Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của Đức

Theo Báo Đầu tư.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 17/9 đến 19/9, Ngài Philipp Rưsler, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, Đức sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại cũng như tìm ra những điều kiện khung thuận lợi hơn cho hợp tác kinh tế giữa hai nước Đức - Việt Nam.

Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của Đức
Xin Ngài hãy cho biết ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam lần này với cương vị là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang và cương vị cá nhân?

Tôi rất vui mừng chờ đón chuyến đi lần này với cương vị là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang và có một chút tình cảm cá nhân. Việt Nam là một đất nước có lịch sử phong phú và thú vị, một tiềm năng kinh tế to lớn với những người dân hiếu học và chăm chỉ, luôn mong muốn được đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Đồng thời, Việt Nam là một phần trong câu chuyện cuộc đời tôi, nên vậy chuyến thăm Việt Nam lần này chứa đựng rất nhiều tình cảm của tôi. Tuy nhiên, quê hương của tôi là nước Đức.

Đức hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại hai chiều trong nửa đầu năm đạt khoảng 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Âu này. Ngài đánh giá thế nào về cơ hội của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Đức?

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ. Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được cải thiện, nền kinh tế phát triển vững chắc. Chính vì vậy, có rất nhiều cơ hội mở ra đối với sản phẩm của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Tôi cho rằng, xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai. Cùng với các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại đây, Việt Nam đã cho thấy nỗ lực của mình trong lĩnh vực đào tạo nghề và đào tạo nâng cao trình độ. Đội ngũ lao động chuyên môn và chuyên gia là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm và các dịch vụ mới cũng như nâng cao thị phần của doanh nghiệp. Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là phải chú ý tới tính bền vững và sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Dẫn đầu một phái đoàn kinh tế trong chuyến thăm lần này, Ngài trông đợi những kết quả gì trong lĩnh vực thương mại cũng như đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm của mình? Ngài đánh giá thế nào về hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước trong tương lai gần?

Việt Nam và Đức có mối quan hệ hợp tác kinh tế đáng tin cậy từ nhiều năm. Đại diện của nhiều doanh nghiệp tháp tùng tôi trong chuyến thăm Việt Nam lần này đã biết Việt Nam từ nhiều năm qua và vẫn tiếp tục phát triển hợp tác với đối tác Việt Nam. Với chuyến thăm của Thủ tướng Đức năm ngoái và chuyến thăm của tôi lần này, Chính phủ Đức đã cho thấy tầm quan trọng của khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam, trong hợp tác kinh tế. Với cương vị là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang, tôi sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại cũng như tìm ra những điều kiện khung thuận lợi hơn cho việc hợp tác kinh tế. Và trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU), các hiệp định tự do thương mại với Việt Nam sẽ được đàm phán nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Theo Ngài, chúng ta cần phải thực hiện những bước tiếp theo như thế nào để đẩy mạnh hợp tác kinh tế và củng cố các mối quan hệ thương mại?

Một biện pháp quan trọng để tăng cường các mối quan hệ thương mại là các hiệp định thương mại tự do. Tôi rất vui mừng khi thấy các cuộc đàm phán giữa EU và Việt Nam đã được chú trọng trong vấn đề này.

Việc xây dựng cơ cấu kinh tế thị trường và cải thiện các điều kiện khung pháp lý tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển. Những bước đi đầu tiên đã được thực hiện, nhưng chúng ta còn cần phải thực hiện những bước đi tiếp theo. Các mối quan hệ kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào chính các doanh nghiệp.

Với Tuyên bố chung Hà Nội được Thủ tướng Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký kết, Việt Nam và CHLB Đức đã trở thành đối tác chiến lược. Chính vì vậy, chúng ta luôn có sự gắn kết đặc biệt từ hai phía.

Tôi cũng tán thành rằng, các dự án quan trọng trong hợp tác của chúng ta hiện nay là Trường đại học Việt Đức, Trường phổ thông Đức – Việt mới được khai trương cũng như Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP.HCM. Một dự án cũng rất quan trọng nữa là Dự án Ngôi nhà Đức, chúng tôi mong muốn đây sẽ là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, hai bên còn cần phải có nhiều thỏa thuận và đàm phán để thực hiện. Tôi cho rằng, chúng ta đang đi đúng hướng.

Quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Đức có bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu không, thưa Ngài?

Không. Quan hệ kinh tế giữa Đức và Việt Nam đã phát triển từ rất lâu và rất ổn định. Trong cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, nước Đức vẫn vững vàng. Ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nước Đức vẫn là một mỏ neo vững chắc tại châu Âu. Cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của Đức đều vẫn tăng. Trong tương lai, Việt Nam có thể là một đối tác đáng tin cậy của nền kinh tế phát triển của Đức.

Ngài có cảm nhận được sự khác biệt nào về đất nước Việt Nam khi so sánh với chuyến thăm Việt Nam lần trước?

Tất nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa một chuyến thăm mang tính chất cá nhân và một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước với cương vị là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang. Cả hai chuyến thăm đều có sức hấp dẫn. Chuyến thăm cá nhân khiến người ta hào phóng thời gian để làm quen với đất nước và con người ở đó. Chuyến thăm chính thức là với mục đích thực hiện chương trình cấp nhà nước cùng với phái đoàn của mình. Tuy nhiên, tôi không hề thấy có sự khác biệt khi được người dân đón tiếp nồng nhiệt. Ngay cả khi đến Việt Nam như một du khách bình thường, tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt như với cương vị là Bộ trưởng.