoạn từ 2017-2021 được Quốc hội thông qua, thì thiệt hại từ xử lý nợ xấu có thể được phân bổ trong 5-10 năm trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Theo đó, STB có thể hạch toán thiệt hại phát sinh trong một thời gian dài, giúp không làm ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả kinh doanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia công ty chứng khoán HSC, đây là những thông tin tích cực cho STB. Mặc dù chưa có đầy đủ các chi tiết, nhưng thông tin trên đã cho thấy một triển vọng rõ ràng hơn cho STB.
Trước đó, thị trường vẫn luôn lo ngại về nợ xấu tại STB. Cụ thể, STB có một lượng lớn tài sản có vấn đề từ trước để lại trong khi khả năng thanh khoản của những tài sản này được cho là không cao do quy mô tài sản lớn và tình trạng pháp lý còn nhiều vướng mắc.
Tuy nhiên theo báo cáo tạm thời của STB về xử lý nợ xấu trong năm 2017 có thể thấy ngân hàng đang làm được nhiều hơn kỳ vọng của nhà đầu tư trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Ngoài thông tin liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, Chủ tịch Sacombank cũng đã công bố một số thông tin khá tích cực liên quan đến hoạt động của ngân hàng trong năm qua như tổng tài sản của Sacombank đã đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng đạt hơn 219.000 tỉ đồng, tăng 12,6%.
Đặc biệt tỷ suất sinh lời của ngân hàng dần được cải thiện với tổng thu nhập năm 2017 đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng. Thu dịch vụ năm 2017 đạt 2.395 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 29,6% so với năm trước.
Và cho đến nay, Sacombank vẫn là một trong những ngân hàng cổ phần có mạng lưới rộng nhất với 566 chi nhánh, phòng giao dịch.
Dù chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể cho năm 2018, nhưng ông Dương Công Minh cũng cho biết sẽ cố gắng giảm tỷ lệ nợ xấu công bố xuống dưới 3% vào thời điểm cuối năm nay.
Trong khi đó, giá cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng được hưởng lợi từ thông tin nợ xấu tại STB được xử lý nhanh hơn kỳ vọng vì EIB muốn bán 8,75% cổ phần STB.
Vì đâu giá cổ phiếu STB và EIB tăng vọt? - Ảnh 2
 
Theo đánh giá của HSC, Eximbank hiện có thể thoái vốn khỏi STB nhanh hơn dự kiến với mức giá thặng dư. Theo đó Ngân hàng có thể hạch toán lãi đột biến giúp xóa lỗ lũy kế trong năm 2018.
EIB nắm 165 triệu cổ phiếu STB (8,75% cổ phần) từ năm 2012. Giá vốn là khoảng 10.600đồng/cổ phiếu theo ước tính của HSC. Sau khi được NHNN phê duyệt kế hoạch thoái vốn tại STB vào năm ngoái, EIB hiện có thể bán cổ phần STB theo nhiều phương án.
Và với điều kiện thị trường hỗ trợ hiện tại, EIB thậm chí có thể lựa chọn bán cổ phiếu STB trực tiếp trên sàn. Đặc biệt khi mà khối lượng giao dịch bình quân trong ngày của cổ phiếu STB được ghi nhận là khoảng 21,4 triệu cổ phiếu/ngày trong 5 ngày giao dịch gần nhất.
“Với mức độ này, khả năng hoàn thành thoái vốn có thể là trong quý I/2018. Lợi nhuận từ thoái vốn tại STB giúp EIB xử lý toàn bộ lỗ lũy kế còn lại. Với giá mua vào ban đầu là 10.600đồng/cổ phiếu, chúng tôi hiện giả định nếu EIB bán toàn bộ cổ phiếu STB đang nắm giữ với giá bình quân là 13.600 đồng/cổ phiếu và có thể ghi nhận khoản lợi nhuận không thường xuyên khoảng 500 tỷ đồng”, HSC nhận định.
Theo đó, ngân hàng có thể ngay lập tức bù lại số lỗ lũy kế 416 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016. Nhờ vậy, EIB sẽ không còn nằm trong danh sách cảnh báo của UBCK trong một vài tháng tới và khi đó cổ phiếu sẽ đủ điều kiện cho vay margin.