Việt Nam có thể tốn kém hơn khi FED tăng lãi suất, chiến tranh thương mại?

Theo Nhật Nam/vneconomy.vn

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình tài khóa, ngân hàng của Việt Nam, trong đó đề cập hai diễn biến nổi bật trên thị trường: lộ trình Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả đã tăng đột biến, cuối năm 2017 ở mức 21,9 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2016. Nguồn: Internet
Dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả đã tăng đột biến, cuối năm 2017 ở mức 21,9 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2016. Nguồn: Internet

Đó cũng là hai yếu tố chính có thể tác động tới cân đối ngân sách nhà nước, nợ công, nợ của quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới, theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Cụ thể, Fed tăng lãi suất làm tăng chi phí trả nợ vay của Chính phủ trong bối cảnh tỷ trọng lãi suất thả nổi có xu hướng tăng. Sau các đợt tăng từ đầu năm 2018, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục có lần tăng lãi suất tiếp theo vào cuối tháng 9 này.

Theo báo cáo trên, việc tăng lãi suất đồng USD và hiệu ứng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động lên ngân ngân sách và nợ công của Việt Nam trên hai phương diện.

Thứ nhất, Mỹ đã áp thuế lên một số mặt hàng thương mại của Việt Nam tương tự như Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh và thu từ hoạt động xuất khẩu.

Thứ hai, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá và có thể còn tiếp tục phá giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang gây áp lực lên tỷ giá trong nước theo hướng giảm giá VND, từ đó tác động tới chi phí trả nợ vay của Chính phủ.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia còn lưu ý đến một phạm vi khác chịu tác động: dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả nếu tăng đột biến như năm 2017 có thể ảnh hướng đến giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia (hiện đang ở mức 49% GDP, tiệm cận ngưỡng 50% GDP).

Chú thích của báo cáo cho biết, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả đã tăng đột biến, cuối năm 2017 ở mức 21,9 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2016, cao hơn mức tối đa 10%/năm của hạn mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình quản lý nợ trung hạn 2016 - 2018.