Vn- Index tiếp đà khởi sắc

Thanh Trúc

Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng của tuần mới (24-28/6), Vn-Index đã có sự tăng điểm mạnh, điều này đồng thuận với một số nhận định của các tổ chức tài chính, công ty chứng khoán về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần mới. Tuy nhiên, đây mới là kết quả phiên đầu tuần, thị trường sẽ còn kiểm định ở các phiên tiếp theo…

Kết thúc phiên giao dịch sáng 24/6, VN-Index tăng 5,55 điểm, HNX-Index tăng 0,08 điểm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kết thúc phiên giao dịch sáng 24/6, VN-Index tăng 5,55 điểm, HNX-Index tăng 0,08 điểm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khởi sắc phiên đầu tuần

Kết phiên giao dịch sáng ngày 24/6, VN-Index tăng 5,55 điểm, tương ứng tăng 0,58%, đạt lên 964,75 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,07%) lên 104,93 điểm.

Trên HOSE, tổng khối lượng giao dịch đạt 68,36 triệu đơn vị, giá trị 1.479,61 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,68% về lượng và 3,53% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,77 triệu đơn vị, giá trị 256,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCB vẫn là điểm sáng của dòng bank khi nới rộng biên độ tăng 2,96% lên mức 73.100 đồng/CP, các mã khác như STB tăng 1,75% lên 11.650 đồng/CP, EIB tăng 2,46% lên 18.750 đồng/CP, BID, VPB, TCB, HDB… cũng nhích nhẹ.

Một số mã lớn tăng mạnh đã hỗ trợ tốt cho thị trường như VIC tăng 1,48% lên 116.200 đồng/CP, VHM tăng 0,89% lên 79.200 đồng/CP, VRE tăng 1,6% lên 34.850 đồng/CP, MSN tăng 1,31% lên 85.100 đồng/CP…

Trái lại, nhóm dầu khí vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu như GAS giảm nhẹ 0,28% xuống 105.200 đồng/CP, PLX giảm 0,48% xuống 62.700 đồng/CP, PVT giam 0,91% xuống 16.250 đồng/CP, VNM giảm 0,16% xuống 125.300 đồng/CP.

Trên sàn HNX dù rung lắc nhưng vẫn giữ được sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch sáng 24/6, khối lượng giao dịch trên HNX đạt 9,44 triệu đơn vị, giá trị 114,09 tỷ đồng, giảm 29,39% về lượng và 42,86% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (21/6). Giao dịch thỏa thuận đạt 2,49 triệu đơn vị, giá trị 17,38 tỷ đồng...

Các mã khởi sắc đáng ghi nhớ là ACB tăng 0,3% lên 29.600 đồng/CP, SHB tăng 1,43% lên 7.100 đồng/CP. Điểm nổi bật, có 2 mã đạt khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị gồm PVS khớp 1,22 triệu đơn vị và MPT khớp 1,05 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù áp lực bán gia tăng giữ phiên khiến UPCoM-Index bị đẩy về dưới mốc tham chiếu nhưng may mắn trở lại trong phút cuối giúp thị trường hồi xanh.

Trong các ngành hàng, ngành nông – lâm - ngư tăng điểm mạnh nhất trên thị trường khi tăng 1,8%. Ngược lại, thiết bị điện hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm 1,58%.

Khối ngoại mua ròng 7 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 2 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua tập trung ở các cổ phiếu VCB và HPG trên sàn HOSE. SHB đang là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX. 

 Diễn biến nào cho cả tuần?

 “Vn-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực từ vùng kháng cự 965-966 điểm trong tuần cuối tháng 6 này”, đó là nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC.

Theo BVSC, thị trường rung lắc trong phiên đầu tuần trước khi quay lại thử thách vùng kháng cự 965-966 điểm một lần nữa sau đó. Đây là vùng cản được đánh giá tương đối mạnh đối với chỉ số trong ngắn hạn.

Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng và dầu khi đang bước vào nhịp hồi ngắn như dự báo của chúng tôi. Tuy nhiên, các cổ phiếu thuộc 2 nhóm này có khả năng sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh vào đầu tuần tới, trước khi tiếp tục nhịp hồi phục.

“Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-40% cổ phiếu trong giai đoạn này. Có thể thực hiện bán trading khi thị trường tiếp cận vùng cản 965-966 điểm”. Khuyến cáo điều này, BVSC cho rằng, các nhóm ngành như ngân hàng, dầu khí, khu công nghiệp, công nghệ thông tin và một vài cổ phiếu bất động sản… dự kiến sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong tuần tới.

Nhận định về thị trường trong tuần cuối tháng 6, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng: Thị trường chưa đủ cơ sở để hình thành sóng tăng mới. Theo VDSC: Cả hai chỉ số đều thể hiện sự lưỡng lự trong vùng tranh chấp sau phiên bật tăng khá mạnh và vẫn chưa đủ cơ sở để nhận định thị trường sẽ hình thành sóng tăng mới.

“Nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường trong vùng tranh chấp và tạm thời vẫn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng" – VDSC khuyên nhà đầu tư.

Dưới gọc nhìn chuyên gia,  Nguyễn Hữu Bình - Chuyên gia phân tích chứng khoán đánh giá: Thực tế, tâm lý nhà đầu tư hiện nay khá yếu, dòng tiền chảy vào thị trường rất thấp nên thực sự khó để nói rằng thị trường sẽ vận hành tích cực.

“Nếu như dòng tiền mạnh có thể chảy mạnh vào rất nhiều cổ phiếu có mức giá thấp và phá đáy hiện nay đủ hấp dẫn dòng tiền. Chỉ cần như vậy đủ để kích thích dòng tiền quay lại thị trường” – ông Bình cho hay.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS): Thị trường sẽ có sự luân phiên dẫn dắt bởi các nhóm cổ phiếu và trong đó một số cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm thương mại, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, điện, nên ưu tiên đầu tư. Nhà đầu tư cũng lưu ý một số cổ phiếu trong rổ giao dịch CW sắp tới cũng sẽ có nhiều dao động mạnh.