Việt Nam có quá nhiều ngân hàng nhỏ và giống nhau

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Tiềm năng phát triển mảng bán lẻ tại Việt Nam còn rất nhiều nhưng ngân hàng cần tìm ra sự khác biệt để tìm khách hàng trung thành, theo ông Keith Pogson, lãnh đạo Ernst & Young phụ trách châu Á – Thái Bình Dương.

Phóng viên: Hơn 2 năm trước khi đến Việt Nam, ông nói chưa thấy ngân hàng nào đủ lớn, có thể làm trụ cột quốc gia và dẫn dắt thị trường. Vậy khi trở lại, quan sát và nhận định của ông có thay đổi gì, đặc biệt sau khi ngành ngân hàng đang trải qua một cuộc "đại phẫu" lớn?

KeithPogson-tlan400-9144-1400690365.jpg
Ông Keith Pogson,
lãnh đạo Ernst & Young phụ trách châu Á – Thái Bình Dương
Ông Keith Pogson: Việt Nam mới bắt đầu quá trình tái cấu trúc và tôi nghĩ cần nhiều năm nữa mới xong. Vì vậy, lúc này rất khó để ví dụ một ngân hàng nào có thể đứng ra dẫn dắt. Theo tôi quan sát, việc sáp nhập, hợp nhất của các bạn gần đây diễn ra mạnh mẽ giữa khu vực vốn Nhà nước và cổ phần. Nhưng để đi đến một ngân hàng tầm cỡ, trụ cột quốc gia thì có thể cần nhiều hơn thế.

Vừa rồi tôi thấy có nhiều cuộc sáp nhập, kiểu như Southern Bank và Sacombank cũng tốt nhưng như vậy chưa đủ, cần quy mô lớn hơn nữa. Có thể cần một cuộc sáp nhập 2 ngân hàng nhà nước với nhau hoặc một ngân hàng vốn Nhà nước với một trong 4 đơn vị cổ phần ở top đầu… Dù kịch bản nào đi chăng nữa, cơ hội vẫn đang mở ra với khoảng có 6-7 ngân hàng để trở thành trụ cột tương lai.

Báo cáo của Ernst & Young vừa công bố cho thấy các nhà băng Việt Nam khó tìm khách hàng trung thành trong lĩnh vực bán lẻ. Theo ông, đâu thực sự là vấn đề của họ?

Số lượng nhà băng hiện vẫn nhiều nên khả năng mặc cả của khách hàng, quyền đổi đơn vị cung ứng bất cứ lúc nào vẫn còn cao. Như Australia, Nhật Bản, những thị trường mà hệ thống ngân hàng khá gọn gàng, chỉ có 3-4 ngân hàng quy mô lớn và khách hàng chẳng có cơ hội để lựa chọn. Còn Việt Nam, có thể tới 40 ngân hàng, chưa kể các tổ chức tín dụng tương tự khác.

Bước xuống sân bay Việt Nam, điều đầu tiên tôi rất ngạc nhiên là có tới 15 ATM của 15 ngân hàng, xếp san sát cạnh nhau. Slogan, khẩu hiệu của các ngân hàng cũng khá hao hao nhau.

Vậy theo ông, làm sao để lấy được sự trung thành của các khách hàng?

Theo đánh giá của tôi, số ngân hàng xác định được thực sự tầm nhìn tương lai ở Việt Nam rất ít. Nếu ngân hàng nào cũng sử dụng một nhà tư vấn chiến lược giống nhau thì rất khó, dẫn đến việc 40 ngân hàng Việt Nam có thể có một mô hình như nhau. Vì vậy, cần tạo nên sự khác biệt, nếu cứ na ná nhau sẽ khó tìm được lý do khiến khách hàng ở lại lâu và trung thành với chúng ta.

Ông Keith Pogson có 20 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng thương mại, đầu tư và 17 năm lãnh đạo mảng Dịch vụ Tài chính của Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các cơ quan lập pháp và quản lý của Chính phủ nhiều nước trong khu vực, đưa ra quy định và sáng kiến cải cách thị trường tài chính.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Việt Nam chưa có nhà cung cấp dịch vụ nào dẫn đầu và chiếm lĩnh thị trường tuyệt đối. Như vậy cơ hội sẽ còn cho mọi ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng quy mô lớn thì có thể đầu tư và trang trải nhiều chi phí, một trong số đó là để trang trải, bảo vệ hệ thống an ninh mạng. Gần đây, tôi có nói chuyện với một lãnh đạo ngân hàng toàn cầu. Vị này cho biết, cứ 6 email họ nhận được thì 5 trong số đó nói về vấn đề tấn công mạng hiện nay.

Theo ông, ngân hàng nội địa có thể cạnh tranh gì với nhà băng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ?

Bản thân ngân hàng ngoại có những lợi thế riêng như công nghệ, quy trình, sản phẩm. Tất cả đều đã mang tính quốc tế và họ chỉ việc mang vào Việt Nam để áp dụng, miễn là được các cơ quan quản lý cho phép. Nhưng ngược lại, ngân hàng nội cũng không vừa. Họ cũng rất nhanh nhạy với sự thay đổi của thị trường. Lợi thế là họ có mạng lưới rất tốt, một số ngân hàng có thể vươn đến cả vùng nông thôn xa xôi, điều mà ngân hàng nước ngoài không thể làm được, nhất là trong bối cảnh khó mở rộng mạng lưới, chi nhánh như hiện nay.

Ngoài ra, nếu phát triển mobile banking, khả năng liên minh với các công ty viễn thông sẽ thuận lợi hơn với các ngân hàng nội địa. Ngoài ra, khẩu vị rủi ro của hai nhóm này rất khác nhau. Ở Việt Nam, một khi các ông chủ đã muốn và đặt ra mục tiêu phát triển thì họ sẽ tăng trưởng rất nhanh dù phải thay đổi khẩu vị rủi ro, còn các nhà băng nước ngoài thì khó hơn nhiều.