VN - Index đã vượt “đỉnh” của năm 2013

Việt Hùng

(Tài chính) Khởi đầu năm 2014, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có bước tăng tốc ấn tượng. Các thông tin chính sách và vĩ mô tích cực đã giúp thị trường có chuỗi phiên tăng liên tiếp lên đến con số 10 và chỉ số VN- index đã “vượt đỉnh” của năm 2013.

VN - Index đã vượt “đỉnh” của năm 2013 - Ảnh 1
Sự lạc quan đã và đang trở lại với các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Nguồn: finaceplus.vn

Chuỗi tăng điểm ấn tượng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/1/2013, VN-Index tăng 6,86 điểm lên 533,54 điểm. Như vậy, chỉ trong 2 tuần đầu của năm 2014, VN-Index đã đi từ ngưỡng cản và điều chỉnh kỹ thuật 500 điểm của những ngày cuối năm 2013 để vượt ngưỡng 530 điểm, tăng gần 7% chỉ qua 10 phiên giao dịch. Sự khởi sắc của thị trường nhờ thông tin nới “room” sở hữu vốn ngoại tại các ngân hàng thương mại từ 15% lên 20% vừa được Chính phủ ban hành ngày 3/1/2014.

Thêm một thông tin chính sách tích cực nữa rất có thể sẽ được ban hành sớm đó là “room” sở hữu của công ty đại chúng, công ty niêm yết cũng sẽ chính thức được nâng lên trước Tết Nguyên đán 2014. Thông tin tốt khiến dòng vốn ngoại tăng mua ở nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt có những phiên khối ngoại “đánh” cổ phiếu lớn như FPT, HAG, VNM quyết liệt, tạo nên các “trụ đỡ” ấn tượng cho thị trường, dù sự điều chỉnh giảm vẫn xảy ra ở nhiều cổ phiếu nhỏ. Tính đến thời điểm này, VN-Index đã lập kỷ lục tăng dài nhất trong hơn một năm qua với 10 phiên tăng điểm liên tiếp.

Điều đáng nói là cùng với chỉ số chứng khoán tăng, thanh khoản hai sàn cũng tăng vọt khi tại HoSE, trong hai phiên ngày 15 và 16/1, giá trị giao dịch đều vượt 1.800 tỷ đồng, tiệm cận con số 2.000 tỷ đồng của năm 2013. Tương tự tại sàn HNX, giá trị giao dịch cũng thường xuyên vượt 600 tỷ đồng. Tính chung khối lượng hai sàn thường xuyên đạt gần 200 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch giao dịch từ 2.400 - 2.600 tỷ đồng.

Theo giới chuyên gia tài chính, nền tảng khiến TTCK khởi sắc trong những ngày đầu tiên của năm 2014, bên cạnh thông tin chính sách tích cực là kết quả từ sự khởi sắc hơn của kinh tế vĩ mô. Với những số liệu vĩ mô đã được công bố như GDP năm 2013 tăng 5,42%, CPI tăng 6,04%; thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu đề ra, xuất khẩu ấn tượng, xuất siêu 863 triệu USD, tỷ giá ổn định, lãi suất thấp, thị trường dường như đã có điểm tựa khá vững chắc.  Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế năm 2014 cũng tương đối lạc quan với GDP dự kiến tăng 5,8%, lạm phát xung quanh 7%, tỷ giá giao động không quá 2% đã đem lại niềm tin cho giới đầu tư và khiến rủi ro của thị trường tạm thời bị lãng quên.

Vẫn nên thận trọng

Chỉ còn hơn một tuần nữa, TTCK sẽ bước vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán  khá dài. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, trước mỗi đợt nghỉ dài, nhà đầu tư thường có xu hướng chốt lời để đảm bảo lợi nhuận đồng vốn và yên tâm cho một đợt nghỉ ngơi. Việc khối lượng giao dịch kèm giá trị giao dịch tăng trong thời gian trước Tết tại không ít mã cổ phiếu rất có thể là hành động này và nếu mua đuổi giá ở những cổ phiếu đã có chuỗi tăng dài, nhà đầu tư cá nhân rất có thể “mắc cạn”. Bởi vậy, một sự cẩn trọng cho xu hướng đầu tư ngắn hạn tại thời điểm này là rất cần thiết.

Tại báo cáo chiến lược “Vĩ mô và TTCK năm 2014” của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), tổ chức này đã đưa ra một số nhận định khá lạc quan về TTCK trong năm 2014. Theo BSC, dự báo TTCK Việt Nam có quá trình tăng điểm chậm nhưng chắc chắn, sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu và các nhóm ngành sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm. BSC đưa ra kịch bản lạc quan là VN-Index sẽ đạt 600 điểm vào cuối năm 2014.

Cũng theo BSC, trường hợp này chỉ xảy ra khi lạm phát năm 2014 được kỳ vọng khống chế ổn định trong khoảng 7-8%, đi đôi với vấn đề giải quyết nợ xấu hiệu quả, mặt bằng lãi suất cho vay được giữ ở mức thấp như năm 2013, thậm chí giảm hơn. Đây là những “biến số” mà thực tế quản lý và điều hành cần thời gian trả lời rõ nét và cụ thể hơn nữa…

Ngay cả khi trường hợp lạc quan nói trên diễn ra thì TTCK vẫn sẽ trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh, tích lũy và chờ đợi sự hiện thực hóa tin tốt từ kinh tế vĩ mô và chính sách quản lý. Bởi vậy, sự nôn nóng ngắn hạn trong thời điểm thị trường hưng phấn là tương đối rủi ro và đây chính là yếu tố khiến nhà đầu tư cá nhân rất nên cẩn trọng.