Vì sao cổ phần cảng biển không hấp dẫn?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Để tái cơ cấu các doanh nghiệp cảng biển ở nước ta, Bộ Giao thông – Vận tải đã chỉ đạo doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, sau hơn một tháng tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), 4 cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang chưa bán được nhiều cổ phần của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau một tháng tiến hành IPO, cảng Nha Trang chỉ bán được 350.800 cổ phần (chiếm 6,3%) và thu về 3,5 tỷ đồng. Cao hơn là cảng Quảng Ninh, với 7,5% cổ phần được bán, tương đương 854.500 cổ phần/11,3 triệu tổng số cổ phần chào bán. Hai cảng Đà Nẵng và Hải Phòng có kết quả IPO khá hơn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Trong đó, cảng Đà Nẵng bán được hơn 1,6 triệu cổ phần (tương đương 19,6%) trên tổng số 8,3 triệu cổ phần mang ra bán đấu giá. Cảng Hải Phòng bán được hơn 17,6 triệu cổ phần (chiếm khoảng 47%) trên tổng số 37,6 triệu cổ phần chào bán.

Đây là một kết quả gây ngạc nhiên, vì đó không phải là những cảng biển có lưu lượng hàng hóa thông quan thấp, hay mới được đưa vào sử dụng. Vậy kết quả IPO không được như kỳ vọng có phải do chỉ được tiến hành trong thời gian ngắn, khiến doanh nghiệp chưa có thời gian để tìm kiếm đối tác chiến lược cho mình? Các chuyên gia không phủ nhận ảnh hưởng của việc chuẩn bị gấp rút đến kết quả IPO thấp hơn kỳ vọng, nhưng cũng nhấn mạnh đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bán không ai mua.

Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là điều kiện đối với các nhà đầu tư chiến lược được các cảng biển này đưa ra tương đối cao. Ví dụ, với cảng Hải Phòng, nhà đầu tư chiến lược phải có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng. Nếu nhà đầu tư là các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng, dịch vụ logistics phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm; về tài chính, phải có tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu 700 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2013. Đơn vị muốn trở thành cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng phải có lợi nhuận sau thuế dương trong ba năm liên tiếp trước năm đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược. Và cổ đông chiến lược của cảng Hải Phòng cũng sẽ không được là nhà đầu tư chiến lược, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng nào tại khu vực miền Bắc. Nhà đầu tư phải cam kết không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm và không chuyển nhượng cổ phần được mua cho nhà đầu tư nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào. Các cảng có quy mô nhỏ hơn cũng đưa ra những điều kiện khá khắt khe với nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư chưa quan tâm nhiều đến cổ phiếu cảng biển còn do tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước vẫn còn cao (chiếm 75%) sau khi đã cổ phần hóa. Tâm lý của các nhà đầu tư khi góp vốn vào cảng là muốn được tham gia điều hành và có niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Song, với tình trạng trì trệ và quản lý yếu kém bấy lâu nay của các cảng, tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước còn cao chính là điều mà các nhà đầu tư lo ngại. Đó là chưa kể thời điểm hiện nay, ngành vận tải biển vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng sau thời hoàng kim, các cảng biển khu vực miền Bắc và miền Trung không đón được tàu lớn vào làm hàng.

Tác động của cổ phần hóa đối với đổi mới doanh nghiệp đã được chứng minh trên thực tế, nhất là với những doanh nghiệp hoạt động trì trệ trong nhiều năm. Vì vậy, kết quả IPO của 4 cảng biển trong thời gian qua đòi hỏi cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải nhanh chóng rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp phù hợp giúp thu hút nhà đầu tư cho quá trình chào bán cổ phần lần sau.